Nổi Tiếng Sao Mà Khổ Vậy Nè? (Phần 1)

Phần 1 nói về những kẻ ký sinh, cám dỗ, mất quyền riêng tư, vấn đề về niềm tin, bị cô lập và sự cô đơn.

Ảnh: https://eazyfoot.com/

Ảnh: https://eazyfoot.com/
Bản quyền bài viết gốc thuộc về Tiến sĩ Patrick Wanis.
Nguồn cảm hứng: Trong một lần research tài liệu về những tác hại của việc nổi tiếng thì mình đã đọc được series 20 vấn đề này của tiến sĩ Patrick Wanis. Mình thì còn lâu mới nổi tiếng nhưng mình thấy rất hay, giả bộ nghiên cứu để chờ thời.
Nay mình dịch để kiếm cớ than khổ tiếp, ý mình là, dịch để những người chờ thời cùng đọc, cùng manifest và cùng tự nhiên thấy mấy thằng giàu sao mà tội ghê haha.
Điều này đúng 100%. Phần lớn những người xung quanh các celeb là những kẻ ký sinh; họ xuất hiện và ở bên cạnh người nổi tiếng chỉ vì một lý do duy nhất – muốn trục lợi từ thứ gì đó mà người nổi tiếng có thể mang lại như tiền bạc, ân huệ, sự ưu ái, tầm quan trọng, và v.v…. (Mời bạn đọc thêm bài này để hiểu rõ: Whitney Houston – Sự nghiện ngập, những kẻ tiếp tay, kẻ ký sinh và Hội chứng Kẻ mạo danh).

Ảnh: https://people.com/

Ảnh: https://people.com/
Không may là những “ký sinh trùng” này cũng có thể trở thành những kẻ tiếp tay; để đạt được những gì họ muốn từ các celeb, đám tiếp tay này sẽ làm bất cứ điều gì để duy trì mối quan hệ và giữ được sự ưu ái từ các ngôi sao nổi tiếng.
Do đó, kẻ ký sinh hóa thành kẻ tiếp tay và thường mua, cung cấp hoặc làm môi giới để mang ma tóe đến cho bạn, và/hoặc bằng cách nào đó duy trì các hành vi tự hủy hoại bản thân của bạn. Thường thì bạn không nhận thức rõ ràng rằng những người bạn tin tưởng thực chất là diễn viên bộ phim “Ký sinh trùng” và kẻ tiếp tay, nhưng khi điều đó trở nên rõ ràng, cơn hoang tưởng sẽ xuất hiện, nó trở nên rõ ràng, và bạn bắt đầu thực sự tin rằng Ai cũng muốn lợi dụng tôi mà thôi.

Ảnh: VieOn

Ảnh: VieOn
“Bạn phải cẩn thận mỗi ngày vì cuốn sách quá hot, số tiền quá lớn và cái gọi là ‘yếu tố đặc biệt’ của tạo nên sự nổi tiếng của bạn. Họ không đến với tôi để làm bạn của tôi. Họ muốn những gì tôi có mà thôi.” – Michelle Knight, nạn nhân bị bắt cóc, bị giam cầm suốt 11 năm bởi Ariel Castro, chia sẻ về cái giá của sự nổi tiếng; đám đông vây quanh cô mỗi khi cô xuất hiện nơi công cộng, chụp ảnh lia lịa bằng điện thoại; những người từ quá khứ xa xôi của cô “tự nhiên” xuất hiện trở lại, giả đò muốn làm thân nhưng cuối cùng họ muốn tiền của cổ.

Ảnh: The Guardian

Ảnh: The Guardian

2. “Tôi có thể có tất cả” – Cám dỗ – Tiệc tùng, chất kích thích và tình dục

Việc nổi tiếng và bị bủa vây bởi những ký sinh trùng và kẻ tiếp tay còn “thầu” luôn cho bạn một vé mời liên tục tham dự các sự kiện, bữa tiệc và buổi gala hào nhoáng. Vài người tổ chức muốn bạn đến để tranh thủ kiếm lời hoặc quảng bá sản phẩm của họ; một số khác thì cần bạn có mặt để thu hút sự chú ý cho sự kiện hoặc mục đích của họ. Đôi khi, người ta kỳ vọng bạn tham dự chỉ vì đó là bữa tiệc trong giới hoặc một chương trình quảng bá. Áp lực phải đáp ứng những kỳ vọng và được chấp nhận tại những bữa tiệc này rất lớn. Chỉ riêng việc tham dự nhiều sự kiện và bữa tiệc như vậy cũng khiến bạn xa rời gia đình.

Bữa tiệc trắng của Diddy. Ảnh: Morocco World News

Bữa tiệc trắng của Diddy. Ảnh: Morocco World News
Tuy nhiên, áp lực lớn nhất bạn phải đối mặt là cám dỗ liên tục tồn tại dưới hình thức chất kích thích và rượu, cùng với việc các cô gái (hoặc chàng trai) được dâng lên như một bữa tiệc thịnh soạn. Ngay cả khi không ở trong các bữa tiệc, không thiếu phụ nữ và người hâm mộ cuồng nhiệt sẵn sàng lao vào bạn như thiêu thân.
Không dừng lại ở đó, việc những người nổi tiếng khác chơi chất kích thích và quan hệ tình dục trái phép tạo ra cám dỗ cực lớn, hành vi này được coi là cách để phô bày quyền lực và sự thành công trong giới. Như thêm dầu vào lửa, có một sự cạnh tranh ngầm thúc đẩy các sao mau chóng bắt kịp hoặc vượt qua sao khác bằng cách thể hiện những hành vi cực đoan nhất.
Dĩ nhiên, một khi lao vào ma túy và các cám dỗ khác, bạn sẽ rơi vào vũng lầy nhanh chóng, và nó sẽ nhấn chìm bạn chứ khó có đường lùi.

3. “Quyền riêng tư của tôi tan thành mây khói” – Nỗi sợ hãi trước paparazzi và hàng loạt ánh mắt luôn theo dõi

Dù có vẻ là điều hiển nhiên, không ai đong đếm được cái giá của sự mất đi quyền riêng tư, sự ẩn danh cũng biến mất theo đó. Bạn không thể che giấu và không thể ra ngoài mà mặc đồ xuề xòa vì bạn sẽ bị chú ý và đánh giá. Bạn không thể ẩn mình, trừ khi ở nhà, mọi không gian cá nhân xem như mất hết. Khi ra ngoài, mọi người xâm phạm không gian riêng tư của bạn và cư xử như thể họ biết bạn và bạn là bạn thân của họ. Bạn sẽ phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực trước cánh paparazzi.
“Có thể nói rằng, ‘việc bị xâm phạm quyền riêng tư là một phần công việc của tôi và đây sẽ là thực tại mà tôi đang sống,’  tuy nhiên, điều bạn không lường trước là bạn biết là một chuyện, cơ thể và cảm xúc của bạn sẽ phản ứng thế nào với điều đó lại là một chuyện khác.” – Jennifer Lawrence, chia sẻ vào ngày 15 tháng 11, 2014 với báo MSN.
“Hôm nọ, thực sự thì tôi chưa từng kể điều này với ai nhưng tôi đã nghĩ rằng mình sắp chết. Kiểu như, tôi đã cầu nguyện để được chết luôn cho xong. Thậm chí tôi còn không muốn gọi xe cấp cứu vì tôi nghĩ, ‘Nếu mình gọi xe cấp cứu, chuyện đó sẽ lên thẳng trang TMZ (Kênh 14 của giới Hollywood). Và tôi thà ngồi đó chết luôn còn hơn.’ Điều đó khiến tôi nhận ra – Tôi không còn để tâm đến miệng lưỡi thiên hạ nữa.” – Nicki Minaj phát biểu tại BET Awards, 2014.
“Bạn luôn nghĩ, ‘Nếu tôi thành công, tôi sẽ có nhiều cơ hội.’ Nhưng bạn sẽ không bao giờ ngờ rằng cái giá của sự nổi tiếng là bị mất hoàn toàn quyền riêng tư. Điều đó không thể cân đo đong đếm được. Thật là một gánh nặng cho bất kỳ ai. Đó là điều tôi không thể ngờ tới và tôi chưa bao giờ thích nó cho được.” – Harrison Ford.
“Đương nhiên là bạn sẽ thấy rất kỳ cục khi liên tục bị người khác dòm ngó rồi.” – Johnny Depp, Tạp chí Esquire, Tháng 1 năm 2007.
“Tôi biết rằng cánh paparazzi sẽ trở thành một phần thực tế trong cuộc sống của mình. Nhưng tôi đã không thể ngờ được rằng mình sẽ luôn lo lắng mỗi khi mở cửa nhà, có lần còn bị 10 người đàn ông lạ mặt đuổi theo, bị vây quanh. Tất cả khiến tôi cảm thấy quyền riêng tư bị xâm phạm, tôi thấy sợ hãi và vượt mức adrenaline mỗi ngày.” – Jennifer Lawrence, chia sẻ ngày 15 tháng 11, 2014.

Ảnh: Refinery29

Ảnh: Refinery29
“Tôi là kiểu người luôn quyết liệt bảo vệ quyền riêng tư của mình, vì vậy tôi cực ghét phải phải đi trả lời mấy buổi phỏng vấn.” – Megan Fox.
“Tôi nghĩ rằng có những thứ sẽ không bao giờ thay đổi được. Người đời sẽ không bao giờ ngừng việc dõi theo cuộc sống riêng tư của các nhạc sĩ, đặc biệt là những người trẻ.” – Taylor Swift.
“Người ta thường nói, ‘Đây là một phần của việc nổi tiếng, bạn phải biết điều này rồi chứ’ – nhưng bạn làm sao biết được. Bạn làm sao hiểu được việc mất đi quyền ẩn danh của mình khó khăn thế nào cho đến khi nó thực sự biến mất.” – Josh Hutcherson, ngôi sao trong phim “The Hunger Games: Mockingjay – Part 1”
“Tôi hình dung mình như đang chìm dần. Nhìn từ bên ngoài, tôi trông như đang rất vui vẻ, và thật sự tôi cũng đang vui, ít nhất là ở một số khía cạnh. Tôi chỉ là một bé gái nhỏ đến từ Kentucky được Hollywood chiếu sáng. Nhưng tận sâu bên trong, tôi vô cùng sợ hãi. Chỉ trong chớp mắt, đột nhiên xuất hiện hàng ngàn ánh mắt dõi theo, hàng ngàn đôi tai nghe ngóng.” – Jennifer Lawrence nói về những trải nghiệm đầu tiên của cô tại Hollywood.

4. “Tôi không thể tin tưởng được ai” – Thế giới giả tạo của ánh hào quang

Vấn đề mà mọi người nổi tiếng đều phải đối mặt chính là không tin tưởng được ai – ngay cả khi trước đây bạn là một người rất giàu niềm tin vào loài người. Như đã đề cập ở phần Những kẻ ký sinh và tiếp tay, mọi người đều “vâng lời đến lạ” và bạn sớm nhận ra rằng tất cả đều “yêu” bạn vì một lý do – những lợi ích to lớn mà họ nhận được từ bạn. Tôi gọi điều này là “Chào đằng ấy, bạn giúp gì được cho tôi?”. Điều này như luật bất thành văn nhưng sẽ được thể hiện một cách rõ ràng ngay khoảnh khắc ai đó nhận ra bạn là ai và bạn có thể giúp họ như thế nào. Bạn sẽ luôn cảm thấy rằng mọi người đang lợi dụng hòng trục lợi cho bản thân họ từ bạn.
Hơn nữa, bạn sẽ không bao giờ nhận được một ý kiến hay đánh giá chân thực nào từ những người xung quanh, vì họ luôn phụ thuộc vào bạn để kiếm kế sinh nhai hoặc hưởng lợi ích và lợi nhuận mà bạn mang lại. Một ví dụ nổi bật cho chuyện này là câu chuyện Mick Jagger làm việc với một nhân viên mới trong tour diễn của mình. Vào ngày thứ hai, nhân viên mới đến gần Mick và xin chữ ký của ông, nói rằng anh ta là một người hâm mộ lớn.
Mick đã tử tế đáp lại yêu cầu, và vào ngày thứ ba, ông sa thải nhân viên đó.
Mick Jagger đủ tinh ý để nhận ra rằng một người hâm mộ không bao giờ và sẽ không bao giờ có thể đưa ra một đánh giá chân thực về công việc hay màn trình diễn của ông.

Lời dịch giả: Tôi thì thấy điều này hơi cực đoan :)) Ảnh: Britannica

Lời dịch giả: Tôi thì thấy điều này hơi cực đoan :)) Ảnh: Britannica

5. “Tôi không có ai làm bạn; tôi hoàn toàn cô đơn trên cõi đời này” – Sự cô lập và nỗi cô đơn

Bị cô lập là một trong những vấn đề lớn nhất đối với mọi người nổi tiếng. Khi bạn nhận ra sự phake lòi của ánh hào quang, bạn tỉnh ngộ và bắt đầu nghĩ: “Mọi người chỉ đến với tôi vì tiền bạc, quyền lực hoặc danh tiếng.”
Bạn tự hỏi liệu họ thích bạn vì con người thật của bạn hay chỉ vì những gì bạn làm. Đồng thời, bạn cũng nhanh chóng nhận ra rằng ngay cả những người bạn cũ (những người thực sự) cũng bắt đầu rời xa bạn. Họ từng thân thiết, nhưng càng dành thời gian với họ, đặc biệt là ở chốn công cộng, họ càng cảm thấy bị bỏ rơi. Một số người cũng không thể chịu nổi sự chú ý quá lớn mà bạn nhận được khi ở cạnh nhau. Họ cảm thấy bạn đã thay đổi. Họ ngừng gọi điện. Bạn cảm thấy bị cô lập, bạn bắt đầu tự cô lập chính mình, và tệ hơn nữa là bạn tìm đến chất kích thích để làm nơi trú ẩn khỏi mọi nỗi đau.
Sống trên đỉnh cao quả thật rất cô đơn.
“Khi bài ‘Help!’ phát hành vào năm 1965, tôi thực sự đang phát ra lời kêu cứu. Hầu hết mọi người nghĩ rằng đó chỉ là một bài hát rock có giai điệu nhanh. Lúc đó, tôi không nhận ra điều này; tôi chỉ viết bài hát vì được đặt hàng viết nhạc cho bộ phim. Nhưng sau này, tôi nhận ra mình thực sự đã phát đi tín hiệu kêu cứu. Đó là giai đoạn tôi như Elvis phiên bản béo phì. Bạn cứ xem bộ phim rồi sẽ thấy: Anh ấy – chính tôi – rất béo, rất bất an, và hoàn toàn đánh mất chính mình. Và tôi đã hát về những ngày tôi còn trẻ hơn, nhìn lại khoảng thời gian dễ dàng đó khi mọi thứ đều tốt đẹp. Bây giờ tôi có thể rất tích cực – đúng vậy, tôi hiểu – nhưng bạn biết đấy, tôi cũng trải qua những cơn trầm cảm sâu khiến tôi muốn nhảy ra khỏi cửa sổ . Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi tôi già đi; tôi không biết liệu lý do cho việc này là do bạn học được cách kiểm soát, hay khi bạn trưởng thành, bạn sẽ bình tĩnh hơn một chút. Dù sao đi nữa, lúc đó tôi rất béo, rất trầm cảm, và tôi đã thực sự kêu cứu.” – John Lennon, phỏng vấn với tạp chí Playboy, tháng 1 năm 1981.

Ảnh: VnExpress

Ảnh: VnExpress
Lời của dịch giả: Series này gồm có 4 phần là 20 vấn đề cả thảy. Tự nhiên đọc xong thấy mấy người giàu cũng buồn, cũng tội. Tôi cảm thấy có chút điểm chung an ủi vì tôi nghèo nhưng tôi cũng buồn những nỗi buồn không khác họ là mấy. Đây có được gọi là manifest thành công không ta =))
Mời bạn đọc phần 2 ở đây.
Phần 4.
NARCY NGUYỄN.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Narcy Nguyen