Mời bạn đọc phần 1 ở đây.
Phần 3 nói về việc mất đi sự thân mật, những ảo tưởng, sự thiếu ranh giới, sự ái kỷ, yếu tố nổi tiếng, sự chối bỏ và ảo tưởng về sự vĩ đại của bản thân, tác động đến những mối quan hệ.
Bản quyền bài viết gốc thuộc về Tiến sĩ Patrick Wanis.
Mục lục
hide
“Các bạn yêu tôi, các bạn thực sự, thực sự rất yêu tôi” – Việc mất đi sự thân mật và ảo tưởng
Trong bộ phim The Mask, Jim Carrey đã chế giễu một bài phát biểu nổi tiếng của Sally Field khi nhận giải thưởng, với lời cảm ơn đầy xúc động, mặc dù bị trích dẫn sai: “Cảm ơn! Các bạn yêu tôi. Các bạn thực sự rất yêu tôi.”
Cả phiên bản parody và bài phát biểu thực tế tại Oscar đều được dành cho các ngôi sao Hollywood khác – những người bỏ phiếu cho giải Oscar. Tuy nhiên, khát khao được yêu thích, được chấp nhận là điều phổ biến, nhưng lại được phóng đại mạnh mẽ hơn đối với những người nổi tiếng.
Khi danh tiếng và những cái bẫy xung quanh nó chiếm lĩnh cuộc sống (bao gồm cả sự cô lập, nỗi cô đơn và khoảng cách với gia đình), bạn tìm đến người hâm mộ để giải tỏa cơn khát được thân mật – đôi khi “tình yêu và sự chú ý” của họ còn mạnh mẽ và lôi cuốn hơn cả gia đình. Họ liên tục bày tỏ tình cảm, từ những tấm thiệp, hoa, thư tay, tiếng hò reo vang dội đến sự chú ý không ngừng nghỉ. Điều đó khiến bạn khó cưỡng lại việc được công chúng tôn thờ – một cảm giác mà gia đình không thể mang lại được.
“Vì sao tôi lại quan tâm người khác nghĩ gì nhỉ? Nhưng thực sự là tôi có quan tâm. Tôi không thể giả vờ là không quan tâm được. Điều đó khiến tôi bất an. Cả thế giới đưa ra ý kiến về bạn mà không hề gặp bạn. Điều đó không nên làm tôi phiền lòng, nhưng thực sự, nó có. Nó làm tôi phiền lòng.” – Jennifer Lawrence, 2015
“Khi còn trẻ, bạn để tâm đến suy nghĩ của người khác. Và bạn xem những người thân của mình là lẽ đương nhiên. Bạn lãng phí rất nhiều năng lượng để tạo ấn tượng tốt với người lạ. Khi bạn trưởng thành hơn, bạn tập trung năng lượng đó vào những người thân thiết, vào gia đình. Và bạn lịch thiệp hơn.” – Michael Douglas chia sẻ về việc đã không trân trọng người vợ Catherine Zeta-Jones của mình, thay vào đó tập trung vào sự chú ý và chấp nhận từ người khác, dẫn đến cuộc chia tay tạm thời của họ.
Tuy nhiên, một ngày nào đó, bạn sẽ được khai sáng và nhận ra điều đó không thực sự thỏa mãn vì đây chỉ là sự thân mật giả tạo. Đó thậm chí là một mối quan hệ một chiều khi người hâm mộ tưởng rằng họ có mối quan hệ với bạn. Họ không biết bạn thực sự là ai và bạn cũng không biết họ. Họ nghĩ họ hiểu bạn, nhưng thực ra chỉ là hình ảnh của bạn. Và dù bạn có dốc lòng chia sẻ, họ cũng không thể làm dịu nỗi đau hay mang lại tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện cho bạn.
Tôi mô tả sự thân mật là “người-ấy-đã-nhìn-thấu-lòng-tôi”, và bạn không bao giờ có thể thực sự mở lòng hoặc thực sự bộc lộ cảm xúc với những người chỉ nhìn bạn như một vị thần hay nữ thần!
Thêm vào đó, sự chú ý liên tục và áp lực từ những ánh mắt ngưỡng mộ dồn dập sẽ khiến bạn cảm thấy ngột ngạt.
“Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn” – Những ranh giới bị xóa nhòa
Dù bạn có lớn lên trong một gia đình với những nguyên tắc nghiêm ngặt, sự tôn trọng lẫn nhau, đạo đức và ranh giới rõ ràng, thì một khi danh tiếng, sự giàu có và quyền lực bước vào thế giới của bạn, tất cả ranh giới đó sẽ dần biến mất. Các giới hạn không chỉ bị làm mờ; chúng hoàn toàn tan rã và bốc hơi. Đây là hệ quả của cái tôi và sự tự cao, cùng với sự tan rã của thực tại. Càng có nhiều người chiều theo mọi ý thích của bạn và không ngừng khẳng định rằng bạn là một vị thần, bạn càng mất đi cảm giác thực tế và càng tin rằng không có giới hạn nào bạn không thể vượt qua; không ai có thể kiềm chế hay kiểm soát bạn; không ai có thể nói bạn nên làm gì. Bạn cũng dần mất đi sự thấu cảm với người khác.
“Tôi muốn nói rằng, không ai nói cho bạn biết điều gì sẽ xảy ra khi bạn trở nên nổi tiếng, và tôi đã không xử lý chuyện đó tốt. Tôi từng là một ngôi sao trẻ, mới nổi, nóng bỏng và có sự kiêu ngạo không thể tin nổi như Ty Webb [nhân vật đánh golf trong phim Caddyshack], là người khi được hỏi anh ấy đo lường sự thành công như thế nào, anh ấy đáp: “Dựa vào chiều cao.” Theo thời gian, sự ái kỷ và kiêu ngạo đó đã dần giảm bớt. Nhưng nó thực sự từng tồn tại. Giờ tôi đã già hơn. Và là một kẻ hay than phiền.” – Chevy Chase
13. “Mọi thứ đều xoay quanh tôi” – Chủ nghĩa ái kỷ – Yếu tố danh tiếng
Chủ nghĩa ái kỷ là một rối loạn được định nghĩa qua các biểu hiện như thiếu sự thấu cảm, những ảo tưởng phô trương, việc quan hệ tình dục bừa bãi, không có khả năng xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa, nhu cầu được công nhận quá mức, phản ứng cực đoan với chỉ trích (thường là giận dữ), thái độ nóng nảy, sự ái kỷ quá đà, cô lập xã hội và trầm cảm.
Chủ nghĩa ái kỷ thường bắt nguồn từ cách nuôi dạy từ thời thơ ấu, thiếu sự chú ý, bị bỏ rơi, thiếu quan tâm cùng nhiều thứ khác. Nó thường phản ánh sự thiếu hụt nghiêm trọng trong lòng tự tôn, dẫn đến việc cố gắng bù đắp quá mức. Chủ nghĩa ái kỷ cũng có thể xảy ra khi một đứa trẻ không được dạy về ranh giới và được cha mẹ chiều chuộng mọi mong muốn, khiến trẻ trở thành cái rốn của vũ trụ và không nhận ra sự tồn tại và nhu cầu của người khác. Điều này thường xảy ra với những đứa trẻ không có anh chị em và được xem như cái rốn của vũ trụ suốt thời thơ ấu.
“Khi bạn trở nên nổi tiếng, bạn sẽ trải qua khoảng thời gian một đến hai năm hành xử như một kẻ khốn nạn thực sự. Bạn không thể tự kiềm chế bản thân mình được. Điều này xảy ra với tất cả mọi người. Bạn có khoảng hai năm để điều chỉnh bản thân – nếu không, nó sẽ trở thành vĩnh viễn.” – Bill Murray
Hầu hết thanh thiếu niên thường mang tính cách ái kỷ: họ tin rằng mình là trung tâm của vũ trụ, với một “khán giả tưởng tượng” luôn theo dõi và bị ấn tượng bởi những hành động và hành vi của họ. Các nghiên cứu cho thấy những người ở độ tuổi 20 có điểm số ái kỷ cao nhất.
Tuy nhiên, trở thành người nổi tiếng gần như không thể tránh khỏi việc trở thành người ái kỷ.
Tôi gọi đây là Yếu tố danh tiếng.
Càng có nhiều người khen ngợi và tôn thờ bạn, cùng với việc càng có nhiều quyền lực, tiền bạc và tài sản, bạn càng dễ tin rằng mình quan trọng hơn tất cả những người khác. Điều này làm giảm sự thấu cảm đối với người khác và làm tăng nguy cơ trở thành kẻ ái kỷ.
“Nỗi đau lớn nhất trong đời tôi là tôi sẽ không bao giờ có thể xem chính mình biểu diễn trực tiếp.” – Kanye West
“Tôi muốn nói rằng, không ai nói cho bạn biết điều gì sẽ xảy ra khi bạn trở nên nổi tiếng, và tôi đã không xử lý chuyện đó tốt. Tôi từng là một ngôi sao trẻ, mới nổi, nóng bỏng và có sự kiêu ngạo không thể tin nổi như Ty Webb [nhân vật đánh golf trong phim Caddyshack], là người khi được hỏi anh ấy đo lường sự thành công như thế nào, anh ấy đáp: “Dựa vào chiều cao.” Theo thời gian, sự ái kỷ và kiêu ngạo đó đã dần giảm bớt. Nhưng nó thực sự từng tồn tại. Giờ tôi đã già hơn. Và là một kẻ hay than phiền.” – Chevy Chase
Danh tiếng mang trong mình tất cả các yếu tố tạo ra dạng chủ nghĩa ái kỷ này.
Điều này cũng được gọi là Chủ Nghĩa Ái Kỷ Đến Từ Hoàn Cảnh (Acquired Situational Narcissism), một thuật ngữ được đặt ra bởi Robert B. Millman, Giáo sư Tâm thần học tại Trường Y Khoa Weill Cornell thuộc Đại học Cornell. Ông cho rằng khi trở thành người nổi tiếng, bạn dần với việc mọi người chỉ chăm chăm nhìn vào mình đến mức bạn ngừng xem trọng lại người khác – tức là bạn mất đi sự thấu cảm cũng như sự quan tâm đến người khác và trở nên ái kỷ.
“Chủ nghĩa ái kỷ là sự mâu thuẫn lớn nhất giữa cha tôi và là nghịch lý lớn nhất của tâm linh, điều khiến ông ấy trở thành một biểu tượng.” – Gotham Chopra nói về cha mình, Deepak Chopra, nhà tâm linh học nổi tiếng.
Thuốc giải cho chủ nghĩa ái kỷ ở người nổi tiếng không phải là thất bại hay mất đi danh tiếng và tài sản. Tôi đã gặp và chứng kiến nhiều người từng giàu có, nổi tiếng nhưng mất tất cả và trở nên cay đắng, giận dữ, oán hận thay vì trở nên nhân từ, đồng cảm và trân trọng cuộc sống.
Vì vậy, thuốc giải cho chủ nghĩa ái kỷ ở người nổi tiếng là việc dần dần học cách thấu cảm và cảm thông thông qua việc tiếp xúc với nỗi đau của người khác và kết nối với những cảm xúc và nhu cầu sâu sắc của chính mình. Sự đồng cảm chỉ có thể xảy ra khi một người kết nối lại lần nữa, hoặc bắt đầu kết nối với trải nghiệm đầy đủ của con người – nỗi đau, mất mát, bệnh tật cũng như tình yêu và niềm vui.
Nhiều người nổi tiếng đã tìm cách giúp đỡ – Marie Osmond đến thăm Bệnh viện Nhi Chicago để gặp gỡ bệnh nhân, gia đình họ và tham gia các buổi kể chuyện; Don Cheadle đã đến Darfur, Sudan vào năm 2005, nơi lực lượng dân quân được chính phủ tài trợ đã giết 400.000 người và khiến 2,5 triệu người phải di dời; Joan Allen đã đọc và kể chuyện tại Nhà trẻ Luôn-Mở-Cửa ở Manhattan; Lucy Liu đã đến thăm Lesotho ở Châu Phi như một phần của sáng kiến UNICEF. Cô cũng đến Balakot, Pakistan, sau trận động đất làm hơn 70.000 người thiệt mạng. Cô đã chứng kiến nỗi đau và mất mát khi giúp phân phát quần áo ấm và đi bộ giữa đống đổ nát cùng các trại tị nạn với “13 người ngủ trong một chiếc lều rất nhỏ.”
14. “Tôi bất khả chiến bại và là đấng toàn năng” – Sự chối bỏ và ảo tưởng về sự vĩ đại
Đến thời điểm này, bạn đã thấy một cách rõ ràng rằng những người xung quanh bạn – người hâm mộ, khán giả, và những người có lợi ích liên quan đến bạn như kẻ ký sinh, kẻ tiếp tay, đoàn tùy tùng và người quản lý – sẽ liên tục nâng tầm và củng cố cái tôi của bạn. Họ sẽ liên tục đúc khuôn và nâng tầm cái tôi của bạn, đưa ra những lời gợi ý như thôi miên nhằm củng cố quyền lực, sự vĩ đại, tầm quan trọng, giá trị và địa vị thần thánh của bạn.
Kết quả là gì? Những ảo tưởng về sự vĩ đại và sự phủ nhận thực tế.
“Tôi thực sự tin rằng anh ấy được đặt ở đây vì một lý do vĩ đại hơn việc chỉ chơi golf. Tôi không nghĩ anh ấy là một vị thần, nhưng tôi tin rằng anh ấy được một vị thần gửi đến.” – Michael Jordan nói về Tiger Woods
“[Con tôi]… là Người được chọn. Con tôi sẽ có sức mạnh để ảnh hưởng đến các quốc gia.” – Cha của Tiger Woods, Earl, năm 1996 dự đoán sự nổi tiếng của con trai mình, nói rằng con của anh sẽ lớn lao hơn cả Gandhi hay Đức Phật.
Một số biểu hiện của sự ảo tưởng về sự vĩ đại đã được đề cập ở trên – thiếu ranh giới, “luật lệ không áp dụng cho tôi,” “thế giới này xoay xung quanh tôi,” “bạn không biết tôi là ai sao,” “tôi xứng đáng được như thế,” v.v. Tuy nhiên, khía cạnh khác của ảo tưởng về sự vĩ đại là niềm tin rằng tiền bạc sẽ tiếp tục chảy mãi mãi và sự dư dả sẽ không bao giờ kết thúc.
Nghệ sĩ Sting là một ngoại lệ. Sting thuê 100 người và vào năm 2014, ông cảnh báo các con mình rằng sẽ không có tài sản thừa kế dành cho chúng: “Tôi nói với chúng rằng sẽ không còn nhiều tiền vì chúng tôi đang tiêu hết. Chúng tôi có rất nhiều cam kết. Những gì kiếm được đều được chi tiêu, và không còn lại bao nhiêu.” Tất nhiên, cũng có niềm tin rằng lối sống này là vĩnh cửu – các bữa tiệc, quyền lực, tầm ảnh hưởng – dẫn đến ảo tưởng rằng “Tôi bất khả xâm phạm về mặt thể chất.”
Nhiều người nổi tiếng đã phải trả giá đắt sau một cuộc đời tiệc tùng – lạm dụng rượu và chất kích thích, thiếu ngủ và không tự chăm sóc bản thân. Điều này dẫn đến điểm thứ hai về sự phủ nhận thực tế: Họ không ý thức được thế giới thực là gì.
Khi mọi thứ bị phóng đại đến mức cực đoan – sự chú ý, tung hô, những bữa tiệc tùng, biệt thự, máy bay riêng, tiền bạc, v.v. – thì sẽ rất khó để thấu hiểu và thực sự trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống cùng với những vấn đề thực sự mà những người bình thường đối mặt khi không có cùng nguồn lực. Do đó, sự vô ơn và cảm giác tự mãn lên ngôi, chúng sẽ phá hủy lòng biết ơn và sức khỏe tinh thần.
Sau danh tiếng là sự suy sụp. Sự suy kiệt của cơ thể và thiếu sự nuôi dưỡng tâm hồn dẫn đến hàng loạt vấn đề về sức khỏe tinh thần: trầm cảm, xu hướng tự sát, nghiện ngập, việc tự hủy hoại và tiềm ẩn sự phá hủy cuộc đời của chính mình.
15. “Danh tiếng đã phá hủy gia đình/ cuộc hôn nhân của tôi” – Tác động của sự nổi tiếng lên các mối quan hệ
Nhiều người mơ ước được sinh ra trong một gia đình giàu có và nổi tiếng; một số phụ nữ thậm chí theo đuổi những người đàn ông giàu có và nổi tiếng như một đối tượng tiềm năng cho hôn nhân.
Có một niềm tin phổ biến rằng bằng việc kết hôn hoặc trở thành một phần của gia đình người nổi tiếng, một thế giới mới sẽ mở ra với chúng ta – một thế giới đầy hào nhoáng, tiệc tùng, sự giàu có và cuộc sống không ngừng nghỉ với những kỳ nghỉ xa hoa, những căn biệt thự lộng lẫy, người phục vụ và tất cả những điều tốt đẹp nhất.
Thế nhưng, người nổi tiếng hiểu rằng điều đó chỉ là một niềm tin sai lầm. Thực tế, những người nổi tiếng thực sự thường dành ít thời gian và sự chú ý hơn cho gia đình mình.
Sự tiếp xúc với danh tiếng có tác động tiêu cực đến gia đình và các mối quan hệ của các celeb.
Các thành viên trong gia đình thường cảm thấy họ như vô hình, bị xem là thứ yếu, bị phớt lờ hoặc bị “cướp mất” mối quan hệ; cướp mất người mà họ yêu thương và trân trọng.
Thậm chí, vợ của một nhà khoa học cũng có thể trở thành nạn nhân của sự nổi tiếng.
Stephen Hawking, một trong những nhà vật lý/tác giả nổi tiếng nhất thế giới, là một người nổi tiếng đi lên bằng thực lực.
Ông từng góp mặt trong bộ phim hoạt hình như The Simpsons, Star Trek, và thậm chí góp giọng trong một album của Pink Floyd.
Cuốn sách bán chạy toàn cầu năm 1988 của ông, Lược sử thời gian (A Brief History of Time), đã bán được hơn 25 triệu bản.
Tuy nhiên, chính Stephen Hawking cũng thừa nhận rằng việc ông đón nhận sự nổi tiếng mới mẻ khi đó đã phá hủy cuộc hôn nhân đầu tiên với Jane.
Ông trở thành “thần đồng công chúng”, như Jane nói. “[Chúng tôi] bị cuốn đi và rồi chìm nghỉm trong làn sóng danh tiếng và tài sản. Điều đó trở nên quá sức đối với tôi.” Sau 25 năm chung sống và có với nhau 3 người con, họ ly hôn vào năm 1990.
“Có rất nhiều người can dự vào cuộc sống của tôi, và điều đó thật khó khăn [– Đoàn tùy tùng]. Có nhiều người ra vào căn nhà. Có người làm tóc và trang điểm. Tôi nghĩ điều đó là quá sức chịu đựng với một người bình thường… Hãy bỏ qua tất cả những điều râu ria, sự phán xét, việc bị soi mói trong mối quan hệ… Tôi đoán chúng cũng góp phần, nhưng tôi nghĩ họ sẽ nói rằng [đoàn tùy tùng] gây ra phần lớn sự khó chịu.” – Jennifer Lopez giải thích lý do tại sao tại sao các mối quan hệ của mình thất bại (Marc Anthony, Ben Affleck).
Như đã đề cập, ngoài việc bị cuốn trôi bởi “làn sóng danh tiếng và tài sản”, người nổi tiếng còn phải đối mặt với những cám dỗ không ngừng nghỉ cũng như cái tôi lớn và cảm giác tự mãn, điều này phá vỡ các ranh giới và thường dẫn đến chủ nghĩa ái kỷ.
Tuy nhiên, một khía cạnh khác là thời gian xa cách bạn đời – những chuyến đi kéo dài và khoảng thời gian dài không ở bên nhau.
Trong ngành điện ảnh, chẳng hạn, việc quay phim có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng – tức là phải xa cách bạn đời và con cái – trừ khi bạn là một diễn viên hạng A và đủ khả năng tài chính để đưa gia đình đi cùng. Và ngay cả khi như vậy, bạn cũng làm việc nhiều giờ, đôi khi suốt đêm, điều này lại một lần nữa lấy đi thời gian bên con cái và gia đình.
Nếu cả hai đều là người nổi tiếng, thì những khó khăn và trở ngại còn lớn hơn nữa:
– Các paparazzi và phương tiện truyền thông đặt ra những kỳ vọng lớn hơn về bạn và muốn mô tả bạn theo một trong hai cách – hoặc bạn rất tận tụy và đắm say trong tình yêu với nhau, hoặc bạn đang lừa dối và sắp chia tay.
– Hai bạn có thể sẽ cạnh tranh với nhau.
– Cám dỗ bao quanh cả hai, cũng như nghi ngờ.
– Cả hai bạn có thể rơi vào thế giới của chất kích thích và không thể giúp đỡ lẫn nhau
– Lịch trình bận rộn và những cam kết kéo bạn xa nhau về mặt vật lý và địa lý.
– Bạn không thể dành cho nhau thời gian chất lượng, năng lượng và cảm xúc cần thiết cho một mối quan hệ ý nghĩa và mãn nguyện.
– Cái tôi và sự tự mãn có thể nhanh chóng làm suy yếu và làm hỏng tình yêu của bạn cho nhau.
“Mọi thứ tôi làm đều xuất hiện trên truyền thông, dưới ánh đèn sân khấu… Tôi cũng trở thành mục tiêu của những người phụ nữ xảo trá, bạn biết đấy, những người không muốn tôi và vợ tôi hạnh phúc. Họ sẽ nói bất cứ điều gì để bán sách và xuất hiện trên các chương trình truyền hình… Chúng tôi trải qua những vấn đề như bất kỳ cặp vợ chồng nào khác, nhưng tôi nghĩ rằng cuối cùng, tình yêu và sự gắn kết của chúng tôi mạnh mẽ hơn bất kỳ tin đồn ngoại tình nào.” – Ja Rule (ca sĩ, rapper), tháng 10 năm 2013.
Mời bạn đọc phần 4 ở đây.
NARCY NGUYỄN