Bạn có thể đọc bài “Khủng hoảng danh tính ở nam giới” ở đây.
Nguồn ảnh: Cienpies Design/Shutterstock
Natalie Portman từng tiết lộ cô bị “tình dục hoá” khi tham gia bộ phim Léon: The Professional. Lúc này Portman chỉ mới 12 tuổi. Nữ diễn viên khẳng định trải nghiệm tồi tệ này luôn khiến cô sợ hãi với bản năng của mình. [1]
Natalie Portman trong bộ phim debut năm 13 tuổi và năm 42 tuổi.
Về khía cạnh gia đình, Life coach Cát Thảo Nguyễn chia sẻ trong podcast Have A Sip số 168 rằng chị khó có con, đứa bé chị mang thai được bác sĩ ở Úc chẩn đoán là nếu sinh ra, sẽ không sống được quá 12 tháng. Chị tự hỏi về giá trị của bản thân mình khi không được là một người mẹ. [2]
Nguồn: Have A Sip số 168, Vietcetera
Nữ rapper tlinh cảm thấy khó khăn với sự nữ tính, không đi giày cao gót được và khi làm tình cảm thấy bị cứng nhắc [3]. Trong scandal đầu năm 2024 khi đăng ảnh với hình dạng bộ phận sinh dục của nam giới lên Instagram, tlinh cảm thấy khó khăn khi phải trung hòa giữa việc làm nữ cường của công chúng, với việc sống đúng với tính dục của mình với những ham muốn bình thường của phụ nữ tuổi 20.
(Nguyên văn story của tlinh đăng ngày 18/1/2024: “Người nổi tiếng phải chấp nhận này kia, giữ hình tượng không ảnh hưởng xấu đến giới trẻ ư. Phải nói đúng hơn là bảo vệ những đứa trẻ khỏi sự độc hại của các bạn. Nhạc của tôi đại diện cho tôi khi trải qua những khó khăn, suy tư riêng. Đùng một phát tôi trở thành nhà hoạt động nữ quyền nên tôi phải có trách nhiệm với toàn bộ chị em. Nếu làm gì phản cảm là thôi không yêu phụ nữ nữa à. Tôi là kẻ xấu nên không yêu phụ nữ đâu nha. Tính người ta vui vẻ, thích trêu đùa lại cứ bảo người ta phản cảm, tranh cãi. Tôi đã bảo tôi như thế rồi, yêu hay không tùy tâm. Có ai ép các bạn thích đâu mà nói khiếp. Rồi các bạn là nhất.”)
Nguồn ảnh: story của tlinh
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở Việt Nam ngại kết hôn và sinh con vì sợ trách nhiệm, muốn tập trung cho sự nghiệp hơn [4]
Điểm chung của bốn câu chuyện này là gì?
Bạn đoán đúng rồi đấy, chính là khủng hoảng tính nữ, bởi là con gái khó lắm, phải đâu chuyện đùa.
I. Khủng hoảng tính nữ và các định nghĩa nền tảng
1. Danh tính và khủng hoảng danh tính
Giống như sự khác biệt giữa nỗi buồn và sự trầm cảm, sẽ là bình thường nếu một người phụ nữ băn khoăn về vai trò của mình. Tuy nhiên, nếu người ấy trải qua một thay đổi lớn hoặc thời gian căng thẳng, người này sẽ đặt những câu hỏi nội tâm về ý thức, về bản thân của mình, và những suy nghĩ này bắt đầu gây ra sự cản trở trong cuộc sống hàng ngày. Những câu hỏi nảy ra trong đầu, như là: “Tôi là ai? Tôi sinh ra trên trái đất này để làm gì? Tương lai liệu tôi có ổn định nổi với hai con chồng, ba lầu, bốn bánh?” Các neuron thần kinh trong não xẹt qua xẹt lại, làm họ cảm thấy lạc lõng trên Trái Đất, tự hỏi mình là ai giữa cuộc đời này. Những suy nghĩ này gây ảnh hưởng đến những sinh hoạt thường ngày, làm họ trở thành zombie đại học và kẻ lừ đừ nơi công sở, đấy chính là một cuộc khủng hoảng danh tính.
Vậy, danh tính là gì?
Danh tính, hoặc căn tính, bản sắc, khái niệm này bắt nguồn từ công trình của nhà tâm lý phát triển Erik Erikson, người tin rằng việc hình thành danh tính là một trong những mâu thuẫn quan trọng nhất mà con người phải đối mặt.
Erik H. Erikson (1902 – 1994), một nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức, chính là người đã đặt những viên gạch nền tảng lên một trong những học thuyết nổi tiếng và có tầm ảnh hướng nhất về sự phát triển của con người. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi nhà phân tâm học Sigmund Freud, nhưng học thuyết của Erikson tập trung nhiều vào sự phát triển tâm lý xã hội thay vì sự phát triển tâm lý tính dục. Chính ông là người đã gọi tên được cụm từ “Khủng hoảng danh tính” (identity crisis).
Nguồn ảnh: mevasoc.com
Rất khó để định nghĩa một danh tính. Chính Erikson cũng nói rằng sẽ không định nghĩa điều này trong cuốn sách “Identity: Youth and Crisis” (tạm dịch: Danh tính, Tuổi trẻ và Khủng hoảng). Theo psychologytoday, danh tính chính là mối quan hệ, là vai trò mà con người nuôi dưỡng, như danh tính của họ khi còn là một đứa trẻ, bạn bè, đối tác và phụ huynh. Điều này bao gồm các đặc điểm bên ngoài mà một người ít hoặc không kiểm soát được, như chiều cao, chủng tộc hoặc tầng lớp kinh tế xã hội. Bản thân danh tính cũng bao gồm quan điểm chính trị, thái độ đạo đức và niềm tin tôn giáo, tất cả đều hướng dẫn những lựa chọn mà một người thực hiện hàng ngày. [5]
Khủng hoảng danh tính, hoặc khủng hoảng hiện sinh, là khoảng thời gian chúng ta vật vã về giá trị của bản thân mình. Tuy nhiên, Erikson lại có một góc nhìn khá tích cực, cho rằng đó là một thời gian phân tích và khám phá mạnh mẽ về các cách nhìn khác nhau về bản thân. Erikson lưu ý rằng việc phát triển một ý thức về bản thân là quan trọng trong những năm tuổi thiếu niên, tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển danh tính không bị giới hạn trong tuổi vị thành niên. Thay vào đó, danh tính dịch chuyển và thay đổi qua cuộc sống khi con người đối mặt với những thách thức mới và trải qua những trải nghiệm khác nhau. Do đó, một cuộc khủng hoảng danh tính có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào [6]. Như chúng ta thấy là Natalie Portman bị khủng hoảng ngay từ tuổi 12 khi cảm thấy không an toàn ở Hollywood; rapper tlinh thoát khỏi sự khủng hoảng sau khi hẹn hò với người bạn thân Wxrdie; phụ nữ Việt 25 – 30 tuổi gặp khủng hoảng khi tử cung và xã hội kêu gào muốn được sinh con nhưng túi tiền không cho phép; và cuối cùng, coach Cát Thảo, gặp khủng hoảng khi không đáp ứng được vai trò làm một người mẹ ở tuổi trung niên, rơi nước mắt xúc động khi được những người mình coach gọi là “mẹ”, ở khía cạnh tinh thần thay vì là máu mủ.
Erikson viết, hầu hết các triệu chứng mà bệnh nhân của ông và đội nhóm của mình gặp phải, như họ kết luận vào thời điểm đó, không phải là PTSD, cũng không giả vờ bị bệnh, nhưng thông qua những khó khăn của chiến tranh, đã khiến họ mất đi sự giống nhau giữa các danh tính và sự liền mạch theo thời gian của chúng. Họ không còn kiểm soát được bản thân như trước, điều này, theo tâm lý học, tức là họ đã mất đi cái “tôi” của chính mình. Erikson và đội nhóm của ông nhận ra rằng các vấn đề này giống như một cuộc chiến nội tâm đang diễn ra trong tâm hồn của họ, không phải do sốc phản ứng mà là do một cuộc đối đầu nghiêm trọng với bản thân và xã hội. [7]
Những lý do sâu xa về khủng hoảng danh tính ở nữ giới, hay còn gọi là khủng hoảng tính nữ, nằm ở những định nghĩa mà tôi giới thiệu sau đây.
2. Vai trò giới:
Trung tâm Con người và Thiên nhiên [8] đã viết rằng: Trong cuộc sống, nam và nữ đều tham gia vào các hoạt động đời sống xã hội, tuy nhiên mức độ tham gia của hai giới tính trong các loại công việc là khác nhau, do những quan niệm và chuẩn mực xã hội quy định. Những công việc mà họ đảm nhận được gọi là vai trò giới.
Nguồn ảnh: https://vnyouthally.org/
Vai trò giới là tập hợp các hành vi ứng xử mà xã hội mong đợi ở nam và nữ liên quan đến những đặc điểm giới tính và năng lực mà xã hội xem là thuộc về nam giới hoặc thuộc về nữ giới (trẻ em trai hoặc trẻ em gái) trong một xã hội hoặc một nền văn hóa cụ thể. Vai trò giới được quyết định bởi các yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội.
Phụ nữ và nam giới thường có 3 vai trò giới như sau: Vai trò sản xuất, vai trò tái sản xuất và vai trò cộng đồng
Vai trò sản xuất: Chính là việc đi làm. Cả phụ nữ và nam giới đều có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất, tuy nhiên do những định kiến trong xã hội nên mức độ tham gia của họ không như nhau và giá trị công việc họ làm cũng không được nhìn nhận như nhau. Xã hội coi trọng và đánh giá cao vai trò này, bởi vì nó tạo ra tiền.
Vai trò tái sản xuất: là các hoạt động sinh con đẻ cái, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, v.v giúp tái sản xuất dân số và sức lao động. Những hoạt động này là rất cần thiết, vì đồ ăn không tự nấu, chén bát không tự rửa, quần áo không tự sạch; chúng ta không thể đi làm mà ở trần che tờ giấy như John Cena, mà cả John Cena cũng cần ăn, ngủ, nghỉ chứ không phải robot Mỹ. Những hoạt động này giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của dân số và lực lượng lao động; tiêu tốn nhiều thời gian nhưng không ra tiền, vì vậy mà ít khi được coi là “công việc thực sự”. Chúng được làm miễn phí, không được các nhà kinh tế đưa vào các con tính. Hầu hết phụ nữ và trẻ em gái đóng vai trò và trách nhiệm chính trong các công việc tái sản xuất, tuy nhiên, xã hội thường không coi trọng và đánh giá cao vai trò này.
Vai trò cộng đồng: là các hoạt động chăm sóc người ngoài gia đình, ví dụ như thăm hỏi động viên gia đình bị nạn trong thảm họa, thiên tai; nấu ăn hoặc bố trí nhà tạm trú cho những gia đình bị mất nhà ở; v.v. Công việc cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển văn hoá tinh thần của cộng đồng. Có lúc nó đòi hỏi sự tham gia tình nguyện, tiêu tốn thời gian, trả công hay không là tùy bên tổ chức. Cả nam và nữ đều có khả năng tham gia vào cả ba loại vai trò trên. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, phụ nữ hầu như đều phải đảm nhiệm vai trò tái sản xuất đồng thời cũng phải tham gia tương đối nhiều vào các hoạt động sản xuất. Gánh nặng công việc gia đình của phụ nữ cản trở họ tham gia một cách tích cực và thường xuyên vào các hoạt động cộng đồng. Kết quả là, đàn ông có nhiều thời gian và cơ hội hơn để đảm nhận vai trò cộng đồng và rất ít khi tham gia vào các hoạt động tái sản xuất.
Nói tóm lại, đàn ông chiếm ưu thế trong vai trò sản xuất và vai trò cộng đồng, phụ nữ phần đông có vai trò sản xuất và vai trò tái sản xuất, ảnh hưởng của vai trò tái sản xuất có phạm vi ít hơn vai trò cộng đồng, thế nên phụ nữ được xem là “phái yếu”, có ít ảnh hưởng đến xã hội hơn đàn ông, đó là một phần của định kiến giới.
Nguồn ảnh: https://shedefined.com.au/
Theo việc phân chia ba vai trò này, chúng ta có thể thấy rằng Natalie Portman và coach Cát Thảo gặp vấn đề vì vai trò tái sản xuất. Nếu nữ diễn viên thiên nga đen bị vật hóa một cách tình dục vì Hollywood cho rằng phụ nữ và bé gái chỉ mang vai trò không được trả công ấy, thì chị Cát Thảo và trường hợp không đáp ứng hết vai trò tái sản xuất, tức là sinh con, đem lại cho chị một trong cơn khủng hoảng lớn nhất của người phụ nữ Á Đông: không làm mẹ được.
Việc tình dục hóa phụ nữ và áp đặt nửa thế giới là những chiếc tử cung biết đi chính là một định kiến giới khó bỏ.
Vậy định kiến giới là gì mà ảnh hưởng sâu rộng đến như vậy?
3. Định kiến giới:
Tại Điều 5 – Luật bình đẳng giới [9] quy định : định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.
Định kiến giới là suy nghĩ của mọi người về những gì mà phụ nữ và nam giới có khả năng làm và loại công việc mà họ có thể làm và nên làm; là tập hợp các đặc điểm mà một nhóm người, một cộng đồng cụ thể nào đó gán cho là thuộc tính của nam giới hay nữ giới.
Thực tế cho thấy sự phân công lao động trong một xã hội nhất định thường có xu hướng dựa vào đặc điểm giới tính. Theo đó, công việc họ đảm nhiệm có tác động tới vị thế , cơ hội và chất lượng sống của mỗi người. Đó là một phần của định kiến giới. Ví dụ, ngày xưa, những ngành STEM chỉ dành cho nam giới, tỷ lệ nam nữ chênh lệch khá nhiều, dẫu nữ giới không phải là không có khả năng trong ngành này. Nếu được tạo điều kiện, phụ nữ có thể phát triển tương tự với nam giới. Như Ada Lovelace được công nhận là lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới và được tôn vinh là người tiên phong cho phái nữ trong các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) [10]. Một ví dụ khác là nhà toán học người Ukraine Viazovska chính là người phụ nữ thứ 2 trong lịch sử giải thưởng Fields nhận được vinh dự “Nobel Toán học” này [11].
Nguồn ảnh: Shutterstock
Như mọi định kiến, định kiến giới tạo áp lực lên cả hai giới, nhất là nữ giới. Định kiến giới tạo nên tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, làm cho phụ nữ tự ti, an phận, thiếu mạnh dạn, thiếu tự tin trong cuộc sống gia đình và xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho phụ nữ phải chịu đựng khi bị bạo lực gia đình và là nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay ở Việt Nam (số liệu năm 2022 là 111,5 bé trai/100 bé gái.)
Định kiến giới cho rằng phụ nữ phải đảm đương công việc nội trợ, chăm sóc con cái là những việc chiếm nhiều thời gian nhưng không được trả công, tức là những hoạt động thuộc vai trò tái sản xuất, từ đó hạn chế phụ nữ học tập nâng cao trình độ và tham gia các hoạt động cộng đồng, tức là vai trò sản xuất và vai trò cộng đồng, khiến địa vị kinh tế và xã hội của phụ nữ thấp hơn nam giới.
Việc xóa bỏ định kiến giới sẽ giúp cho phụ nữ mạnh dạn, tự tin tham gia học tập nâng cao trình độ, tham gia công tác xã hội, chia sẻ vai trò trụ cột gia đình với nam giới. Bên cạnh đó, nó sẽ giúp cải thiện địa vị của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Càng không thể kể đến việc này sẽ giúp giảm mất danh bằng giới tính khi sinh. Cuối cùng, buông bỏ những định kiến sẽ giúp phát huy tiềm năng của tất cả các thành viên gia đình góp phần xây dựng gia đình phát triển toàn diện và xã hội văn minh.
II. Trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ thường là nạn nhân của cuộc khủng hoảng về bản thân, tại sao?
Xã hội nuôi dạy những bé gái rằng “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” như thể chồng con là câu trả lời cho mọi vấn đề trong cuộc sống của người phụ nữ, như thể rằng lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, có công ăn việc làm đúng sở trường và làm những gì mình thích là thứ yếu. Điều đó dẫn đến việc: những người phụ nữ chồng con đề huề, tài chính ổn định cảm thấy bơ vơ, mệt mỏi bất thường, buồn chán, không thể tập trung vào việc gì đó, hoặc chỉ đơn giản là khóc, chẳng vì lý do gì “quan trọng”.
Trong một trong những đoạn văn quan trọng nhất của cuốn sách “Danh tính, Tuổi trẻ và Khủng hoảng” [12], Erikson đề cập đến khái niệm “chấn thương vùng sinh dục”, tức là cảm giác mất mát mà phụ nữ, đặc biệt là ở thời thơ ấu, nhận ra sự khác biệt giới tính và cảm thấy thiếu sót về bản thân khi so sánh với nam giới, vì em không có nhiễm sắc thể Y. Sự nhận thức này có thể gây ra cảm giác thiếu tự tin, lo lắng và thậm chí là lòng căm thù về bản thân, vì em sinh ra trong thời kỳ trọng nam khinh nữ.
Một cách bí mật, những người phụ nữ ghen tị với đàn ông vì chế độ phụ hệ vốn ưu ái đàn ông hơn. Nguồn ảnh: https://www.cosmo.ph/
Tuy nhiên, qua thời gian và qua các giai đoạn phát triển tâm lý khác nhau, phụ nữ có thể trải qua một quá trình chuyển đổi từ sự tập trung vào sự mất mát của bộ phận sinh dục đáng ghen tị trong một xã hội ưu ái đàn ông, sang việc nhìn nhận và phát triển tiềm năng nội tại của mình. Thay vì chỉ nhìn vào những gì họ không có, họ có thể bắt đầu đánh giá cao những gì họ có (tử cung, buồng trứng và âm đạo) và nhận ra giá trị của sự nữ tính trong bản thân mình.
Quá trình này cũng có thể bao gồm sự thay đổi trong cách nhìn nhận về mối quan hệ, từ sự căm ghét hoặc căm phẫn đối với mẹ và các phụ nữ khác, đến sự đoàn kết và hiểu biết đa chiều hơn về trải nghiệm của phụ nữ. Thay vì nhìn nhận mẹ như là người gây ra sự thiếu sót hoặc mất mát, phụ nữ có thể thấy mẹ là người đồng điệu và hỗ trợ trong việc hiểu biết về vai trò nữ giới.
Một phần quan trọng khác của sự phát triển này là việc thay đổi cách tiếp cận hoạt động và vai trò trong xã hội. Thay vì chỉ thụ động và từ bỏ những hoạt động mà xã hội coi là “nam tính”, phụ nữ có thể trở nên tự tin hơn trong việc tham gia và theo đuổi những hoạt động mà phù hợp với bản chất và vai trò của họ. Điều này có thể là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng sự tự tin và sự hài lòng với bản thân.
Cuối cùng, Erikson nêu rõ rằng việc hiểu sự đau đớn không chỉ là một khía cạnh của trải nghiệm con người nói chung mà còn là một phần của vai trò và trải nghiệm nữ giới nói riêng. Thay vì chỉ xem sự đau đớn là một điều tiêu cực, phụ nữ có thể học cách nhìn nhận và hiểu rõ sự đau đớn như một phần của việc sống và trải nghiệm con người.
Nhưng để có được cái nhìn này, những người phụ nữ phải trải qua cuộc khủng hoảng tính nữ.
III. Dấu hiệu của khủng hoảng tính nữ:
Nguồn ảnh: https://kaurlife.org/
Theo trang verywellmind.com [13], trong các giai đoạn phát triển tâm lý – xã hội của Erikson, sự xuất hiện của một cuộc khủng hoảng danh tính xảy ra trong những năm tuổi thiếu niên khi mà con người đấu tranh với cảm giác về bản thân và có sự nhầm lẫn về những vai trò của mình.
Một người đang trải qua một cuộc khủng hoảng danh tính có thể bị chiếm tâm trí bởi những câu hỏi sau:
– Tôi đam mê điều gì?
– Tôi tin vào tín ngưỡng tâm linh nào?
– Giá trị của tôi là gì?
– Vai trò của tôi trong xã hội hoặc mục đích của cuộc sống là gì?
– Tôi là ai? (Câu hỏi này có thể liên quan đến nhiều khía cạnh như mối quan hệ, tuổi tác hoặc sự nghiệp)
Quan trọng, người bị khủng hoảng phải nhận thức rằng có cảm xúc tiêu cực về bản thân hoặc cuộc sống của mình có thể là dấu hiệu dẫn đến trầm cảm. Nếu bạn cũng trải qua các triệu chứng của trầm cảm như tâm trạng thấp, mất hứng thú, mệt mỏi và cáu kỉnh, bạn rất nên nói chuyện với một nhà cung cấp dịch vụ y tế.
Trong thế giới biến đổi nhanh chóng ngày nay, cuộc khủng hoảng danh tính có thể phổ biến hơn so với thời của Erikson. Những khủng hoảng như vậy thường xảy ra khi có một thay đổi đột ngột trong cuộc sống của một người. Điều này có thể bao gồm những thay đổi trong cuộc sống cá nhân hoặc sự kiện xã hội rộng lớn hơn, như đại dịch COVID-19.
Mọi người thường trải qua một cuộc khủng hoảng danh tính ở các điểm khác nhau trong cuộc đời, đặc biệt là ở những điểm có sự thay đổi lớn, bao gồm:
– Bắt đầu một mối quan hệ mới
– Kết thúc hôn nhân hoặc mối quan hệ đối tác
– Trải qua một sự kiện gây sốc
– Có một đứa con
– Tìm hiểu về một tình trạng sức khỏe
– Mất đi một người thân yêu
– Mất việc làm hoặc bắt đầu công việc mới
– Chuyển đến một nơi ở mới
Nghiên cứu cũng cho thấy có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc một người có trải qua những gì thường được gọi là cuộc khủng hoảng tuổi trung niên. Các yếu tố như vấn đề sức khỏe, căng thẳng và sự hỗ trợ xã hội đều có thể đóng vai trò quan trọng.
Việc có các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn nhịp cảm xúc và rối loạn nhân cách biên giới cũng có thể tăng khả năng trải qua cuộc khủng hoảng về bản thân.
IV. Cách giải quyết khủng hoảng tính nữ
Theo Erikson, khủng hoảng danh tính không phải là một căn bệnh, nó là một cơ hội để phát triển một ý nghĩa thực sự về bản thân và mục đích.
Có nhiều cách để có thể vượt qua khủng hoảng danh tính, một số cách có thể kể đến như là:
Chấp nhận cảm xúc của mình: Bước đầu tiên của việc giải quyết vấn đề chính là nhận ra bản thân có vấn đề. Trong giai đoạn nhạy cảm này, hãy đối xử tử tế với bản thân. Hãy nhắn nhủ rằng việc mình có vấn đề là ổn thôi, và đối xử với chính mình như cách bạn đối xử với người bạn thân của mình. Chính bản thân là kẻ thủ lớn nhất của một con người. Hãy nhớ rằng, nếu một người bạn chì chiết bạn như cách bạn đang chì chiết chính mình, có lẽ mối quan hệ đó sẽ chẳng kéo dài lâu.
Khám phá những niềm tin và sở thích của bản thân: Khi bạn đang đặt câu hỏi về bản thân, sẽ có ích nếu bạn nhìn vào bên trong và suy nghĩ về những điều bạn đam mê. Đây là lúc bạn tự do khám phá những điều bạn mong muốn, và buông bỏ những điều bạn không còn yêu thích. Việc đặt câu hỏi và khám phá những sở thích và sở thích mới có thể là cách hữu ích để hiểu rõ hơn về chính mình.
Học về các danh tính khác nhau, tương tác với nhiều người khác nhau: Việc tìm hiểu về cuộc sống và hỏi về kinh nghiệm của họ có thể sẽ giúp ích trong việc phát triển bản thân một cách ý nghĩa. Đọc sách mới, xem TV, tham dự các nghi lễ tôn giáo khác nhau và các chiến lược khác để khám phá bản thân có thể sẽ giúp ích. Tôi rất khuyến khích bạn nên đọc cuốn sách “30 tuổi, mọi thứ mới chỉ bắt đầu” của tác giả Lý Thượng Long và “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” của tác giả The Present Writer. Ngoài ra, việc tìm hiểu về Ikigai và chủ nghĩa Khắc Kỷ sẽ rất có ích trong giai đoạn này.
Xem xét lại những mục tiêu của bạn: Hãy dành thời gian suy nghĩ về mục tiêu của bạn trong cuộc sống. Bạn muốn đạt được điều gì? Sở thích nào làm bạn vui và hạnh phúc nhất? Một cuộc khủng hoảng danh tính có thể là dấu hiệu cho thấy một nhu cầu nào đó của bạn hiện đang không được đáp ứng, vì vậy, việc tìm cách thỏa mãn nhu cầu đó có thể mang lại cảm giác hài lòng hơn cho cuộc sống của bạn.
Xem xét cách các chuẩn mực văn hóa và gia đình ảnh hưởng đến bản thân như thế nào. Bạn cũng có thể cân nhắc xem mình muốn chấp nhận những vai trò gì và từ chối những khía cạnh nào.
Tìm sự hỗ trợ: Sẽ rất hữu ích nếu bạn có bạn bè và gia đình để dựa vào. Sự hỗ trợ xã hội mạnh mẽ là một phần quan trọng của sức khỏe tinh thần và cũng có thể là cách để nhận phản hồi và nguồn động viên bạn cần để cảm thấy thoải mái với danh tính của mình. Bạn bè, gia đình, câu lạc bộ xã hội, các nhóm tôn giáo, các nhóm thể thao đội nhóm và các nhóm hỗ trợ, nhà tâm lý học có thể là những nơi tốt để tìm sự hỗ trợ mà bạn cần.
V. Cách phụ nữ Việt 3 thế hệ vượt qua cuộc khủng hoảng tính nữ:
Gia đình tôi có bốn người thì có đến ba người là phụ nữ. Đây là câu chuyện kể lại quãng thời gian ba người phụ nữ ấy với những khủng hoảng căn tính của mình.
Ba thế hệ phụ nữ châu Á – Nguồn ảnh: maruco – Shutterstock
1. Tôi – thế hệ gen Z
Hình minh họa: AI
Sau quãng thời gian thất nghiệp dài hạn và suy nghĩ về nghề nghiệp của mình, tôi đã lấy lại được sức khỏe và tinh thần bằng cách viết trên Spiderum, tức là khám phá sở thích viết của mình. Tôi phát hiện ra trước giờ mình vẫn luôn chạy đua theo những kỳ vọng của xã hội, theo đuổi những xu hướng ngành nghề hot mà bỏ quên đi khả năng và năng lực của chính mình. Việc chấp nhận bản thân và khám phá những năng lực của mình, cùng với cộng đồng hỗ trợ trên Spiderum đã giúp tôi lấy lại được sự tự tin để vượt qua khủng hoảng trong cuộc sống.
Một điều quan trọng khác đã giúp tôi vượt qua khủng hoảng ¼ cuộc đời này chính là tình yêu. Là một ngón tay quẹt phải tích cực trên Tinder và Bumble, tôi đã tìm được một nguồn hỗ trợ tinh thần phù hợp. Anh ấy dặn tôi rằng mức lương dù ít vẫn là một sự cố gắng vượt bậc, anh ấy nhắc nhở những deadline của tôi, dặn tôi nên tự tin sống với những giá trị của mình, không tiếc lời khen ngợi tôi dẫu rằng đó chỉ là những chiến thắng nhỏ.
Bỏ phố về quê cũng là một cách để chữa lành tâm hồn rất tốt. Tôi được mọi người quan tâm, hỏi han, nấu đồ ăn ngon cho ăn, thậm chí được dúi tiền cho dù họ không giàu có gì. Ở quê, mọi người quan tâm nhau hơn, chứ không sống vội như thành phố, không phải nghe tiếng còi xe mỗi lần đèn đỏ chuyển sang xanh.
2. Chị tôi – thế hệ Millennials
Hình minh họa: AI
Người phụ nữ thứ hai trong gia đình tôi chính là chị tôi, chị tôi gặp khủng hoảng vào năm 2020, chính là năm chị tôi 30 tuổi. Chị đón sinh nhật tuổi tam tuần bằng Covid, và đã phải bỏ 40 triệu (thay vì 10 triệu như bình thường) để bay chuyến bay giải cứu từ Nhật về Việt Nam và cách ly ở khách sạn. Hồi ấy, tôi cứ nghĩ mãi vì sao chị tôi không cố gắng nhập tịch Nhật vì nếu là tôi, có lẽ tôi sẽ chọn con đường ấy. Nhưng rồi tôi nhận ra, để nhập quốc tịch Nhật, thì phải bỏ quốc tịch Việt Nam. Có lẽ mối quan hệ với Việt Nam của chị tôi đậm sâu hơn tôi, mối quan hệ với gia đình của chị tôi đậm sâu hơn tôi, nên chị tôi không sẵn sàng từ bỏ danh tính Việt. Ở Việt Nam có gia đình, bạn bè, những gì thân quen, trong thời đại tất cả đều rối loạn, giàu nghèo gần như không quá khác biệt như Covid thì mạng sống và gia đình vẫn là quan trọng nhất.
Covid cũng qua đi, trong một lần ghé phòng chị, tôi thấy cuốn sách “30 tuổi, mọi thứ chỉ mới bắt đầu” của tác giả Lý Thượng Long trên giường.
(Cuốn sách này cũng theo chân tôi về quê khi tôi đang khủng hoảng tuổi 25. Vừa đọc sách vừa ngẫm về đời, về việc tác giả cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” – Mark Manson – bắt đầu viết lúc 27 tuổi [14], Haruki Murakami bắt đầu nghiệp văn lúc 30 tuổi, tôi lại càng có thêm niềm tin rằng miễn là mình bước tiếp, thì không bao giờ là quá muộn.)
Bạn có thể nói chị tôi đã bỏ phí nhiều năm học tiếng Nhật khi không nhập tịch Nhật; tuy vậy, Nhật đã đầu tư rất nhiều vốn tại Việt Nam. Chị tôi đã tìm được một công ty có đãi ngộ tốt để gắn bó để đi làm trong dịp Covid, tức là vai trò sản xuất được đảm bảo. Còn về vai trò tái sản xuất, chị tôi thuận theo tự nhiên và duyên số, cũng giống như Ariana Grande trân trọng loài chó sau khi loài người ra đi trong MV “We can’t be friends (wait for your love)”, chị tôi tìm thấy niềm vui và sự an ủi từ động vật, cụ thể là một chú mèo. Có lẽ chị chấp nhận vai trò của mình là thành người lao động chính của một gia đình có hai người nghỉ hưu và có người bệnh tâm thần, còn vai trò tái sản xuất, chị không để những gì xã hội áp đặt làm mờ đi giá trị của mình.
Phụ nữ trước và sau khi yêu. Nguồn: MV We can’t be friends (wait for your love) – Ariana Grande
3. Mẹ tôi – thế hệ Boomer
Hình minh họa: AI
Người phụ nữ cuối cùng và quan trọng nhất của cả nhà chính là mẹ tôi. Sau khi nghỉ hưu, mẹ tôi gặp khó khăn trong việc thích ứng với cuộc sống. Ai cũng cần cảm giác mình có ích trong giai đoạn này. Sau một cuộc cãi nhau, chị tôi nói với mẹ rằng bà cần sống cho bản thân mình. Có lẽ đó là lần đầu tiên sau 6 mấy năm cuộc đời có người nói với bà như vậy.
Được một thời gian, bà bắt đầu tìm thấy niềm vui trong việc nấu ăn, sắp xếp mâm cỗ chay thật đẹp mỗi dịp gia đình có giỗ và đăng lên Facebook cũng như Zalo. Một niềm vui khác của bà chính là việc tham gia nhóm tập thể dục buổi sáng. Sáng nào 5 giờ bà cũng dậy tập dưỡng sinh, nhóm này của bà cũng thường xuyên hẹn nhau chụp hình mỗi dịp lễ, và cũng là nguồn hỗ trợ tinh thần rất tốt cho bà.
Tôi nghĩ có lẽ phần lớn nỗi buồn của bà đến từ việc bà không xem mình là người mẹ tốt khi đứa con gái lớn ngoài 30 rồi vẫn chưa chồng, đứa nhỏ thì bị tâm thần, lại thất nghiệp. Tuy nhiên, sau khi bà được khuyên nên sống cho chính mình sau mấy chục năm sống cho chồng con, tinh thần của bà đã khá hơn nhiều. Gia đình tôi cũng tìm được một loại hàng hóa để bán lai rai, không tốn quá nhiều sức, hạn sử dụng lâu để bà bán: mật ong.
VI. Kết luận
Qua ba ví dụ trên, ta có thể thấy được rằng: Cuộc khủng hoảng danh tính xảy ra như một hậu quả của “sự thay đổi bên trong hoặc sự mất liên kết xã hội” (Josselson, 1998, tr. 28). Do đó, nó có mối liên hệ chặt chẽ với xã hội bên ngoài, khi một người nào đó đặt ra câu hỏi và đấu tranh với bản thân trong suốt một cuộc khủng hoảng danh tính. Người phụ nữ sẽ xây dựng thành công danh tính của mình bằng cách ở một mình, cô lập khỏi các quy tắc xã hội bằng việc thách thức việc kết hôn, thứ thể chế đã được xã hội thiết lập vững chắc. Sự lý tưởng hóa hôn nhân này làm phụ nữ trở nên “bối rối về bản thân bên trong” vì “sự khác biệt giữa hình ảnh được quảng bá bởi tư tưởng thời đại với sự nữ tính trong hiện thực” (Martins, 2011, tr. 31). [15]
Câu trả lời của khủng hoảng hiện sinh chỉ có thể là cởi bỏ những áp đặt của xã hội sang một bên và sống vì chính mình. Như việc tôi bỏ những quy tắc về việc một phụ nữ 26 tuổi nên có một cuộc sống như thế nào, lựa chọn vai trò sản xuất phù hợp với mình; việc chị tôi, 34 tuổi, chấp nhận giá trị của bản thân bằng việc trở thành người lao động chính của gia đình, tức là vai trò sản xuất, và mẹ tôi, 61 tuổi, chấp nhận vai trò của mình là chăm sóc gia đình – vai trò tái sản xuất và bắt đầu sống vì bản thân, đó là cách 3 phụ nữ của 3 thế hệ khác nhau vượt qua được khủng hoảng hiện sinh.
Còn bạn thì sao? Những người phụ nữ xung quanh bạn đã gặp khủng hoảng danh tính và vượt qua nó như thế nào? Làm thế nào để chúng ta có thể chung tay tạo ra một tương lai mới tốt hơn cho những thế hệ phụ nữ để họ không còn khủng hoảng nữa?
PHỤ LỤC THAM KHẢO
[1] Theo, Linh. “Natalie Portman: “Trẻ Em Không Nên Làm Việc ở Hollywood.”” BAO DIEN TU VTV, vtv.vn, 28 Nov. 2023, vtv.vn/van-hoa-giai-tri/natalie-portman-tre-em-khong-nen-lam-viec-o-hollywood-20231127113222626.htm. Accessed 29 Mar. 2024.
[2] Vietcetera. “Chúng Ta Có Đang Sống Bởi Đánh Giá Từ Người Khác? – Cát Thảo Nguyễn, Life Coach | #HaveASip 168.” YouTube, 22 Mar. 2024, www.youtube.com/watch?v=ODlTSOkNgyo&list=PLWrhnsc6Cvcrp7HmEWu8q0p95pRyGmpHi. Accessed 29 Mar. 2024.
[3] Vietcetera. “Ai Giật Dây Những Con Rối Tlinh? – Rapper Tlinh | #HaveASip 120.” YouTube, 21 Apr. 2023, www.youtube.com/watch?v=taXHl_EhmeA. Accessed 29 Mar. 2024.
[4] Vân Sơn. “Đầu Tàu Kinh Tế TPHCM Có Nguy Cơ Giảm Tốc: Vì Phụ Nữ “Lười” Sinh Con.” Báo Điện Tử Tiền Phong, Báo điện tử Tiền Phong, 28 Dec. 2022, tienphong.vn/dau-tau-kinh-te-tphcm-co-nguy-co-giam-toc-vi-phu-nu-luoi-sinh-con-post1499191.tpo. Accessed 11 Apr. 2024.
[5] “Identity.” Psychology Today, 2024, www.psychologytoday.com/us/basics/identity. Accessed 10 Apr. 2024.
[6] Erikson, Erik H. Identity: Youth and Crisis. New York, W.W. Norton & Co, 1968.
[7] Erikson, Erik H. Identity: Youth and Crisis. New York, W.W. Norton & Co, 1968.
[8] GIỚI và GIỚI TÍNH TÀI LIỆU THAM KHẢO 2.2.
[9] thuvienphapluat.vn. “Luật Bình Đẳng Giới 2006.” THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, thuvienphapluat.vn, 28 June 2023, thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-Binh-dang-gioi-2006-73-2006-QH11-15866.aspx. Accessed 10 Apr. 2024.
[10] Huy, Tử. “Cuộc Gặp Thay Đổi Cuộc Đời Nữ Lập Trình Viên Đầu Tiên Trên Thế Giới.” VietNamNet News, Vietnamnet.vn, 2023, vietnamnet.vn/cuoc-gap-thay-doi-cuoc-doi-nu-lap-trinh-vien-dau-tien-tren-the-gioi-2119349.html. Accessed 10 Apr. 2024.
[11] News, VietNamNet. “Trò Chuyện Với Người Phụ Nữ Thứ Hai Giành Được Giải Thưởng Fields.” VietNamNet News, Vietnamnet.vn, 2022, vietnamnet.vn/tro-chuyen-voi-nguoi-phu-nu-thu-hai-gianh-duoc-giai-thuong-fields-2039352.html. Accessed 10 Apr. 2024.
[12] Erikson, Erik H. Identity: Youth and Crisis. New York, W.W. Norton & Co, 1968.
[13] https://www.facebook.com/verywell. “Could You Be Experiencing an Identity Crisis?” Verywell Mind, 2023, www.verywellmind.com/what-is-an-identity-crisis-2795948#toc-coping-with-an-identity-crisis. Accessed 10 Apr. 2024.
[14] Manson, Mark. “40 Life Lessons I Know at 40 (That I Wish I Knew at 20).” Mark Manson, Mark Manson, 9 Mar. 2024, markmanson.net/40-lessons-at-40. Accessed 10 Apr. 2024.
[15] Buran, Sümeyra. “An Identity of One’s Own: Feminist Ideology and Identity Crisis of an Academic Woman in a Postmodern…” ResearchGate, SOYLEM Filoloji Dergisi, 17 Oct. 2020, www.researchgate.net/publication/347412701_An_Identity_of_One’s_Own_Feminist_Ideology_and_Identity_Crisis_of_an_Academic_Woman_in_a_Postmodern_Feminist_Fiction. Accessed 10 Apr. 2024.
Mời bạn đọc thêm cho đủ một cặp: Khủng hoảng danh tính ở nam giới – Gia trưởng hay ra chưởng mới lo được cho em?