Khủng hoảng danh tính ở nam giới – Gia trưởng hay ra chưởng mới lo được cho em?

Decao sự ra chưởng nên mới “tăng tương tác” với Lâm Minh. Mời bạn đọc về Decao ở phần 2.4.4 Bạo lực gia đình. Nguồn hình: afamily.vn
Cảm hứng để viết bài này là phải nhờ vào một hate comment đầu dòng không biết viết hoa trong bài “Khủng hoảng tính nữ – Làm thế nào để được xem là một phụ nữ “đích thực” trong thời đại ngày nay?”.

img_0

Phản biện của tôi rằng: Vì tôi là phái nữ nên viết bài về nam giới, ai mà tin? Nhưng rồi tôi suy nghĩ thêm: Erik Erikson cũng là nam giới viết về nữ giới, viết rất đúng là đằng khác. Tuy nhiên, ông ấy là một nhà tâm lý học nổi tiếng, còn tôi thì không. Dẫu vậy, như anh Tornad đã nói trong bài viết này về việc chúng ta nên xem trọng ý kiến nhiều hơn thẩm quyền; đó là nguồn cảm hứng để tôi viết nên bài viết này, để cánh đàn ông có được góc nhìn về sự nam tính được nữ giới công nhận như thế nào.
Để tóm tắt bài viết này trong một câu thì sẽ là câu: Nếu ở phụ nữ có một khuôn mẫu nhất định về tính nữ là phải sinh đẻ – một chồng, hai con thì ở nam giới, thiếu hẳn một khuôn mẫu lành mạnh về hình tượng nam tính để đàn ông có thể nương theo và phát triển bản thân.
Đây cũng chính là chủ đề chính của bài nghiên cứu “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập – Những phát hiện chính và hàm ý đối với Bình đẳng giới” của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), là nguồn tham khảo chủ yếu của tôi cho bài viết này.
Một báo cáo rất hay, highly recommended mọi người đọc ạ. Nguồn ảnh: ISDS
Một báo cáo rất hay, highly recommended mọi người đọc ạ. Nguồn ảnh: ISDS
Các định nghĩa về danh tính, khủng hoảng danh tính, vai trò giới và định kiến giới tôi đã viết ở bài khủng hoảng tính nữ. Hôm nay tôi muốn giới thiệu thêm về ba định nghĩa nữa là chuẩn mực giới, nam tính và nam tính chủ đạo.
Nguồn: Jurien Huggins – Unsplash
Theo bài nghiên cứu của ISDS, chuẩn mực giới “quy định nam tính là gì, nữ tính là gì và nam giới và phụ nữ nên ứng xử như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.” [1]
Tiếp theo, bài nghiên cứu của Viện nghiên cứu và phát triển xã hội nêu định nghĩa về nam tínhnam tính chủ đạo.
Nam tính là một mô hình cụ thể của các hành vi hoặc thực hành xã hội có liên quan đến những ý tưởng về cách nam giới nên ứng xử và vị trí của họ trong quan hệ giới […]
Nam tính chủ đạo  (hegemonic masculinity) là một kiểu nam tính “được đánh giá cao nhất” và được lý tưởng hoá để biện minh cho sự thống trị của nam giới đối với phụ nữ nói chung và cho phép một số nam giới đứng trên những nam giới khác.”
Nói về nam giới mà không nói về sự gia trưởng là một thiếu sót. Bài nghiên cứu của ISDS nói rằng: “Những xã hội nơi con người được xếp hạng theo vị thế của họ được gọi là những xã hội phân chia đẳng cấp. Việc đặt ra nhiều giá trị và đi cùng theo đó là vị thế cho nam giới trẻ em trai cao hơn phụ nữ và trẻ em gái là kết quả của sự phân biệt đẳng cấp dựa theo giới. Sự phân biệt đẳng cấp theo giới này được gọi là gia trưởng.”
Mối quan hệ giữa “nam tính chủ đạo” và “sự gia trưởng” được  trang Gender&LitUtopiaDystopia nói như sau: “Về mặt giới tính, quyền bá chủ được sử dụng để mô tả sự thống trị của chế độ phụ hệ/sự gia trưởng, là sự kiểm soát mà đàn ông có và đã có đối với phụ nữ và xã hội.” [2]

2. 5 phát hiện quan trong về Cuộc nghiên cứu về Nam giới của ISDS

Theo bài nghiên cứu “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập”, “nhân dạng nam giới được xã hội định hình thông qua một quá trình tương tác văn hóa phức tạp, trong đó nam giới học hỏi các kịch bản giới phù hợp với nền văn hóa của mìnhhọ điều chỉnh những kịch bản đó để khiến chúng được chấp nhận. Do vậy, trải nghiệm nam tính là không đồng nhất và không phổ quát cho mọi nam giới trong xã hội.”
Có 5 phát hiện quan trọng trong cuộc nghiên cứu này mà tôi sẽ phân tích kỹ hơn trong bài viết:

2.1 Phát hiện 1: Hình mẫu “người đàn ông đích thực” củng cố những chuẩn mực nam tính truyền thống, là những chuẩn mực đã duy trì ưu thế của nam giới so với phụ nữ.

Nguồn: ISDS
Phần lớn những người trả lời, bất kể độ tuổi, hoàn cảnh xuất thân và địa bàn sinh sống, đều nhấn mạnh giá trị trọng tâm của một người đàn ông đích thực, đó là vai trò về “bổn phận gia đình”, cụ thể là hai tiêu chí quan trọng nhất: Là trụ cột gia đình và kiếm đủ tiền nuôi được vợ con.
“Một người đàn ông làm gì, Walter? Là đàn ông thì phải chăm lo cho gia đình của mình… và anh ta làm điều đó ngay cả khi không được đánh giá cao, không được tôn trọng hay thậm chí không được yêu thương. Anh ta chỉ đơn giản là chịu đựng và làm những gì cần làm. Bởi vì như vậy mới là một người đàn ông.” – Gustavo Fring. Nguồn ảnh: @Breakbadquotes -X
Đây là lý do vì sao rất nhiều nam giới bị ám ảnh bởi đồng tiền, vì có tiền mới lo được cho gia đình. Điều đó dẫn đến một cuộc tranh luận là chọn tình yêu hay chọn sự nghiệp. Đa phần, nam giới còn trẻ sẽ chọn sự nghiệp. Bởi có sự nghiệp mới có tiền, rồi những điều tốt đẹp khác sẽ đến, đó là họ nghĩ vậy.
Nguồn hình:.sinhvientphcm.com
Tuy nhiên, “phân tích định lượng của nghiên cứu này cho thấy có những biến thể trong quan niệm về hình mẫu người đàn ông đích thực của các nhóm nam giới. Nam giới trẻ, nam giới sống ở khu vực đô thị, nam giới có học vấn cao và nam giới tham gia nhiều vào toàn cầu hóa dường như có ít quan niệm và những thực hành liên quan tới những chuẩn mực nam tính truyền thống, cứng nhắc. Điều này làm tôi nhớ đến người chồng của chị Chi Nguyễn – The Present Writer – anh Joe Vũ. Trong khi thế giới nói rằng: “Phía sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”, anh Joe chấp nhận “lùi về hậu phương” để chị Chi có thể tập trung cho sự nghiệp. Trong một đoạn trích trong bài viết Chồng tôi dạy tôi điều gì về bình đẳng giới, chị Chi đã viết rằng: “Chồng tôi từng làm chủ nhà hàng, sau đó vì muốn lập gia đình với tôi nên bỏ doanh nghiệp đến thành phố mới để làm thuê. Khi tôi đã có con nhỏ nhưng muốn đi làm, chồng tôi lại tình nguyện ở nhà để làm bố toàn thời gian […] Mỗi lần tôi nói: “Cảm ơn anh nhiều!” vì đã làm việc nhà, chồng tôi đều trả lời: “Em không phải nói cảm ơn. Đây là việc của anh!”” [3] Đọc hết bài viết, người theo dõi chị cũng thấy được một tư tưởng rất mới, rất hiện đại của anh Joe – một Việt kiều Mỹ.
Nguồn hình: Website The Present Writer

2.2 Phát hiện 2: Các chuẩn mực nam tính truyền thống tác động tiêu cực đến nam giới.

Trong phát hiện này, ISDS phân tích rằng: “Nhiều chuẩn mực nam tính có thể dẫn tới những trông đợi quá lớn cũng như những khắc chế đối với bản thân người đàn ông và người khác. Phân tích sâu hơn những phát hiện của cuộc nghiên cứu cho thấy một người đàn ông càng có nhiều chuẩn nam tính truyền thống thì người đó càng có nhiều hành vi kiểm soát/bạo lực đối với vợ/bạn tình của mình.” Do vậy, có việc làm được trả lương cao đã trở thành một biểu tượng quan trọng về nam tính.
Thật vậy, tài chính và sự nghiệp được phát hiện là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả nông thôn và đô thị. Gần một phần tư nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính, và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp. Áp lực đối với nam giới có xu hướng giảm dần theo độ tuổi nhưng lại gia tăng theo trình độ học vấn và với thời gian làm việc.
Hình ảnh được tạo ra bởi Freepik.
Những áp lực này có thể gây tác động bất lợi lên sức khỏe tâm thần của nam giới, đặc biệt là nhóm nam giới trẻ và nam giới sống ở khu vực đô thị, họ là những nhóm có tỷ lệ trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực cao hơn trong 12 tháng trước thời điểm khảo sát.”
Trong cuốn sách ‘Ý nghĩa của sự điên loạn” bác sĩ Neel Burton có nói rằng “Nữ giới có tỷ lệ bị trầm cảm gấp đôi đàn ông [4]”. Tuy nhiên, so với phụ nữ, nam giới có khả năng tự tử cao hơn gấp ba lần ở Úc, cao hơn 3,5 lần ở Mỹ và cao hơn bốn lần ở Nga và Argentina [5]. Bởi một đặc điểm quan trọng của nam giới chính là xã hội điều kiện hóa họ rằng nam giới thì không được “đàn bà”, không nhiều chuyện, không than vãn, không “yếu đuối”, điều này dẫn đến việc nam giới nuốt hết nỗi đau vào trong lòng và cảm thấy khó khăn khi bộc lộ cảm xúc của mình ra ngoài. Bác sĩ Burton cũng nói rằng: “Đàn ông thường đối mặt với khó khăn bằng tính khắc kỷ, cơn nóng giận hay lạm dụng rượu và chất kích thích. [6]
Những áp lực này họ không những đặt lên bản thân mà còn đặt lên cả nữ giới, như phát hiện tiếp theo.

2.3 Phát hiện 3: Nam giới còn giữ nhiều chuẩn mực mang tính định kiến giới, cản trở quyền năng của phụ nữ và biện minh cho sự phân biệt trên cơ sở giới.

Những chuẩn mực giới thiên lệch vẫn còn rất phổ biến trong suy nghĩ của nam giới về nam giới và phụ nữ. Hình dưới đây chính là những chuẩn mực giới phổ biến trong quan niệm của nam giới.

img_1

img_2

Chúng ta có thể thấy rằng những chuẩn mực giới này ảnh hưởng mật thiết đến vai trò giới. Nữ giới chủ yếu nắm những vai trò sản xuất và tái sản xuất, không được xem trọng bằng vai trò sản xuất và cộng đồng như nam giới. Thậm chí hai suy nghĩ “Nam giới làm lãnh đạo tốt hơn nữ giới” và “Nam giới làm chính trị phù hợp hơn hơn nữ giới” có thể thấy được là vấn đề toàn cầu sau thất bại của Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống mỹ năm 2016, kẻ tám lạng, người nửa cân so với Donald Trump.
Bài báo cáo của ISDS cũng chỉ ra rằng, nam giới “nói về phụ nữ đầu tiên là nữ công gia chánh tốt, đảm đang thu vén gia đình, rồi thương yêu chồng con, rồi mới đến công việc xã hội”. Về điều này, một người nam 43 tuổi ở Hà Nội chia sẻ quan điểm: “Một người vợ tốt trước hết phải là một người nội trợ giỏi, tiếp theo là phải yêu thương chồng con, sau đó mới là có một công việc tốt.” Tức là vai trò tái sản xuất – vai trò không được xã hội công nhận nhiều bằng việc đi làm – được xem là chuyện đương nhiên phải làm đối với nữ giới. Chừa lại vai trò sản xuất, điều này không những làm nghiêm trọng hơn tình hình bất bình đẳng giới mà còn đặt thêm áp lực phải kiếm thật nhiều tiền lên đôi vai của cánh đàn ông.

2.4 Phát hiện 4: Nam thanh niên thuộc thế hệ thiên niên kỷ ở đô thị là những tác nhân của “lệch chuẩn tích cực”.

Một điều đáng mừng mà bài nghiên cứu đã chỉ ra chính là “nhóm nam giới trẻ tuổi, nam giới sống ở đô thị, những người có học vấn cao và những người tiếp cận nhiều hơn tới toàn cầu hóa có xu hướng ít chịu ảnh hưởng của những khuôn mẫu truyền thống, khuôn mẫu nam tính cứng nhắc và những chuẩn mực mang tính định kiến đối với phụ nữ. Thái độ của nhóm nam thanh niên thế hệ thiên niên kỷ ở đô thị về nam tính, về hôn nhân, gia đình, về phụ nữ và bình đẳng giới đang chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. […] Đây là những dấu hiệu của lệch chuẩn tích cực so với phân công lao động giới truyền thống.”
2.4.1 Phân công lao động trong hộ gia đình
Trong cuộc sống gia đình của nam giới hiện nay, công việc nội trợ hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa chủ yếu là do phụ nữ đảm nhiệm (tỷ lệ lần lượt là 61,5%, 62,3% và 57,6%). Ngược lại, người chồng chịu trách nhiệm chính về đối ngoại như đại diện gia đình giao tiếp với chính quyền và cộng đồng (69,5%) và tham gia hoạt động của dòng họ (65%).
2.4.2 Ra quyết định trong gia đình
“Nhìn chung, người chồng là người có tiếng nói quyết định trong các chi tiêu và đầu tư lớn của gia đình, trong khi đó, người vợ là người quyết định các chi tiêu hàng ngày.
Tuy nhiên, những người trẻ ở độ tuổi 18-29 có xu hướng quyết định cùng với vợ nhiều hơn so với nam giới ở các nhóm tuổi cao hơn. Tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng đưa ra quyết định ở đô thị cũng cao hơn ở nông thôn. Ví dụ, để chi tiêu và đầu tư lớn, ở đô thị có 53,7% nam giới độ tuổi 18-29 quyết định cùng vợ, trong khi tỷ lệ này ở thanh niên nông thôn là 37%. Tương tự, đối với các chi tiêu hàng ngày của gia đình, ở đô thị có 34,3% nam giới trong độ tuổi 18-29 quyết định cùng vợ của họ, trong khi ở nông thôn tỷ lệ này ở nhóm nam tương ứng là 22,8%.”
2.4.3 Sở hữu tài sản 
“Tỷ lệ nam giới sở hữu những tài sản có giá trị của gia đình cao hơn nhiều lần tỷ lệ này ở phụ nữ.” Mà chữ “tiền” đi liền với chữ “quyền”. “Cụ thể, tỷ lệ người chồng là chủ sở hữu duy nhất của bất động sản cao hơn gần 7 lần tỷ lệ này ở người vợ (28,2% so với 4,5%). Tương tự, tỷ lệ chỉ có người chồng sở hữu những tài sản lớn như ô tô, phương tiện sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất có giá trị cao hơn nhiều lần tỷ lệ người vợ là chủ sở hữu duy nhất […]Tương tự, kết quả nghiên cứu định tính cho thấy mặc dù tình trạng chỉ có nam giới là người sở hữu những tài sản có giá trị trong gia đình là vẫn phổ biến, nhưng những nam giới trẻ tuổi hơn lại có xu hướng sẵn sàng chia sẻ quyền sở hữu tài sản với người vợ của mình.
2.4.4 Bạo lực gia đình – Decao sự gia trưởng
“Nhìn chung, nam giới có hành vi bạo lực thể xác hoặc xúc phạm bằng lời nói đối với người vợ/bạn tình nhiều lần hơn so với phụ nữ bạo hành chồng/bạn tình của mình. Đặc biệt, tỷ lệ người chồng đã có hành vi bạo lực về thể xác đối với vợ là 8,1%, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ người vợ có hành vi bạo hành chồng là 3,9%.” Điều này phát sinh từ hình mẫu về sinh lực “Sẵn sàng sử dụng sức mạnh khi cần bảo vệ danh tính của mình”. Tức là đàn ông phải có tiếng nói, không nói được thì dùng vũ lực để chứng tỏ quan điểm.
Tư tưởng gia trưởng đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đàn ông Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia đình. Theo đó, một người đàn ông tự cho mình là chủ gia đình có quyền được giáo dục, đưa vợ con vào khuôn phép.
Điều này dẫn đến việc Decao, một nhân vật nổi tai tiếng gần đây về việc “tăng tương tác” với vợ là Lâm Minh, dẫu chỉ là từ một chuyện rất nhỏ là việc sắp xếp thức ăn trên bàn ăn. Mẹ Decao là người tác động vật lý trước và Lâm Minh không chịu đứng yên để bị đánh. Về chuyện này, Decao vẫn xem nó như một cuộc khủng hoảng truyền thông, chỉ xử lý với cánh báo chí chứ không xử lý cốt lõi vấn đề là tính gia trưởng của mình, cũng không có một hành động nào cụ thể để bù đắp và xin lỗi Lâm Minh. Anh chia sẻ với cánh nhà báo, dùng từ ngữ “nói giảm nói tránh” hành động của mình: “Mẹ tôi đã tương tác với vợ tôi và lập tức vợ tôi đã tương tác lại, sau đó tôi cũng mất bình tĩnh và tăng tương tác.”
Sự việc này đã dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh và xã hội đã ý thức hơn về sự gia trưởng, không còn im lặng trước bạo lực gia đình. Mong rằng Decao sẽ quản trị cơn giận dữ của mình tốt hơn, không chuyển hóa thành “tương tác” nữa.
Hình ảnh với caption: “Mùng 1 đã nói lắm! Ăn đấm không?” của Châu Bùi bị đào lại, khiến netizen ngỡ ngàng: Hóa ra Decao không diễn. Nguồn hình: IG Châu Bùi.
Dẫu vậy, một tín hiệu tốt chính là khi nhóm nam giới “lệch chuẩn tích cực” đang tìm kiếm những cách tự do hơn để thể hiện nam tính mà không bị ràng buộc vào các chuẩn mực cứng nhắc.

2.5 Phát hiện 5: Đại dịch COVID-19 có tác động đa dạng đến nam tính và bình đẳng giới.

Dẫu đã 4 năm trôi qua từ đại dịch COVID-19, sẽ là một thiếu sót nếu không nói đến tác động to lớn của nó tới cả nam giới và phụ nữ nói riêng cũng như tới bình đẳng giới nói chung. Tuy vậy, tôi sẽ chỉ tóm tắt chúng như sau: Kiểm soát hành vi, lạm dụng tài chính, cũng như bạo lực gia đình về tâm lý, thể chất và tình dục, đã xảy ra thường xuyên hơn, ít nhất 70% so với thời kỳ trước khi bùng phát dịch. Sự xuất hiện của bạo lực gia đình chủ yếu do các tác động tiêu cực gián tiếp đến tình trạng kinh tế của hộ gia đình và các biện pháp ngăn chặn dịch.

3. Dấu hiệu của khủng hoảng tính nam:

Dẫu rằng khác biệt về khuôn mẫu: nữ bị ép vào một khuôn “phải sinh đẻ” trong khi khuôn mẫu “gia trưởng” của nam đã lỗi thời, không có nhiều khác biệt về dấu hiệu khủng hoảng hiện sinh giữa nam và nữ. Theo trang lukincenter.com, những dấu hiệu ấy chủ yếu như sau:
– Đặt câu hỏi về sự hiểu biết cơ bản của bạn về bản thân mình
– Cảm thấy lo âu, bồn chồn hoặc không hài lòng với cuộc sống
– Thay đổi giá trị bản thân để phù hợp với bất kỳ môi trường, tình huống, hoặc mối quan hệ nào.
– Khó khăn trong việc trả lời các câu hỏi về bản thân.
– Không thể tin tưởng rằng chính mình có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. [7]
Theo Nathaniel Oke, nhà trị liệu tâm lý lâm sàng, Nam giới cảm thấy ít quyền lực và hy vọng hơn trước đây […] Khủng hoảng xảy ra khi nam giới đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Họ sợ không hoàn thành được những mong đợi của bản thân. Họ bị ảnh hưởng bởi những định kiến của những người xung quanh. Đặc biệt là quan niệm của xã hội về nam tính và ý nghĩa của việc trở thành một người đàn ông” [8], chính là những hình mẫu “người đàn ông đích thực” đã được nhắc đến ở phần 2.1 của bài viết này.
Vậy, giải pháp là gì?

4. Cách giải quyết khủng hoảng tính nam:

Cốt lõi của việc giải quyết vẫn là dành thời gian để trải nghiệm, hiểu bản thân và tìm ra giá trị của mình. 
– Thừa nhận và chấp nhận những cảm xúc của mình.
– Khám phá những niềm tin và sở thích của bản thân.
– Học về các danh tính khác nhau, tương tác với nhiều người khác nhau.
– Xem xét lại những mục tiêu của bạn.
– Xem xét cách các chuẩn mực văn hóa và gia đình ảnh hưởng đến bản thân như thế nào.
– Tìm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, người yêu và những chuyên gia tâm lý khi cần thiết.
Sandy, một người đàn ông Anh Quốc đã chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ là tất cả đàn ông đều đang cố gắng tìm và tạo ra điều gì đó cho riêng mình. Nhưng tôi không chắc rằng đó là điều chúng ta muốn làm hay chỉ là điều phải làm để được bạn bè và gia đình chấp nhận”.
Các thanh niên thường đặt ra những thành tựu nhất định cho các mốc tuổi 18, 21, 30 và mặc định phải hoàn thành nó. Do đó, nhà trị liệu tâm lý lâm sàng Hilda Burke khuyên rằng họ nên lưu ý ở những cột mốc trên. “Khi chúng ta cảm thấy mình phải làm những việc cụ thể hoặc đạt được những mục tiêu nhất định ở độ tuổi đó là lúc lo lắng có thể xuất hiện”, Burke nói.” [9]

5. Kết luận

Để được nam tính theo cách bản thân và xã hội muốn, có khi lại là một cuộc đấu tranh cả đời. Nhưng, so với tư tưởng làm sao để né khủng hoảng hiện sinh, tôi nghĩ rằng chúng ta, dẫu không cần “tận hưởng” nó như những nhà sáng tạo nội dung hiện thực không được nên đành lãng mạn hóa nỗi đau. Thay vào đó, ta nên thẳng thắn đối diện với nó. Bạn nên mường tượng ra bản thân mình muốn trở thành một người đàn ông như thế nào, chọn lọc những ý kiến đến từ xã hội xem có nên quan tâm nó hay tách biệt chúng ra. Xác định vấn đề đúng đắn sẽ dẫn đến giải pháp đúng đắn, bằng không, nói như mèo Cheshire: “Một khi mà bạn đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!”
PHỤ LỤC THAM KHẢO
[1]  ISDS_Men Report_Summary_VN.pdf. “ISDS_Men Report_Summary_VN.pdf.” Google Docs, 2019, drive.google.com/file/d/1nArVuT6pagVlvHXdHMKM2EUOfQctoUuJ/view. Accessed 1 June 2024.
‌[2] Contributors. “Definition of Hegemony.” Gender&LitUtopiaDystopia Wiki, Fandom, Inc., 2024, genderlitutopiadystopia.fandom.com/wiki/Definition_of_Hegemony#:~:text=In%20terms%20of%20gender%2C%20hegemony,had%20over%20women%20and%20society. Accessed 10 May 2024.
[3] Nguyễn, Chi. “Chồng Tôi Dạy Tôi Điều Gì về Bình Đẳng Giới? – the Present Writer.” The Present Writer, 20 Oct. 2020, thepresentwriter.com/chong-toi-binh-dang-gioi/. Accessed 1 June 2024.
[4] Burton, Neel. The Meaning of Madness. Oxford, Acheron Press, 2015.
[5] ‌Schumacher, Helene. “Why More Men than Women Die by Suicide.” Bbc.com, BBC, 18 Mar. 2019, www.bbc.com/future/article/20190313-why-more-men-kill-themselves-than-women. Accessed 18 May 2024.
[6] Burton, Neel. The Meaning of Madness. Oxford, Acheron Press, 2015.
[7] Konstantin, Dr. “Lukin Center.” Lukin Center for Psychotherapy, 23 June 2022, www.lukincenter.com/5-signs-youre-having-an-identity-crisis/. Accessed 1 June 2024.
[8] News, VietNamNet. “Nam Giới Chịu Khủng Hoảng Tinh Thần Trầm Trọng.” VietNamNet News, Vietnamnet.vn, 2021, vietnamnet.vn/nam-gioi-chiu-khung-hoang-tinh-than-tram-trong-702624.html. Accessed 1 June 2024.
[9] News, VietNamNet. “Nam Giới Chịu Khủng Hoảng Tinh Thần Trầm Trọng.” VietNamNet News, Vietnamnet.vn, 2021, vietnamnet.vn/nam-gioi-chiu-khung-hoang-tinh-than-tram-trong-702624.html. Accessed 1 June 2024.


Chuyên mục:
Quan Điểm

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Narcy Nguyen