Review Hawkeye: Một trong hai series hay nhất từ trước đến giờ của Marvel
*Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Bias của mình là Hawkeye vậy nên bài review này có thể hơi không công tâm, tuy nhiên, mình sẽ cố đưa ra lý do cho nhận định vì sao mình cho rằng series Hawkeye lại là series hay nhất đó giờ của MCU nhé.
Chuyện xảy ra chỉ vài ngày trước Giáng Sinh. Hawkeye đang bên đi bên cạnh ba con của mình, xem bộ nhạc kịch về chiến công của các Avengers đầu tiên chống lại binh đoàn ngoài vũ trụ Chitauri (không hiểu vì sao loài người lại cho nhầm Ant Man vào thời điểm này) thì xem tin tức về việc Ronin, phiên bản đen tối của anh chuyên diệt các băng đảng đường phố xuất hiện trở lại ở New York. Người mặc trang phục Ronin ở đây chính là Kate Bishop, một cô bé 22 tuổi, người đã vô tình bắt gặp bạn trai của mẹ mình ở một buổi đấu giá đáng ngờ. Mối dây liên kết giữa 2 người được hé lộ là bắt đầu cũng từ trận chiến ở New York 2012 khi Kate thấy Hawkeye là người thường, chiến đấu với Loki – God of Mischief và kẻ thù ngoài hành tinh với vũ khí là cung và mũi tên. Cô được gợi cảm hứng và theo đuổi bắn cung cùng võ thuật từ đó. Thế là hành trình của hai chú cháu bắt đầu.
Khi xem một bộ phim siêu anh hùng, khán giả sẽ chờ đón một cốt truyện thú vị, kèm theo những màn hành động mãn nhãn. Theo đánh giá của mình, Hawkeye đã làm thỏa mãn hầu hết những mong chờ của khán giả trong cả 2 phương diện này.
Phản ứng hóa học giữa Kate và Hawkeye khá tuyệt. Khi gặp người mình hằng hâm mộ, Kate đã không hóa thành fan cuồng, làm mất đi vẻ cool ngầu của bản thân mà trái lại, cô hành xử một cách bình thường như mentee với mentor: lúc thì trêu chọc “May mà không ai gọi chú là HawkEAR đấy”, lúc cần có mặt là giúp đỡ dù bị Hawkeye chối bỏ thân phận là cộng sự nhưng cô không từ bỏ, trái lại còn sử dụng những khả năng của mình như bắn cung, theo dõi người khác với sự trợ giúp của công nghệ của công ty mẹ mình và võ thuật để theo dõi hỗ trợ Hawkeye. Ở tập 6, cô dường như đã “tốt nghiệp” khóa đào tạo ngắn hạn của Hawkeye khi đánh bại được Kingpin bằng sự nhanh trí cùng với sự trợ giúp của công nghệ những mũi tên trick arrows, chứng tỏ được bản thân mình không chỉ là một sự giúp đỡ mà hoàn toàn có thể là một siêu anh hùng độc lập.
Về cốt truyện, TV series này là hành trình chuộc lại lỗi lầm của Hawkeye khi phải xử lý những rắc rối do bộ suit Ronin gây ra. Kẻ thù cũ là Tracksuits quay lại, đây không phải là một kẻ thù quá mạnh hay quá thú vị nhưng nó giúp giới thiệu nhân vật Echo – Maya Lopez, làm tiền đề cho series Echo sắp tới của MCU. Cái đáng tiếc là nhân vật này chưa chứng tỏ được bản thân mình, ngay cả khi hạ gục ông trùm băng đảng Kingpin (thật ra thì chi tiết này làm fan tiếc nuối hơn vì nhân vật rất khủng của series Daredevil lại bị “giết” một cách lãng xẹt như vậy). Cái hay của cốt truyện là lồng vào nhân vật Yelena và cách cô tìm kiếm sự trả thù với Hawkeye vì tội đã “giết” chị gái cô là Black Widow. Chúng ta có thể thấy ở đây là sự day dứt của Hawkeye khi để “người mình yêu thương nhất” phải ra đi trước mắt mình. Anh đã luôn tự trách bản thân mình vì sao mình lại để Black Widow hy sinh chính mình như vậy, anh muốn mình mới nên là kẻ phải chết đi, mình mới nên là kẻ hi sinh. Có lẽ điều này lý giải vì sao ở tập 6 anh giải thích không ra hồn với Yelena và phải nhờ đến tiếng huýt sáo – điều bí mật giữa Black Widow và Yelena – mới có thể cứu mạng mình chăng? Mình thấy cảnh này Hawkeye giải thích không hay, không hết sức mình và dễ gây hiểu lầm là anh đứng im, không cố gắng hết sức khi Black Widow đánh đổi chính mình để đổi lại Soul Stones. Và vì Yelena người mà khán giả đã có dịp làm quen qua bộ phim Black Widow và tình tiết lồng nhân vật Black Widow là nhân vật mà khán giả đã đồng cảm và yêu thích sâu sắc từ trước vào bộ phim mà show đã đạt được sự thành công như vậy.
Vì sao Hawkeye hay hơn Wandavision? Đó chính là ở cốt truyện, cameo và cái kết. Hai tập đầu của Wandavision quá dài dòng, chưa kể vai cameo của … còn gây hụt hẫng vì không crossover một cách đàng hoàng, để rồi rốt cuộc hóa ra anh chàng chỉ là chồng của hàng xóm Wanda, bỏ ngỏ mất cơ hội hồi sinh Quicksilver bằng một Quicksilver khác ngầu hơn từ X-men/ Ngược lại, vai khách mời của Yelena đóng rất đạt, vừa tăng độ khó cho Hawkeye-Kate khi phải xử lý 2 phe kẻ thù là Yelena và Tracksuits, vừa thử thách Hawkeye phải làm sao để giải quyết mối hận thù của Yelena khi mà giờ đây cô đã nghĩ anh là kẻ giết chị mình là Black Widow. Chemistry giữa Yelena và Kate phải nói là cực nhí nhảnh con đà điểu, cộng thêm cảnh quay sequence đánh lộn giữa các căn phòng khiến khán giả bị hút vào màn hình không thể rời mắt. Về cái kết, dẫu Wanda sẽ xuất hiện trong Doctor Strange in the Multiverse of Madness nhưng khán giả không khỏi tiếc nuối như bị nhiễm sự trầm cảm của Wanda khi giờ đây cô mất đi cả Vision – một nhân vật quan trọng mà khán giả đã có sự kết nối về cảm xúc qua nhiều bộ phim MCU – và cả 2 con trai. Trái ngược hoàn toàn chính là cái kết vô cùng tươi sáng của một bộ phim Giáng Sinh: dù rằng Kate có lẽ chẳng vui vẻ gì khi tống mẹ vào tù nhưng mẹ cô nàng chẳng để lại đủ ấn tượng và kết nối về mặt cảm xúc với chúng ta để mà chúng ta nuối tiếc về bà, tuy nhiên, giờ đây cô đã đủ lông đủ cánh và về nhập hội cùng gia đình Hawkeye.
Vậy, vì sao Hawkeye lại ăn đứt Falcon? Cameo của Falcon là Zemo thì quá đỉnh rồi, vậy nên, lý do thứ nhất chính là ở chủ đề chính của bộ phim: nếu Falcon làm phim hơi có hơi hướm chính trị một chút, hơi khó hiểu với nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng thì Hawkeye là về chủ đề sửa chữa lỗi lầm của mình khi cú búng tay của Thanos diễn ra khiến gia đình anh biến mất, anh phải tìm cách chống chọi với nỗi đau ấy bằng cách biến thành Ronin, đi diệt trừ những tội phạm có tổ chức, dù gì cũng dễ hiểu và dễ liên tưởng đến hơn Falcon nhiều. Lý do thứ hai chính là ở những cảnh hành động. Những cảnh hành động của Falcon xem không hề đã mắt tí nào, trong khi đó, những cảnh đánh tay chân của Hawkeye cũng không quá hay, thế nhưng vì vũ khí của 2 nhân vật chính là cung và mũi tên nên có thể sử dụng trick arrow để làm được rất nhiều thứ. Vậy nên có thể thấy rằng kỹ xảo dễ làm hơn biên kịch ra một cảnh hành động rất nhiều, đó cũng là lý do mà vì sao trong nhiều phim của MCU, các fan vẫn cho rằng Captain America: The Winter Soldier là phim có cảnh hành động tay chân hay nhất (Không tính các phim Avengers vì các phim ấy được đầu tư quá nhiều rồi nên hành động cả tay chân lẫn kỹ xảo đều mãn nhãn). Thêm vào đó, series Hawkeye còn có một câu thoại cực hay của Kate Bishop với Clint Barton: “Chú đã cho cháu thấy rằng việc trở thành anh hùng không chỉ dành cho những ai biết bay hoặc có thể bắn tia laser từ tay họ mà việc đó dành cho bất kỳ ai, những người đủ dũng cảm để làm điều đúng đắn, bất kể cái giá nào.” Câu nói triết lý về siêu anh hùng này hay hơn rất nhiều, mình ước gì ở Falcon – cũng là một siêu anh hùng không có tài năng thể chất quá đặc biệt mà lại phải viện trợ đến công nghệ Vibranium của Wakanda – cũng có một câu nói chất như vậy.
Vì sao Hawkeye hay hơn Loki? Thực ra thì xét khía cạnh nào của Loki cũng thấy dở, cốt truyện chẳng đâu vào đâu, tự nhiên xuất hiện phiên bản nữ của Loki, mà cô ta còn nảy sinh tình cảm với Loki, để rồi phản bội tình cảm ấy để gây ra Đa Vũ Trụ. Đánh nhau thì như mèo cào (chắc do không đủ kinh phí trang trải một action choreographer để những cảnh đánh nhau trở nên hay ho hơn). Điểm sáng duy nhất của phim có lẽ là lúc Loki điều tra ra được một cách đầy thông minh đó chính là nếu bạn muốn gây rối thì bạn sẽ có mặt ở những sự kiện khải huyền vì sau đó mọi thứ sẽ đến ngày tận thế và những gì bạn làm sẽ bị xóa sạch dấu vết, phần còn lại của bộ phim khá lê thê, dù mới mẻ nhưng không gây được sự hứng thú với người xem.
Còn về What If, khó mà so sánh được giữa một series hoạt hình khiến người xem chờ mong từng tập vì mỗi tập là một câu truyện khác nhau và một series 6 tập về một chủ đề như Hawkeye. Mình cũng khá thích What If và trông chờ vào phần 2, những tập mình thấy hay nhất chính là tập Zombie và tập cuối phần 1 khi các Avengers cùng tập hợp. What If và Hawkeye chính là hai series hay nhất đó giờ mà mình thấy được của MCU.
Tóm lại, với những pha hành động mãn nhãn và một cốt truyện đủ thú vị, khán giả hoàn toàn bị thuyết phục bởi series Hawkeye. Hơn nữa, anh, với sự giúp đỡ từ Kate, đã hoàn thành nhiệm vụ chuộc lại lỗi lầm của mình và kịp trở về với gia đình vào dịp Giáng Sinh – điều mà chúng ta hằng mong đợi. Cái kết khá viên mãn ấy hoàn toàn thuyết phục mình rằng Hawkeye là series hay nhất đó giờ trên Disney Plus và có thêm niềm tin vào nhiều series sau đó nữa của MCU.
Mời bạn đọc những bài review phim khác của mình.
Be Real in a Fake World,
Narcy Nguyễn.