Mời bạn đọc phần 1 ở đây.
Phần 2 nói về việc bị mất sự tự chủ, nhân cách phân ly, cái tôi, sự tự mãn, cơn nghiện sự nổi tiếng và ham muốn bất tử.
Bản quyền bài viết gốc thuộc về Tiến sĩ Patrick Wanis.
Mục lục
hide
6. “Tôi chỉ là một món hàng hóa mà tất cả mọi người đều có quyền sở hữu” – Sự vật hóa và xây dựng thương hiệu
Muốn nổi tiếng thì bạn phải xây dựng hình ảnh. Những người nổi tiếng thành công thực sự đều có thương hiệu, và nhiều người biến thương hiệu đó thành lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, đi cùng với hình ảnh và thương hiệu đó là cảm giác “Tôi là một thực thể được thiết kế để mang lại lợi nhuận cho người khác.”
Bạn bị biến thành một vật phẩm thương mại thông qua thương hiệu và hình ảnh được tạo ra bởi truyền thông và đội ngũ người hỗ trợ (nhân viên quan hệ công chúng, người đại diện, quản lý, luật sư, cố vấn hình ảnh, stylist, trợ lý, v.v.). Dù bạn tận hưởng nhiều thành quả về tiền bạc, bạn vẫn cảm thấy bị áp đảo và chi phối bởi hình ảnh mà mọi người nghĩ về bạn. Nghịch lý thay, mặc dù bạn sở hữu quyền lực và sức ảnh hưởng lớn, bạn vẫn cảm thấy bất lực – như thể bạn bị sở hữu bởi công chúng, và dĩ nhiên, bởi tất cả những người hưởng lợi từ bạn.
“Tôi không muốn trở thành một sản phẩm… Tất nhiên, bạn muốn các bộ phim mình đóng sẽ thành công. Nhưng tôi không muốn biết… ai đang hot và ai hết thời, ai kiếm được bao nhiêu tiền, và ai đang qua lại với người phụ nữ này hay người phụ nữ kia. Tôi muốn giữ mình hoàn toàn ở ngoài tầm với và xa rời tất cả điều đó.”
– Johnny Depp, Esquire Magazine, tháng 1 năm 2007
“Dù hiện tại tôi cảm thấy hạnh phúc, nhưng tôi cảm thấy mình đã hạnh phúc hơn một chút vào lúc hai hoặc ba năm trước, khi tôi có ít tiền bạc của cải hơn. Khi có ít người quan tâm đến cuộc sống của tôi. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình thuộc về chính mình. Còn bây giờ, tôi cảm thấy như mình không còn sở hữu cuộc sống của mình nữa. Tôi cảm thấy thế giới mới là người sở hữu tôi.” – Cardi B, 2018
“Việc xem một người nổi tiếng là hình mẫu lý tưởng để học theo giống như gọi một người xa lạ là hình mẫu lý tưởng của bạn. Những gì bạn biết về một người nổi tiếng chỉ là một bức biếm họa do những người đi đầu trong việc tạo xu hướng truyền thông vẽ ra để bán cho bạn một hình ảnh mà bạn khao khát bỏ tiền mua. Không có gì sai với việc hâm mộ những người anh hùng, nhưng bạn phải tìm kiếm họ ở đúng nơi, đúng lúc. Họ nói đừng tìm kiếm tình yêu đích thực ở quán bar, thì tôi nói, đừng tìm kiếm hình mẫu lý tưởng qua những màn ảnh lớn nhỏ.”
– Jennette McCurdy, diễn viên Nickelodeon
“Tôi thực sự không thích bán những thứ như… bạn biết đấy, như mùi hương. Và nước hoa. Tôi không thích lãng phí thời gian của mình cho việc dành cả ngày chỉ để bắt tay, mỉm cười và chụp ảnh selfie. Điều đó khiến tôi cảm thấy sự tồn tại của mình nó thật nông cạn. Tôi có nhiều thứ để cống hiến hơn là hình ảnh của mình. Tôi không thích bị lợi dụng để kiếm tiền cho người khác. Tôi cảm thấy buồn khi mình bị làm việc quá sức. Khi tôi trở thành một cỗ máy kiếm tiền, đam mê và sáng tạo của tôi bị đẩy lùi. Điều đó khiến tôi không vui. Tôi bắt đầu nói không. Tôi không đứng cạnh thứ đó đâu vì đó không phải là điều tôi đại diện. Và dần dần, chậm mà chắc, tôi nhớ lại bản thân mình là gì.”
– Lady Gaga, bài phát biểu tại Emotion Revolution, Đại học Yale, 2015
“Là những người phụ nữ trẻ, chúng tôi bị đặt vào thế đối đầu nhau để làm hài lòng xã hội. Những luật lệ của việc tương tác ở Hollywood đã tẩy não chúng tôi, làm chúng tôi tin tưởng những điều thực sự tàn nhẫn. Những người đàn ông và cả phụ nữ bị tẩy não trong ngành này khiến chúng tôi không thể làm bạn với nhau. Tôi rất tiếc về điều đó. Chúng tôi được tuyển vào một chương trình thực tế giả mạo nơi chúng tôi phải trở thành kẻ thù của nhau. Tôi cảm thấy rất bực tức vì điều đó. Tôi rất hối hận vì đã không tỉnh táo để diễn đạt điều này với bạn vào lúc đó. Nỗi sợ hãi đã ăn sâu vào tôi từ ngày đầu tiên sống trong thị trấn này, và bạn là thước đo để đánh giá hành vi của tôi. Như thể tôi bị soi chiếu dưới kính hiển vi, chỉ cần một hành động sai lầm là tôi bị gán mác ‘khó chịu’ giống như bạn. Chúng ta đều biết điều gì xảy ra khi phụ nữ ở đây vượt qua những giới hạn. “Cô là người có ảnh hưởng xấu sâu rộng đến cuộc đời của tôi. Chúng ta đều được tuyển vào vai “Cô Gái Xấu Xa” – một vai trò trong cuộc sống thực giả tạo này…”Chúng ta bị gắn với vai ‘Cô gái xấu’… Nhưng chúng ta chưa bao giờ là người xấu, chính họ – những gã đàn ông trắng thiếu chất xám đã đứng sau và điều hành tất cả mới là những con người xấu xa thực sự”
– Rose McGowan nói về cách cô và Shannon Doherty bị sử dụng để tăng độ nhận diện bằng cách thuê họ giả vờ làm kẻ thù của nhau.
7. “Không ai biết con người thật của tôi là gì” – Tính cách phân ly
Khi hình ảnh của bạn ngày càng được xây dựng, bạn nhận ra rằng có một sự bất đồng lớn giữa con người thật của bạn và phiên bản nổi tiếng của bạn mà mọi người nhận ra. Khi khoảng cách giữa hai tính cách/nhân vật này ngày càng rộng ra, bạn càng giấu đi con người thật của mình; bạn diễn xuất theo kỳ vọng của người hâm mộ và công chúng. Bạn thậm chí bắt đầu tự hỏi chính mình: “Tôi thực sự là ai?”
Sự bối rối, những kỳ vọng, ước muốn làm hài lòng công chúng và người hâm mộ, cùng với nỗi oán hận và đau khổ từ bên trong do tình thế ngột ngạt, chúng có thể thúc đẩy bạn trốn tránh bằng cách sống ẩn dật hết mức, hoặc tệ hơn, tìm đến các chất kích thích.
“Cơn nghiện thực sự của tôi là rượu. Những chất độc hại khác chỉ giúp tôi củng cố bức tường ngăn cách giữa phiên bản nổi tiếng và phiên bản thực sự của tôi.”
– Charlie Sheen, 1987, nói về việc quay phim Wall Street và những thử thách đến từ sự nổi tiếng.
“Bạn gắn giá trị bản thân với trang phục mà bạn mặc, quán cà phê mà bạn đến, những người bạn bè bạn giao du, và khi tất cả những thứ mà bạn gắn với bản thân bị lấy đi và bạn bị đặt vào giữa một sa mạc trống rỗng, đó là khi bạn nhìn thấy con người thật của mình. Vì vậy, sau khi quay xong, bạn phải tìm chính mình lại từ đầu.”
– Zoe Kravitz chia sẻ về việc quay “Mad Max: Fury Road.”
“Paparazzi và các tạp chí đáng bị đổ lỗi một phần, nhưng họ chỉ đang đáp ứng một nhu cầu sẵn có. Thật đáng tiếc khi mọi người không quan tâm rằng họ đã bị lừa dối, họ không quan tâm rằng họ bị thao túng và không được biết sự thật đầy đủ. Dù vậy, họ vẫn mua chúng và tin vào những lời nói dối này.”
– Jennifer Aniston, chia sẻ với Parade Magazine, tháng 9 năm 2009.
“Chỉ vì bạn xuất hiện trên Kênh Disney và luôn nở nụ cười trên môi, họ nghĩ rằng bạn hoàn hảo, trong khi rõ ràng rằng không có cuộc sống của ai là thực sự như vậy.”
– Demi Lovato, người đã thừa nhận từng vật lộn với chứng rối loạn ăn uống.
“Có một phiên bản giả của tôi
Và chính anh ta là người viết
Những bài thơ này.
Anh ta có thái độ bất cần cùng phong thái kiêu ngạo
Mà tôi không có…
Anh ta đã trở thành phiên bản thật
Vì mọi người đối xử với tôi
Như thể tôi là phiên bản giả của mình.”
– James Franco, trích từ bài thơ “Giả tạo”.
8. “Anh không biết tôi là ai sao? Tôi xứng đáng có được nhiều hơn thế.” – Cái tôi và sự tự mãn
Mặc dù vấn đề này gần như liên quan đến “chủ nghĩa ái kỷ” (narcissism), nó là kết quả trực tiếp của việc liên tục được những người ủng hộ, người hâm mộ và công chúng ca ngợi rằng bạn thật tuyệt vời. Bạn được nói rằng mình vượt trội, và cùng với những đặc quyền, quyền lực, cũng như sự ưu đãi, bạn kết luận rằng mình xứng đáng với những điều tốt hơn – bạn trở nên tự mãn, coi mình là cái rốn của vũ trụ.
Cái tôi của bạn được bơm phồng khi truyền thông tìm đến bạn để lấy ý kiến về những chủ đề không liên quan đến tài năng của bạn; quan điểm của bạn được xem như la 2có giá trị hơn của những người khác. Ý kiến của bạn trở thành “tiếng nói của bề trên thần thánh”.
“Tại sao bạn quan tâm đến những gì Dixie Chicks nói vậy nhỉ? Họ có phải là nhà khoa học chính trị đâu? Đừng tôn sùng người nổi tiếng quá mức như thế.”
– Dave Chappelle, diễn viên hài, chia sẻ quan điểm tiêu cực về việc Dixie Chicks chỉ trích Tổng thống George Bush và cuộc chiến sau đó của Mỹ xâm lược Iraq năm 2003.
“Ở Ấn Độ, bạn phải là một guru (bậc thầy) thay vì một ngôi sao nhạc pop. Guru chính là ngôi sao nhạc pop ở Ấn Độ, và ngôi sao nhạc pop chính là guru ở đây.”
– Yoko Ono, phỏng vấn với Playboy Magazine, năm 1981.
“Khi còn tham gia phim ‘Home and Away’ ở Úc, tôi trở nên cực kỳ bất an và đầy lo lắng vì không biết mình có đủ tài năng hay không. Tôi dành nhiều năm sống trong sự lo lắng, liên tục nói với mọi người rằng tôi không chỉ là một diễn viên của phim truyền hình, tôi là một nghệ sĩ thực sự. Và tôi nhớ anh trai Luke của tôi cuối cùng đã nổi cáu, bảo tôi im đi vì anh ấy nghe điều đấy phát chán lắm rồi.”
– Chris Hemsworth, trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 sau khi được tạp chí GQ bình chọn là “Người đàn ông nam tính nhất Hollywood.”
“Tôi nhớ khoảng thời gian sau sự kiện 11/9, Ja Rule xuất hiện trên MTC. “Chúng tôi có Ja Rule ở bên kia đầu dây. Hãy xem anh ấy nghĩ gì về thảm kịch này nhé.’ Ai mà quan tâm Ja Rule nghĩ gì trong tình huống như thế này? Thật vô lý. Tôi không muốn nhảy múa. Tôi sợ đến chết! Tôi cần câu trả lời – những câu trả lời mà Ja Rule không có!.. Tôi thậm chí không biết tại sao mọi người lại lắng nghe tôi.”
– Dave Chappelle, diễn viên hài chia sẻ.
Cái tôi và sự tự mãn là một trong những khía cạnh mà tôi gọi là “Yếu tố của sự nổi tiếng” – những ảo tưởng về sự cao quý. Do đó, việc phá vỡ các quy tắc diễn ra cùng với niềm tin rằng bạn không thể bị chạm tới và có thể làm bất cứ điều gì mình muốn; “Tôi không bị luật pháp ràng buộc; tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn; anh không biết tôi là ai sao?”
Năm 2013, Reese Witherspoon và chồng cô bị cảnh sát chặn lại vì xe của họ lạng lách trên đường. Chồng cô là người lái xe và bị kiểm tra nồng độ cồn. Bất chấp yêu cầu lặp lại từ cảnh sát, Reese Witherspoon đã ra khỏi xe.
Viên cảnh sát viết trong báo cáo:
“Bà Witherspoon hỏi: ‘Anh có biết tôi là ai không?’ Tôi trả lời: ‘Không, tôi không cần biết tên của bà.’ Tôi nói thêm, ‘Ngay bây giờ.’ Bà Witherspoon nói: ‘Anh sắp biết tôi là ai rồi đấy.’”
“Bà Witherspoon cũng nói: ‘Anh sẽ lên bản tin toàn quốc.’ Tôi nói với bà ấy rằng lên cũng được, không sao cả.
Vài ngày sau, Reese Witherspoon đã xin lỗi vì lời nói và hành vi của mình.
Ngày 26 tháng 6 năm 2014, Shia LaBeouf bị cảnh sát còng tay và áp giải khỏi một nhà hát Broadway khi đang chiếu “Cabaret”, vì bị cáo buộc la hét những lời thô tục trong buổi biểu diễn. Theo đơn khiếu nại hình sự, một nhân viên bảo vệ nói rằng khi LaBeouf được yêu cầu rời đi, anh từ chối và hét lên: “Mày có biết tao là ai không thằng khốn? Mày có biết bố mày là ai không?” Shia LaBeouf bị buộc tội 5 lần về hành vi gây rối, xâm phạm bất hợp pháp và quấy rối.
“Tôi biết hành động của mình là sai. Nhưng tôi đã thuyết phục bản thân rằng các quy tắc bình thường không áp dụng với tôi. Tôi không bao giờ nghĩ đến những người tôi đang làm tổn thương. Thay vào đó, tôi chỉ nghĩ về bản thân mình. Tôi phá vỡ những ranh giới mà một cặp vợ chồng nên sống theo. Tôi nghĩ rằng mình có thể lách khỏi bất cứ điều gì mình muốn. Tôi cảm thấy mình đã làm việc chăm chỉ cả đời và xứng đáng tận hưởng tất cả những cám dỗ xung quanh. Tôi cảm thấy tự mãn. Nhờ có tiền bạc và sự nổi tiếng, tôi không phải bỏ công sức đi xa để tìm chúng.”
– Tiger Woods, ngày 19 tháng 2 năm 2010 trong bài xin lỗi công chúng sau khi thừa nhận đã phản bội vợ mình nhiều lần với nhiều người phụ nữ khác nhau.
9. “Tiếng tăm là niềm hưng phấn của tôi” – Cơn nghiện danh vọng
Mỗi nghệ sĩ đều hiểu và lên tiếng về cảm giác hưng phấn tuyệt vời mà họ nhận được từ việc biểu diễn và bày tỏ năng khiếu nghệ thuật của mình – dù là diễn xuất, ca hát, nhảy múa, viết lách, vẽ tranh, đạo diễn, và nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, còn có một cảm giác phấn khích khó tả khi biểu diễn dưới áp lực, trước hàng chục nghìn khán giả – như một ngôi sao nhạc rock trong buổi hòa nhạc hoặc một vận động viên, được đám đông cổ vũ, nhưng tâm trí họ vẫn tập trung khi ghi bàn quyết định và giành chiến thắng.
Vậy, có phải tất cả những người nổi tiếng đều sở hữu một tính cách dễ gây nghiện từ trước khi họ trở nên nổi tiếng không?
Không.
Dù một số người theo đuổi cảm giác hưng phấn của danh vọng, nhưng bất kỳ người nổi tiếng nào cũng dễ dàng nghiện cảm giác thăng hoa mà danh vọng mang lại – sự chú ý, sự tôn sùng, tai tiếng, quyền lực, tầm ảnh hưởng, đặc quyền, tiệc tùng, quà tặng, tiền bạc và sự ngưỡng mộ.
Cơn nghiện này trở thành một cơn nghiện danh vọng, kéo theo khao khát cạnh tranh với những người nổi tiếng khác, cùng những ham muốn không bao giờ có thể thỏa mãn để có thêm nhiều hơn nữa, cùng với nỗi ám ảnh cháy bỏng rằng ‘với tôi, mọi thứ phải lớn hơn’ – rồi lòng tham kiểm soát tất cả. (Ví dụ về sự cạnh tranh giữa các ngôi sao: ca sĩ Kanye West từng tổ chức một cuộc đua doanh số với 50 Cent khi cả hai phát hành album vào năm 2007.)
Chất kích thích mang tên danh vọng giờ đây kiểm soát bạn, và bạn sợ hãi cũng như không muốn từ bỏ nó. Bạn bị ràng buộc vào tất cả những cám dỗ mong manh và trống rỗng của sự nổi tiếng.
Điều này cũng dẫn đến một nỗi lo lắng thường trực về phong độ trình diễn, và nỗi sợ mất mát, đặc biệt khi bạn nhận ra rằng danh vọng và sự nổi tiếng chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua; công chúng có thể thay đổi thất thường và tùy hứng – hôm nay họ yêu mến và tôn sùng bạn, nhưng ngày mai họ sẽ lại có một “vị thần” mới!
“Tôi không bị ảo tưởng bởi sự nổi tiếng. Tôi không thích nó. Tôi không tin nó. Một phút trước tất cả đều yêu mến bạn, và phút sau bạn thấy mình đứng trước vành móng ngựa, múa may trên trên nóc xe và cố hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình.” – Dave Chappelle, diễn viên hài
10. “Tôi muốn tên mình sống mãi” – Xây dựng di sản
Khi bạn tỉnh ngộ trước thực tế rằng công chúng rất dễ thay đổi và có thể dễ dàng kéo bạn xuống khỏi chiếc bàn thờ mà họ từng đặt bạn lên (và các hợp đồng tài trợ cũng bắt đầu suy giảm hoặc biến mất), khát khao trở nên bất tử của bạn có thể hoặc làm gia tăng sự lo lắng và nỗi sợ mất mát, hoặc thúc đẩy bạn đánh giá lại danh vọng và sự trống rỗng tiềm tàng của nó.
Vì vậy, một số người nổi tiếng quyết định đóng góp lại cho xã hội, sử dụng quyền lực, danh tiếng và tài sản của mình để thành lập các quỹ và hỗ trợ các hoạt động giúp cải thiện cuộc sống con người, chẳng hạn giảm bớt khổ đau cho người khác. Đây có thể trở thành một di sản, giúp mọi người nhớ đến bạn lâu sau khi cơ thể vật lý của bạn qua đời; đây chính là cách để tên tuổi bạn sống mãi.
Phần 4.
NARCY NGUYỄN