Những người làm trong giới giải trí và các nhà sáng tạo nội dung “nợ” khán giả một sản phẩm hay. Nhưng sẽ thế nào khi trên con đường tạo ra một tác phẩm hay, họ gặp khủng hoảng truyền thông, hay còn được gọi với một cái tên gần gũi và ngắn gọn hơn là “phốt”?
Gần đây, gần đến mức sát rạt chính là rất nhiều luồng thông tin tiêu cực về chương trình “Anh Trai Say Hi” và MC Khánh Vy. Bài viết này sẽ đánh giá cách xử lý khủng hoảng truyền thông của hai thương hiệu này, với phần đầu là 5 bài học từ cuốn sách “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông”, và nếu bạn đọc mất kiên nhẫn, hãy kéo xuống ngay phần Ứng dụng cho cá nhân và doanh nghiệp để đọc phần tôi đánh giá việc Anh Trai Say Hi và Khánh Vy xử lý khủng hoảng.
I. 5 bài học xương tủy đến từ sách “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông”
“Ngọn nguồn của mọi cơn khủng hoảng đều bắt đầu từ chính những vấn đề phát sinh trong quá trình quản trị doanh nghiệp”- Đây chính là câu “đinh” của sách, và một trong những điều quan trọng được nhắc đến đầu tiên chính là Hiệu ứng đám đông, thuộc phần 1: Cốt lõi của khủng hoảng.
Tất cả ngôn từ trong phần I đều được lấy từ cuốn “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông.” [1]
1. Hiệu ứng đám đông
Theo nhà tâm lý học xã hội Gustave Le Bon, trong một đám đông, các cá nhân thường mất đi tính cá nhân và trở nên dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tâm trạng và hành vi của nhóm. Trong môi trường truyền thông đại chúng, đám đông thường được hình thành thông qua sự lan truyền nhanh chóng của thông điệp và ý kiến trên các nền tảng mạng xã hội.
Trong một tình huống khủng hoảng truyền thông, đám đông có thể trở nên bối rối và không ổn định. Họ dường như trở thành một “bầy cừu” (đọc đến đây, tôi không khỏi bật cười khi nhớ đến tựa sách “Bầy cừu xuất chúng” của William Deresiewicz) mang theo cảm xúc bất an, dễ bị thất vọng, tổn thương bởi những thông tin tiêu cực về thương hiệu mà họ tin tưởng. Lúc này, đám đông có xu hướng tìm kiếm bất cứ thông tin nào để giải quyết sự không chắc chắn và nghi ngại của bản thân.
Người thao túng, hay còn gọi là “người dẫn dắt bầy cừu” – là những người rất giỏi về tâm lý. Họ hiểu đám đông đang suy nghĩ gì, định kiến của đám đông như thế nào, mình nên cung cấp những thông tin, kiểu sự thật nào để có thể tác động tới tâm lý của nhóm đám đông, từ đó lôi kéo, thúc đẩy tạo ra những hành động hoặc cùng tham gia, lan tỏa thông điệp mong muốn để tiếp tục gây ảnh hưởng đến nhóm công chúng rộng hơn. Những đàn cừu thường rất đông, nhưng chỉ cần có một người dẫn dắt thì chúng sẽ đi theo một hướng. Những người có ảnh hưởng, có tiếng nói sẽ được lôi kéo đầu tiên (các KOL) và cứ thế dẫn dắt, tạo nên một đám đông vô cùng lớn luôn tin tưởng vào những gì mà “người chăn cừu” đưa ra.
4 kỹ năng thao túng đám đông được nhắc đến trong sách: Gợi sự tò mò; tạo ra cảm xúc mãnh liệt; đánh vào lợi ích hoặc lòng tự tôn của đám đông; dùng trí tuệ, khả năng dẫn dắt và diễn thuyết khiến đám đông ủng hộ.
2. Khoảng trống thông tin
Tất cả những gì chúng ta, hay nói cụ thể hơn là công chúng, chưa biết tới được gọi là khoảng trống thông tin.
Đúng như câu trích dẫn đầu chương: “Một nửa sự thật không phải là sự thật”, chỉ một phát ngôn sai lầm từ người đại diện, như gần đây, chúng ta thấy là chỉ một chiếc ảnh chụp màn hình từ Hoàng Thùy cũng đủ để Thanh hằng lôi pháp lý vào cuộc. Công chúng vốn chỉ chấp nhận những gì mà họ nhìn thấy, dễ dàng liên hệ tới những hiểu biết cố hữu trong tâm trí. Đây chính là cơ hội để những khoảng trống thông tin, những tin tức mơ hồ, thậm chí là sai lệch có cơ hội phát triển. Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không thể là sự thật. Khi có quá nhiều điều công chúng không thể nắm rõ, sự thật sẽ trở nên méo mó. […]
Với nhiều trường hợp, thực chất thông tin có thể rõ ràng nhưng lại không vượt qua được định kiến – tấm lưới cố hữu trong nền văn hóa chung. […] Lợi dụng điều này, chỉ cần một thông tin bị sai lệch có thể khiến công chúng tiếp nhận một cách sai lệch toàn bộ sự việc. Lúc này, cơn cuồng nộ giận dữ của công chúng sẽ trở nên rất khủng khiếp.
3. Quản trị khủng hoảng
Quản trị khủng hoảng không bao giờ là che giấu thông tin, cũng không phải bịt miệng báo chí, tìm cách gỡ bài hay mua chuộc để báo chí viết sai sự thật. Đây là nguyên tắc đầu tiên.
Với định nghĩa của tác giả Lê Quốc Vinh, quản trị khủng hoảng là chuỗi hành động có kế hoạch với trách nhiệm cao nhằm kiểm soát, giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng, bảo vệ danh dự, uy tín, hình ảnh của thương hiệu, doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân.
Kế hoạch trong hoạt động xử lý khủng hoảng truyền thông không phải là một kế hoạch cứng nhắc, bởi sẽ xảy ra rất nhiều tình huống đột ngột xuất hiện, làm thay đổi kế hoạch ban đầu. Đó là lý do tác giả Lê Quốc Vinh nói mục đích thực sự của quá trình quản trị khủng hoảng không phải để che giấu thông tin tiêu cực mà để tìm kiếm sự thấu hiểu, thông cảm, ủng hộ, thậm chí là hỗ trợ quá trình tái tạo lại niềm tin đối với thương hiệu.Thông tin tiêu cực không được giải tỏa sẽ không mất đi, mà âm thầm tồn tại trên truyền thông và sẵn sàng bùng nổ mỗi khi sự thật lại được khui ra. Vậy nên chúng ta cần thực hiện một loạt hành động để thay đổi quan điểm tiêu cực của công chúng.
4. Quan hệ báo chí trong khủng hoảng
Thay vì để các cơ quan báo chí tự do đăng tải thông tin theo quan điểm của họ, ông tổ ngành PR Ivy Lee cho rằng tiếng nói chính thức phải đến từ doanh nghiệp. Vì vậy, ông đã soạn thảo thông báo – được coi là thông cáo báo chí đầu tiên trên thế giới – gửi đến các cơ quan báo chí. Một tờ báo đã xuất bản thông cáo này chỉ hai ngày sau tai nạn. Điều này được xem là một động thái quan trọng, cho thấy công ty đã chủ động cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về vấn đề đang xảy ra. Hơn nựa, Ivy Lee cũng yêu cầu công ty đường sắt tổ chức một chuyến tàu đặc biệt đưa các nhà báo đến trực tiếp hiện trường tai nạn. Điều này nhằm mục đích minh bạch hóa mọi chi tiết của sự việc và thể hiện vai trò tích cực của công ty trong việc xử lý tình hình khẩn cấp.
Ngược lại với cách tiếp cận này, nhiều doanh nghiệp tại Việt nam có xu hướng ngăn chặn sự tiếp xúc của báo chí khi họ đối mặt với thông tin tiêu cực hoặc sự kiện không mong muốn. Khi công nghệ chưa phát triển, việc cha dấu thông tin có thể thực hiện một cách dễ dàng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mọi thứ có thể được công khai không chỉ từ các cơ quan báo chí mà chủ yếu là trên mạng xã hội. Điều tác giả thường nhắc đến xuyên suốt cuốn sách và mối quan hệ giữa báo chí và các tổ chức trong các tình huống khủng hoảng phải là một mối quan hệ chủ động, minh bạch và có tính tương tác.
1. Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và công chúng
2. Doanh nghiệp cần cung cấp bằng chứng cụ thể và minh bạch để chứng minh họ đang thực hiện các biện pháp hợp lý và đáng tin cậy để giải quyết vấn đề.
3. Trong các trường hợp nghiêm trọng, tổ chức các buổi họp báo có thể là một cách hiệu quả để truyền đạt thông tin và giải thích tình hình cho báo chí và công chúng.
4. Nếu có khả năng, doanh nghiệp nên cung cấp các biện pháp cứu chữa và sửa đổi sản phẩm hoặc dịch vụ để giảm thiểu thiệt hại, khôi phục lòng tin từ phía khách hàng và công chúng.
5. Doanh nghiệp nên có một kế hoạch và chiến lược cụ thể để đối phó với các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng truyền thông, bao gồm việc xây dựng và huấn luyện đội ngũ PR chuyên nghiệp.
5. Kênh khẩn nguy (emergency channel)
Team của anh Lê Quốc Vinh nhận ra rằng các thương hiệu, đặc biệt trong những tình huống khủng hoảng lớn, cần một kênh truyền thông minh bạch để tổng hợp và trình bày thông tin một cách rõ ràng. Qua đó, người quan tâm có cái nhìn thấu đáo và theo dõi quá trình giải quyết vấn đề theo trình tự thời gian và mức độ ưu tiên. Kênh truyền thông này là kênh khẩn nguy (emergency channel) – một kênh truyền thông mà chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn thông tin được đưa ra. Kênh này phải bảo đảm tính minh bạch, không chỉ đăng tải thông tin từ doanh nghiệp mà còn chia sẻ các thông tin và quan điểm từ các nguồn truyền thông khác, đặc biệt là những gì đang được báo chí nói tới. Khi phải đối diện với một tình huống khủng hoảng mà nguyên nhân đến từ lỗi của mình, việc khắc phục lỗi lầm và đền bù thỏa đáng cho khách hàng, các đối tượng liên quan là điều chúng ta mong muốn công bố trên kênh thông tin của mình. Nếu doanh nghiệp bị vu khống hay bôi xấu, chúng ta cũng sẽ cung cấp thông tin trên kênh này để chứng minh sự vô tội của mình, giảm thiểu trách nhiệm của mình đối với vụ việc được đưa ra công luận. Ngoài ra, chúng ta cũng sử dụng nội dung trên kênh khẩn nguy này để seeding thông tin lên các diễn đàn hoặc những nơi đang thảo luận về vấn đề của doanh nghiệp.
Năm nguyên tắc vận hành kênh khẩn nguy hiệu quả
1. Kênh phải được xây dựng từ trước khi có khủng hoảng.
2. Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin đính chính hoặc lời xin lỗi.
3. Hãy cố gắng cung cấp một cái nhìn tổng quan đầy đủ về tình hình
4. Chia sẻ thông tin tích cực từ cơ quan ngôn luận và các chuyên gia uy tín
4. Yếu tố quan trọng là sự minh bạch trong quá trình điều tra.
Hãy cùng tôi ứng dụng những bài học này qua việc phân tích các case study của tổ chức và cá nhân.
II. Các tổ chức và cá nhân hiện xử lý khủng hoảng truyền thông như thế nào?
1. Anh Trai Say Hi: View cao nhưng quá nhiều dấu chấm hỏi
Tôi cho rằng việc một chương trình lớn như thế này do đài HTV2 – Vie Channel tổ chức nhưng vướng hẳn 3 khủng hoảng là một sự thiếu chuyên nghiệp của chương trình. Hãy bắt đầu với cái “phốt” đầu tiên:
a. Thiếu bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa.
Về hiệu ứng đám đông: Tôi đánh giá đám đông ở Việt Nam là một đám đông không hề dễ tính, vậy nên những điều cực kỳ nhạy cảm như thiếu bản đồ Hoàng Sa – Trường Sa không dễ dàng gì tránh khỏi sự soi xét của dư luận, nhất là khi một bộ phim lớn: Barbie, đã bị cấm chiếu ở Việt Nam vì hình ảnh “đường lưỡi bò”, dẫu đại diện hãng phim Warner Bros. đã lên tiếng [2]: “Bản đồ trong Barbie Land là một bức vẽ bút chì kiểu trẻ con. Những nét vẽ nguệch ngoạc mô tả hành trình giả tưởng của Barbie từ Barbie Land đến ‘thế giới thực’. Nó không có ý định đưa ra bất kỳ loại tuyên bố nào”.
Về khoảng trống thông tin: Chỉ cần một thông tin bị sai lệch có thể khiến công chúng tiếp nhận một cách sai lệch toàn bộ sự việc. Lúc này, cơn cuồng nộ giận dữ của công chúng sẽ trở nên rất khủng khiếp vì nó đánh vào lòng tự tôn dân tộc.
Về cách quản trị khủng hoảng và quan hệ báo chí: HTV đã gỡ bỏ đoạn clip có chứa quả địa cầu ngay lập tức và đã đưa thông báo cáo chí – một việc hết sức cần thiết, làm rõ hơn về đoạn clip hình ảnh quả địa cầu đến khu vực Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như sau:
“Hình ảnh quả địa cầu trong video chỉ mang tính biểu tượng 3D nhằm thể hiện ý tưởng của đội ngũ sản xuất chương trình. Hình ảnh quả cầu 3D thể hiện đầy đủ phần đất liền, đại dương, đảo, mây và không thể hiện ranh giới hành chính của các quốc gia, vùng, lãnh thổ. Biểu tượng này không thể hiện đầy đủ thuộc tính của bản đồ vì không thể hiện rõ ranh giới hành chính các quốc gia, vùng, lãnh thổ. Việc thông tin cho rằng hình ảnh quả địa cầu (mô hình 3 chiều mô phỏng Trái đất) là bản đồ là chưa chính xác. Việc một số trang web chụp lại một khung hình (frame) và đưa thông tin như đã nêu có tính cưỡng ép, khiến người xem ngộ nhận cho rằng đây là bản đồ Việt Nam không thể hiện có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các thông tin nêu trên được lan truyền trên mạng là không chính xác, đã ảnh hưởng đến uy tín của Đài Truyền hình TP.HCM và gây ra dư luận tiêu cực về tuyên truyền chủ quyền quốc giaViệt Nam.
Với tinh thần cầu thị, Đài Truyền hình TP.HCM chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp tích cực của khán giả và đã nghiêm túc làm việc với ê kíp sản xuất, rút kinh nghiệm để tránh những sự ngộ nhận và hiểu lầm như trên trong những chương trình tiếp theo.
Đài Truyền hình TP.HCM đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, có các biện pháp ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch và các cơ quan thông tấn báo chí không cổ xúy các thông tin cưỡng ép và tiếp tục ủng hộ các chương trình Việt Nam”.”
Tôi đánh giá cách quản trị khủng hoảng này chưa thực sự cầu thị như những gì đài nói. Nếu thực sự muốn thể hiện sự cầu thị, đài sẽ có một động thái là thêm cả hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa vào những clip 3D miêu tả sau này để tránh mọi sự soi xét của dư luận.
Về kênh khẩn nguy, khái niệm này còn quá mới vì khi tôi gõ từ khóa “Anh trai say hi” trong trang web https://www.htv.com.vn/ chỉ ra được 2 bài, một là Anh trai “Say Hi” – Cuộc đua âm nhạc của 30 nam nghệ sĩ và hai là 30 nam thần hội tụ tại Anh trai “Say Hi“, đương nhiên không hề nhắc đến bất cứ vụ việc nào đang gây tranh cãi của chương trình.
b. Vấn đề bản quyền:
Kênh 14 [3] nhận định: “Việc Anh Trai Say Hi cũng áp dụng hình thức đấu giá để chọn bài hát bị một bộ phận cư dân mạng chỉ trích là không sáng tạo, “nhái” lại format đã làm nên thương hiệu của Call Me By Fire.”
Theo Báo Lao Động [4], khi một khán giả nói rằng chương trình anh góp mặt giống “Anh trai say hi”, Duy Nhất phản hồi: “Bên em là mua lại bản quyền của Trung Quốc, còn bên kia là bắt chước làm theo”. Bình luận thẳng thắn của võ sư Duy Nhất gây tranh cãi, bởi hai chương trình đang đối đầu trực diện, có nhiều điểm tương đồng từ nội dung đến tên gọi. ”
Về vấn đề xử lý vấn đề bản quyền, tôi đánh giá đội ngũ Anh Trai Say Hi xử lý chưa ổn và có thể dẫn đến kiện tụng pháp lý. Về nội dung chương trình, Anh Trai Say Hi làm quá tốt, tuy nhiên, về những rào cản pháp lý và cả vấn đề bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa, Anh Trai Say Hi đã không lường trước được vấn đề, dẫu rằng chuyện bản quyền là câu chuyện cốt lõi, đáng lẽ ra phải giải quyết ngay từ khi bắt đầu khởi dựng chương trình, nếu chương trình Đạp Gió Rẽ Sóng phiên bản nam làm căng thì hoàn toàn có thể đi kiện Anh Trai Say Hi, chương trình đang dẫn đầu về lượt view so với Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Nước đi này của Anh Trai Say Hi là đang tự làm khó mình, thiếu sự quyết đoán để giải quyết tận gốc vấn đề.
c. Về đạo nhái vũ đạo
Thiết nghĩ đội ngũ chương trình Anh Trai Say Hi nên thiết lập lại quan hệ với báo chí vì dính nhiều phốt quá và các báo đưa tin không thương tiếc một chút nào.
Về vấn đề sự nguyên bản trong nghệ thuật, anh Lucas Luân Nguyễn đã nói rất hay trong video này, mời bạn theo dõi. Bây giờ, hãy quay lại với Anh Trai Say Hi và việc bị tố đạo nhái vũ đạo.
Báo Lao Động đưa tin “Anh trai say hi” liên tục bị tố đạo nhái.
Dẫu rằng trong bài trình bày đầu tiên, Sóng Vỗ Vỡ Bờ, tôi thấy hoàn toàn có thể để một dòng “Được truyền cảm hứng từ “Chú cá voi hóa thân của hòn đảo cô độc” trong “Sáng tạo doanh” (Trung Quốc) năm 2021” chứ thực sự cũng không quá đạo nhái 100%, học hỏi 20% thì hợp lý hơn.
Tôi sẽ để link ở đây để các bạn tự nhận định.
Về bài trình diễn thứ hai, tôi cho rằng ngoài động tác ngả người ra thì vẫn có những điểm mới trong bài trình diễn Nỗi Đau Ngây Dại so với “Shangri-La” của nhóm The Boyz trình diễn trong show “Road to Kingdom”, vậy nên nói “đạo nhái” là hơi nặng lời. Đương nhiên, một câu “Được truyền cảm hứng từ…” sẽ cứu tất cả, điều mà đội ngũ Anh Trai Say Hi đang cố tiết kiệm.
Mọi người xem thử nhé:
Về bài trình diễn Don’t Care được so sánh với Love Shot của EXO thì thực sự với đôi mắt cận nặng của tôi thì trong Don’t Care, các anh trai đưa hông trái – phải, còn nhóm EXO đưa hông trước – sau. Vũ đạo đưa tay của hai màn trình diễn cũng khác.
Mời mọi người thẩm định xem sao:
Lan Nhi, biên đạo của 2 bài trình diễn bị đem lên bàn cân, đặt dấu chấm hỏi “Nỗi đau ngây dại” và “Don’t Care” còn “được” Kênh 14 cho hẳn một bài mang tựa đề: Biên đạo chính của Anh Trai Say Hi bị “réo tên” vì sao chép vũ đạo, hoá ra đã nhiều lần “dính phốt”?
Báo Tiền Phong [5] còn trích một ý kiến của khán giả rằng “Bài hát hay, ê-kíp, biên đạo có thể tạo ra concept thuần Việt, tại sao luôn tạo tranh cãi như vậy.”
Có 3 lý do cho việc tranh cãi:
– Vì tranh cãi tạo ra view, và với giới truyền thông, view là tiền.
Theo báo Lao Động [6], “tối 29.6, “Anh trai say hi” lên sóng tập 3 trong khi đó “Anh trai vượt ngàn chông gai” lên sóng tập 1.
Cả hai chương trình đều phát trên kênh YouTube sau 30 phút so với Đài truyền hình. Và trong thời gian phát sóng trên YouTube, số lượt xem hai chương trình có sự chênh lệch nhau khá lớn.
“Anh trai say hi” có lượt xem trực tiếp là hơn 200 nghìn người, “Anh trai vượt ngàn chông gai” là hơn 20 nghìn người. Như vậy, “Anh trai say hi” gấp gần 10 lần lượt xem so với “Anh trai vượt ngàn chông gai” trên YouTube.”
Còn sau đây là số liệu đến ngày 22/7/2024 trên kênh Youtube của hai chương trình do tôi tự tổng hợp.
Lượt view hiện tại của hai chương trình
– Vì khán giả Việt khó tính.
– Vì giới hạn về nguồn lực thời gian, tiền bạc. (Riêng cái “cớ” này nếu nói ra là sẽ gây tranh cãi ngay, vì đây là show của Vie Channel mà.)
Đây cũng là bài học dành cho các show sau: Đừng tiếc một câu “Được truyền cảm hứng từ…” mà vướng nghi vấn đạo nhái. Học hỏi thì nói mình học hỏi, khán giả còn thương, chứ học hỏi mà xưng là nguyên bản thì thôi, không ai thương đâu ạ.
d. Kết luận:
Vì trực tiếp đối đầu và hiện tại đang vượt view của “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai”, Anh Trai Say Hi mắc phải ba nghi vấn trên là một sai lầm rất rất không nên của đội ngũ chương trình vì hoàn toàn có thể bị đối thủ chơi xấu bất kỳ lúc nào. Với nguồn ngân sách dư dả, Anh Trai Say Hi nên rút kinh nghiệm và làm chương trình một cách chuẩn chỉnh, đi lên từ chất lượng dàn sao hot Gen Z thay vì dùng những chiêu bài không sạch để tạo hiệu ứng truyền thông vì như vậy sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ đến uy tín của nhà đài mà còn của MC Trấn Thành và của dàn sao hot, đứng đầu là HIEUTHUHAI.
2. Khánh Vy: Khi chính sự thảo mai giúp MC 7 thứ tiếng lật ngược tình thế khi bị nói rằng dẫn show quá thảo mai
a. Khi cô nàng dẫn podcast chưa được hay
– Ơ?
– Ơ?
– Hai bác của tôi, mời hai bác tới nhà chơi! Mời hai bác ngồi!
– Ủa đáng lẽ đây là chỗ bọn anh hẹn hò, tại sao lại có em ở đây nhờ?
– Em là bóng đèn ớ, để thắp sáng cho các anh hẹn hò nè!
– Ấy cha….
Đó là 14 giây đầu của Podcast TÀI-THẬT-THÁCH: Kiên Ứng & Kay Trần do Khánh Vy host, và khán giả cũng phải “Ấy cha…” theo vì quá cringe.
Ở dưới comment là loạt chỉ trích cách Khánh Vy quá thảo mai, không khai thác được khách mời và ngầm đặt cô MC 7 thứ tiếng lên bàn cân khi nói rằng “Ước gì chị Thùy Minh bên Vietcetera bốc 2 ông này về làm 2 tập podcast. Thích vibe của 2 ổng quá chừng” và “Xin đề cử anh Dustin Phúc Nguyễn dẫn host cho series kiểu này mùa sau, ở anh có sự sâu sắc, nắm bắt tình thần khách mời, vui vẻ vừa đủ, cũng rất am hiểu nghệ thuật nữa.” Nói chung, Khánh Vy làm host podcast chưa ổn, nhưng cô nàng cũng chỉ mới 25 tuổi (sinh năm 1999), nổi tiếng được 8 năm, còn Dustin Phúc Nguyễn sinh năm 1988, nổi tiếng từ khi là quán quân VJ Camp năm 2012 (tức 12 năm trước) và chị Thùy Minh, sinh năm 1983 với 23 năm trong nghề báo chí và truyền thông.
Lương thiện và công bằng mà nói thì đòi hỏi việc Vy lành nghề cũng giống như viết một bài báo về vai diễn debut của diễn viên A và nói rằng A diễn quá gượng gạo. Tuy nhiên, như đầu bài tôi đã nói, những người trong ngành giải trí đều “nợ” khán giả một màn trình diễn hay. Khánh Vy cũng không ngoại lệ, làm không tốt đều sẽ bị nói, bất kể lứa tuổi, năm vào nghề, sự nổi tiếng, bất kể thứ gì.
Về hiệu ứng đám đông, riêng tập podcast này đã tạo nên từ khóa “Khánh Vy thảo mai” trên Google và thu hút được hơn 125 nghìn lượt xem. Các “người chăn cừu” đều đã nhận về vô số lượt like trong những comment chia sẻ quan điểm chê Vy, một trong những bình luận được nhiều lượt like nhất là: “Khánh Vy chưa đủ trưởng thành và trải nghiệm để có thể đi sâu vào tâm tư của những người nghệ sĩ này. Cách dẫn chuyện, đặt câu hỏi khá nông, chưa đủ sâu, chưa biết tạo mảng miếng với 2 anh. Nghe giọng Kiên Ứng với Kay ấm áp và dễ chịu hơn. Cố lên KV, không có áp lực không tạo kim cương.”
Ngoài ra, về việc nổi lên từ chuyện làm MC 7 thứ tiếng, Khánh Vy cũng đã thu hút được một lượng lớn sự chú ý từ cộng đồng. Với kinh nghiệm cá nhân của tôi, sự chú ý này mang rất nhiều lòng ganh ghét, chỉ chực chờ một sơ hở của Vy là mọi thứ sẽ bùng nổ. Và sơ hở ấy bùng nổ trong Podcast TÀI-THẬT-THÁCH: Kiên Ứng & Kay Trần “BÓC CHUYỆN” trong nhóm với Cường Seven, SOOBIN.
Về khoảng trống thông tin, trong phần bình luận của Podcast trên cũng đã lấp đầy được một phần rằng Khánh Vy không quá chỉ phù hợp với các chương trình mang tính học thuật cao, còn các chương trình giải trí sẽ không phải là điểm mạnh của cô nàng.
b. Khi khả năng tiếng Anh của Khánh Vy bị cư dân mạng tiện thể soi mói
Chưa êm ấm được lâu thì 3 ngày sau khi Yeah1 đăng podcast, ngày 11/7/2024, Kênh 14 tiếp tục lên bài: Khánh Vy chính thức lên tiếng giữa bão công kích vụ “level up” khả năng tiếng Anh, nói gì mà lật ngược luôn tình thế?
Tóm gọn sự việc là 2 bức hình sau:
Khán giả nói Vy thảo mai, nhưng đây chính là cách sự thảo mai đã cứu Vy, bởi, không phải ai cũng đủ bình tĩnh để cảm ơn người đang “công kích” mình đâu ạ. Đấy là suy nghĩ của tôi cho đến khi đọc tiếp những lời Vy bày tỏ [6]:
“Có 3 điều giúp tôi học cách trân trọng trọng những giá trị do mình tạo ra.
Điều đầu tiên, tôi luôn cố gắng nhìn vào điểm tốt của người khác. Điều thứ hai, tôi luôn có những mục tiêu trong cuộc sống. Điều thứ ba, đó là tôi thường hay chụp lại những khoảnh khắc diễn ra mỗi ngày. Việc luôn nhìn lại bản thân mình của hiện tại và quá khứ giúp tôi nhìn ra những bước tiến mình đã tạo ra, đồng thời trân quý những nỗ lực mình đã đi qua trong đời”, Khánh Vy bày tỏ.
Điều làm tôi ấn tượng chính là lời khuyên thứ hai nơi Vy nói rằng những mục tiêu trong cuộc sống phải lớn hơn cả những điều người khác nói với Vy. Quả là một lời khuyên đáng lưu tâm, cảm ơn Vy.
Có lẽ tôi nên học tập Vy, lịch sự với tất cả mọi người, bớt gào mồm lên khi các hater gầm rú trong comment Youtube, Facebook và Spiderum.
Về quản trị khủng hoảng, giống như cách Vy trả lời Threads trên, cách cô nàng phản hồi những lời góp ý và cả công kích về mình đều rất lịch sự và cầu tiến.
Phản hồi dưới Podcast của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai của cô nàng như sau:
Khán giả cũng bắt gặp điều tương tự dưới video của Nọong:
Về quan hệ báo chí thì ngay cả kênh có khả năng định hướng giới trẻ – Kênh 14 cũng đã lên chuỗi bài về Khánh Vy, đứng đầu hashtag mang tên cô chính là bài viết Nhìn thẳng vào cơn thịnh nộ trút lên Khánh Vy và việc ghét một ai đó.
Bài viết top 1 SEO cho từ khóa “Khánh Vy thảo mai” trên Google là bài “”Hot girl VTV nói 7 thứ tiếng” Khánh Vy: Tôi nhiều lần bị nhận xét thảo mai” của Cafebiz, với lời đề từ: “Tôi có tính hồ hởi, phấn khởi, gặp ai cũng thích làm quen và làm hài lòng mọi người khiến mọi người cảm thấy không thoải mái và thấy mình không thật”, Khánh Vy kể.” Trả lời câu hỏi “Có bao giờ Vy bị nhận xét thảo mai không?”, Vy chia sẻ: “Có rất nhiều lần như thế, tôi có tính hồ hởi, phấn khởi, gặp ai cũng thích làm quen và làm hài lòng mọi người khiến mọi người cảm thấy không thoải mái và thấy mình không thật. Đương nhiên sau khi biết như thế mình cũng tiết chế lại, dung hòa những mối quan hệ.
Dù mình đối xử với người khác thế nào thì quan trọng vẫn là điều mình thực sự suy nghĩ trong lòng về họ. Vì suy nghĩ đó sẽ tỏa ra năng lượng mà lâu dài thì họ sẽ cảm nhận được năng lượng đó. Mình cứ sống chân thành thì các mối quan hệ cũng sẽ phát triển, êm đẹp hơn.”
Người dẫn chương trình của VTV có khác, rất khéo léo, có quan hệ tốt với báo chí. Tôi nói điều này ra không phải là để mỉa mai, vì những bài về Khánh Vy trên báo đài, nhất là Kênh 14, đều có khen và chê, cho người đọc cảm giác “thật”, cũng là điều quan trọng nhất khi đối diện với khủng hoảng truyền thông: sự minh bạch.
Về kênh khẩn nguy, khi xem những bài viết trên Facebook Khánh Vy chính chủ, không có những bài viết gây tranh cãi về cô. Đây là cách truyền thống khi quản trị danh tiếng – tốt khoe xấu che, nhưng khi có chuyện xấu, cô đều để lại ấn tượng tốt bằng những comment thể hiện sự cầu thị. Tôi đánh giá điều này là tốt lắm rồi. Còn về sự cần thiết của kênh khẩn nguy thì nó rất tốt, nhưng nó khá mới – đây là một trong những điểm mạnh của cuốn sách “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông.”
Vậy, những điểm mạnh còn lại là gì?
III. Điểm cộng và trừ của sách
Điểm cộng:
Về cảm nhận chung thì sách đọc rất đã, cho người đọc cảm giác thỏa mãn khi mua, xứng đáng với số tiền bỏ ra (290.000 VND, sách có voucher trên Shopee). Cuốn sách gây chú ý ngay từ đoạn đầu tiên dẫu phần đầu thường là phần chán nhất, khiến tôi highlight đến hết mực cây bút dạ quang và dùng hết cả bộ giấy đánh dấu, vậy nên cuốn sách này sẽ theo tôi mãi mãi chứ không bao giờ có thể đem bán ở hàng sách cũ nữa (vì việc highlight sẽ làm “giảm” giá thành sách bán được – trích lời chủ tiệm sách cũ.) Tiếp theo, bìa sách in chìm những câu nói và làm từ một chất liệu gì đấy cho phép người đọc có thể lau đi những chất bẩn để giữ màu trắng của sách còn trinh nguyên. Thứ ba, sách thiết kế quá đẹp, không hổ danh cho câu “RIO Book là đơn vị xuất bản tiên phong ứng dụng thiết kế trong trải nghiệm đọc. Thứ tư, giấy dày, quá xịn. Thứ năm, sách được biên tập chỉn chu, không có lấy một lỗi chính tả. Thứ sáu, bố cục hợp lý, đẹp mắt từ câu trích dẫn mỗi chương, hashtag. Thứ bảy (vì tôi là fan Harry Potter), những hình ảnh minh họa đẹp đến lặng người và những sơ đồ tưởng là đơn giản nhưng sự tối giản chưa bao giờ là dễ dàng của sách đem lại một trải nghiệm tuyệt vời cho độc giả.
Có lẽ đọc đến đây bạn đọc sẽ gọi tôi là “Rio Book con” nhưng thật sự là tôi tự bỏ tiền túi mua sách. Để công bằng, tôi sẽ nêu điểm trừ của cuốn sách này cho độc giả tham khảo, có khen có chê nó mới công bằng đúng không?
Điểm trừ:
Điểm trừ duy nhất của sách chính là Rio không liên hệ tôi để order một chiếc review. Nhưng thôi không sao, tôi vẫn viết, vì sách quá đỉnh.
Đùa một chút thôi! (Nhưng là thật đấy!)
Kết luận
Từ những tình huống khủng hoảng truyền thông mà chương trình “Anh Trai Say Hi” và MC Khánh Vy đã trải qua, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý giá về cách xử lý khủng hoảng truyền thông cho cá nhân và doanh nghiệp, đó là thông qua năm bài học mà tôi đã trích sách “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông”. Thật ra còn rất nhiều bài học trúng insight như là “Sự sụp đổ của niềm tin từ công chúng”, nhưng để bài viết này không biến thành 10.000 từ, tôi sẽ chỉ trích dẫn đủ để các bạn tò mò và mua sách đọc (như tôi đã làm và viết nên một chiếc article toàn khen như thế này.)
Về khủng hoảng truyền thông, tôi nhận ra rằng, ai rồi cũng sẽ gặp “phốt” thôi, chỉ không biết là khi nào. Tuy nhiên, nếu đọc sách (và học có chọn lọc từ cách trả lời của Khánh Vy, người tôi chọn viết sau “Anh Trai Say Hi” vì mong muốn bài viết này sẽ đem lại cảm giác dễ chịu hơn cho người đọc), tôi nghĩ bạn sẽ chuyển đổi được cả những người ghen ghét thành những thần dân ủng hộ thương hiệu.
Chúc bạn có một trải nghiệm đọc thật vui như tôi đã từng!
PHỤ LỤC THAM KHẢO
[1] Le, Vinh. Khủng Hoảng Không Bắt Đầu Từ Truyền Thông. Rio Book, Nhà Xuất Bản Dân Trí.
[2] Chi, Thanh. “Warner Bros. Giải Thích về Bản đồ Khiến “Barbie” Bị Cấm Chiếu ở Việt Nam.” Thanhnien.vn, https://thanhnien.vn, 7 July 2023, thanhnien.vn/warner-bros-giai-thich-ve-ban-do-khien-barbie-bi-cam-chieu-o-viet-nam-185230707115707002.htm. Accessed 23 July 2024.
[3] Thu, Trung. “Anh Trai Say Hi Bị Tố “Xào Nấu” Từng Ly Từng Tí Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai.” Kenh14.Vn, https://kenh14.vn, July 2024, kenh14.vn/anh-trai-say-hi-bi-to-xao-nau-tung-ly-tung-ti-anh-trai-vuot-ngan-chong-gai-20240630193423882.chn. Accessed 23 July 2024.
[4] Trang, Thùy. “Nhịp Showbiz: Một “Anh Tài” Công Khai Hạ Bệ Đối Thủ “Anh Trai Say Hi.”” Laodong.vn, Báo Lao Động, 2 July 2024, laodong.vn/giai-tri/nhip-showbiz-mot-anh-tai-cong-khai-ha-be-doi-thu-anh-trai-say-hi-1360880.ldo. Accessed 23 July 2024.
[5] Lạc, Gia. “Tranh Cãi Đạo Nhái, Thứ Hạng ở Show Anh Trai.” Báo Điện Tử Tiền Phong, Báo điện tử Tiền Phong, 23 June 2024, tienphong.vn/tranh-cai-dao-nhai-thu-hang-o-show-anh-trai-post1648644.tpo. Accessed 23 July 2024.
[6] My, Hải. “Khánh Vy Chính Thức Lên Tiếng Giữa Bão Công Kích vụ “Level Up” Khả Năng Tiếng Anh, Nói Gì Mà Lật Ngược Luôn Tình Thế?” Kenh14.Vn, https://kenh14.vn, 11 July 2024, kenh14.vn/khanh-vy-chinh-thuc-len-tieng-giua-bao-cong-kich-vu-level-up-kha-nang-tieng-anh-noi-gi-ma-lat-nguoc-luon-tinh-the-20240711081510175.chn. Accessed 23 July 2024.