Bàn về việc viết, phần 2: Quá trình viết không kém gì 9 tháng 10 ngày

“Nếu bác sĩ nói với tôi rằng tôi chỉ còn sáu phút để sống, tôi sẽ không lo lắng. Tôi sẽ gõ phím nhanh hơn một chút.” – Isaac Asimov
Tôi thực sự đã có được nhiều sự giúp đỡ để được như ngày hôm nay. Xin cảm ơn mọi người. ^^
Tôi gặp người yêu hiện tại, Thiên Lượng, vào đầu tháng 12/2023. Trong buổi hẹn đầu khi tôi nói đùa rằng sẽ gác chân lên vai anh, anh ấy thắng gấp. Khi nghe tôi kể về những trải nghiệm của mình, anh ấy bảo cuốn như đọc truyện ấy.
Thế là tôi viết.
Anh ấy cũng nhắc tôi về những deadline, vì Thiên Lượng biết điều gì quan trọng với một kẻ thất nghiệp như tôi: sản phẩm.
Như bạn thấy đấy, Thiên Lượng rất lương thiện, thiện lương.
Chúng tôi đã quen nhau gần nửa năm rồi.
Thế là hằng ngày từ đầu tháng 12/2023 đến đầu tháng 1/2024, đều như vắt chanh, tôi dậy sớm, viết 2000 từ. Hết tháng 12, tôi đã có trong laptop sáu mấy ngàn từ.

2. Một ngày của nhà văn / người viết

James Clear có một bài viết cực hay [1] tổng hợp về chu trình hằng ngày của 12 nhà văn. Tôi xin trích phần về tác giả cuốn “Ông già và biển cả”.
“Khi tôi đang viết một cuốn sách hoặc một câu chuyện, tôi viết vào mỗi buổi sáng ngay sau khi bình minh. Không có ai làm phiền bạn và trời mát hoặc lạnh, bạn bắt đầu làm việc và ấm dần lên khi viết. Bạn đọc những gì bạn đã viết và, như thường lệ, bạn dừng lại khi biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, bạn tiếp tục từ đó.
Bạn viết cho đến khi đến một mốc nào đó vẫn còn năng lượng và biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, rồi bạn dừng lại và cố gắng sống qua đến ngày mai khi bạn bắt đầu lại. Bạn đã bắt đầu từ sáu giờ sáng, ví dụ, và có thể tiếp tục cho đến trưa hoặc kết thúc trước đó.
Khi bạn dừng lại, bạn trống rỗng, và đồng thời không bao giờ trống rỗng mà luôn được lấp đầy, giống như khi bạn vừa làm tình xong với người bạn yêu. Không có gì có thể làm tổn thương bạn, không có gì có thể xảy ra, không có gì có ý nghĩa cho đến ngày mai khi bạn làm lại. Thời gian chờ đợi đến ngày mai mới là thứ khó khăn để vượt qua.” – Ernest Hemingway đã trả lời phỏng vấn George Plimpton hay như vậy đấy [2].
Nguồn ảnh: Wikipedia
Của Murakami thì sao nhỉ?
“Lịch trình của ông ấy là một điều đáng ngưỡng mộ, nhưng nó yêu cầu sự kỷ luật. Murakami  thức dậy trước 5 giờ sáng và viết ngay lập tức. vào buổi sáng, sự tập trung của ông đạt đỉnh điểm, đó là khoảnh khắc khi ông có thể làm việc trên công việc quan trọng nhất của ngày, thường là viết một cuốn tiểu thuyết.
Sau đó, ông tập thể dục. Sự kỷ luật của ông được thể hiện qua lịch trình chạy bộ của mình. Ông cố gắng chạy mỗi ngày hoặc ít nhất là sáu ngày một tuần. Đó là một sự cam kết nghiêm túc. Khi Murakami trở về nhà, ông chú trọng vào những công việc không đòi hỏi nhiều sự tập trung. Ông kết thúc ngày bằng việc thư giãn, đọc sách và nghe nhạc. Sau đó, ông đi ngủ sớm. [3]
Tác giả Atomic Habits trích dẫn cuộc phỏng vấn [4] khi Murakami chia sẻ cụ thể hơn:
“Khi tôi ở trong chế độ viết tiểu thuyết, tôi thức dậy vào lúc bốn giờ sáng và làm việc từ năm đến sáu giờ. Buổi chiều, tôi chạy mười kilomet hoặc bơi một nghìn năm trăm mét (hoặc cả hai), sau đó tôi đọc một chút và nghe nhạc. Tôi đi ngủ vào lúc chín giờ tối.
Tôi giữ lịch trình này mỗi ngày mà không thay đổi. Sự lặp lại chính nó trở thành điều quan trọng; đó là một hình thức của sự ma thuật. Tôi tự ma thuật bản thân mình để đạt đến một trạng thái tâm trí sâu hơn.
Nhưng để duy trì sự lặp lại như vậy trong một khoảng thời gian dài – từ sáu tháng đến một năm – đòi hỏi một lượng lớn sức mạnh tinh thần và thể chất. Theo ý nghĩa đó, viết một cuốn tiểu thuyết dài giống như huấn luyện sinh tồn. Sức mạnh thể chất cần thiết không kém phần so với nhạy cảm nghệ thuật.”
Ngày tôi viết chuỗi bài về việc viết lách này là một ngày đặc biệt. Tôi dậy rồi viết lúc 13 giờ 25/4, viết một mạch đến 19 giờ mới thấy đói. Tôi ăn uống xong quay lại bàn, nhìn vào laptop để rồi thấy điều ban đầu chỉ là một bài 6 nghìn từ là nhiều, bỗng biến thành chuỗi ba bài, mỗi bài 3 nghìn từ. Để rồi bài thứ nhất biến thành 7 nghìn từ hơn, và trong phút giây tôi gõ bài này ra thì chuỗi ba bài đã chạm mốc trên 14 nghìn từ.
Với những người nhiều chữ thì việc viết, một khi vào trạng thái dòng chảy, viết rất đã.
Hiện giờ tôi đã thức và viết được 18 tiếng, trừ một tiếng ăn bún mắm nêm ngon tuyệt, là còn 17 tiếng.

3. Vòng đời của một bài viết

Khó khăn của người viết chính là sự bắt đầu. Một cách tục tĩu, tác giả “Chuông nguyện hồn ai” đã nói rằng:
“Bản nháp đầu của mọi thứ đều như c*t.” [5]
Nhưng không có bản nháp đầu thì sẽ chẳng có gì để cải thiện. 
Với việc viết Góc Khuất Người Con Gái, tôi không phải sửa quá nhiều.
Tôi đùa đấy, tôi sửa nhiều v*i.
Đầu tiên là chuyển cách xưng hô từ “mình” sang “tôi” cho nó nghiêm chỉnh.
Điều đó dẫn đến việc tôi phải chỉnh tay lại từ đầu, hết cả hơi vì lỡ bấm thay thế tất cả “mình” thành “tôi”.
Giống như trong bài Khủng hoảng tính nữ, “identity” có hai cách dịch là “căn tính” hoặc “danh tính”. Tôi nhấp lệnh thay thế tất cả “căn” thành “danh”, điều đó dẫn đến việc Google Docs thay thế “can” trong “cân bằng” thành “danh bằng”. Một độc giả tốt bụng hỏi tôi “danh bằng” là gì, tôi cảm ơn họ vì đã chỉ ra lỗi sai để mình biết mà sửa, đỡ công tìm kiếm.
Tôi cho rằng cái lỗi này của Word và Google Docs là sự cải lùi vì trước đây nó không có như thế.
Vòng đời của những bài viết khác nhau là khác nhau. Nếu bài review album mới “The Tortured Poets Department” tôi viết chỉ trong ba ngày, 1 ngày viết, 2 ngày chỉnh sửa thì bài “Khủng hoảng tính nữ” tôi viết hơn cả tháng (từ ngày nhận đề tải 5/3 đến ngày đăng tải là 12/4), bằng hơn 6 mấy từ của “Góc Khuất Người Con Gái”. Bởi vì chủ đề đó lớn hơn cả tôi, việc viết nó khiến tôi hoài nghi bản thân, dằn vặt, quằn quại, tự trách, đấu tranh với chính mình để viết ra bài đó. Nửa đầu bài viết, tôi trễ deadline vì nó quá khó, nhắn với biên tập rằng tôi hết thuốc trầm cảm nên nó ảnh hưởng đến trí óc của tôi. Nhưng cũng không hẳn là cớ, lúc đó tôi hết thuốc thật. Nếu lần gần nhất tôi bỏ thuốc, những suy nghĩ tự hại bắt đầu xuất hiện trong đầu thì lần này, khi tôi chỉ dám bỏ 1 trong 4 loại thuốc vì nó hết, sự tập trung của tôi hòa cùng làn không khí bay lên cao. Tôi chỉ có thể ăn và ngủ vì lượng dopamine đang nhảy hiphop trong não.
Khi có thuốc thì tôi lại bình thường. Bởi vậy, đôi khi tôi nhìn viên thuốc bẻ nửa bé nhỏ trong tay, tôi vừa khinh thường bản thân vừa thán phục ngành dược: đây là kích cỡ của sự bình thường đây sao.
Tôi đã định từ bỏ chủ đề này, nhưng vì lúc ấy bắt đầu làm việc với chị Chopandchat, chị ấy bảo tôi nên giữ chữ tín, nên tôi viết tiếp. Kết cục là được hơn 6 nghìn chữ trong vòng ba mấy ngày. Tôi khá tự hào về bài viết, lần đầu được viết chủ đề lớn như vậy, và trong quá trình nghiên cứu, tôi đã gặp được đoạn văn từ một người đàn ông viết năm 1968 như trích DNA sự thật ra khỏi tôi, một phụ nữ sinh sau đó 30 năm. (Xin lưu ý rằng Erikson viết một cách rất dồn nén nên đoạn văn sau đây có thể sẽ khó hiểu).
“Nhiều kết luận ban đầu của phân tâm học về nữ giới đặt trọng tâm vào điều được gọi là “chấn thương vùng sinh dục”, tức là, sự hiểu biết đột ngột rằng em không có và sẽ không bao giờ có dương vật. Giả định phổ biến này nói về sự ghen tị ở phụ nữ; giả định rằng em bé trong tương lai là một thay thế để có dương vật; giả định rằng cô bé chuyển từ mẹ sang cha vì em phát hiện ra rằng mẹ không chỉ lừa dối em khỏi dương vật mà chính bà cũng bị lừa dối; và cuối cùng, tính cách của phụ nữ là từ bỏ sự hung hăng (của nam giới) vì một chiều hướng “thích đau đớn một cách thụ động”: tất cả những điều này phụ thuộc vào “chấn thương vùng sinh dục,” và tất cả đã được xây dựng thành các giải thích phức tạp về nữ tính. Chúng đều tồn tại ở một nơi nào đó trong tất cả phụ nữ và sự tồn tại của chúng đã được chứng kiến từ lần này đến lần khác trong các phân tích tâm lý phân tâm học. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải nghi ngờ rằng một phương pháp đặc biệt đã phơi bày những sự thật đặc biệt đúng với hoàn cảnh được tạo ra bởi phương pháp, ở đây là việc phơi bày những sự bất mãn bị ẩn đi và những vết thương tâm lý bị đè nén. Những sự thật giống nhau này lại có bản chất của những sự thật rất một phần trong một lý thuyết chuẩn mực về sự phát triển nữ tính, trong đó chúng dường như phụ thuộc vào sự ảnh hưởng sớm của sự chiếm ưu thế của bộ phận sinh sản ở bên trong cơ thể người. Sau đó, điều này sẽ cho phép một sự dịch chuyển của nền lý thuyết nhấn mạnh từ việc mất mát một cơ quan bên ngoài sang cảm giác quan trọng của tiềm năng bên trong; từ sự khinh thường đối với người mẹ sang sự đồng lòng với bà ấy và những phụ nữ khác; từ một sự từ bỏ “bị động” của hoạt động nam giới sang sự theo đuổi có mục tiêu và năng lực những hoạt động phù hợp với việc sở hữu buồng trứng, tử cung và âm đạo; và từ một niềm vui ưa tổn thương trong đau đớn sang khả năng chịu đựng (và thấu hiểu) nỗi đau như một khía cạnh có ý nghĩa với trải nghiệm con người nói chung và với vai trò nữ tính nói riêng. Và điều tương tự cũng đúng với những phụ nữ “hoàn toàn nữ tính”, như những nhà văn nổi tiếng như Helene Deutsch đã nhận ra, mặc dù cách gọi của họ liên quan đến thuật ngữ tâm thần bệnh lý “thích đau đớn trong tình dục/ khổ dâm” – một từ có nguồn gốc quan trọng từ tên của một người đàn ông và nhà văn người Áo mô tả sự lệch lạc khi được kích thích tình dục và cảm thấy thỏa mãn bằng cách bị đau đớn (ngay cả khi xu hướng gây đau đớn này đã được đặt tên theo Marquis de Sade.)” [6]
Như vậy, quả ngọt của cái khó này thật ngon làm sao.
Quay lại với sự khó, bản thân tôi cũng nhận ra rằng: nếu một việc quá dễ, bạn sẽ làm biếng, nếu quá khó, bạn sẽ bị nhụt chí. Cách nói vui của này là: nếu một việc quá dễ, thì để người khác làm. Nếu quá khó, người khác làm không được, thì bạn làm làm gì?
Nhưng nếu nó khó hơn một chút, khiến bạn phải bỏ công sức ra, thì việc hoàn thành nó sẽ rất ý nghĩa. Như công việc dệt may và trồng lúa nước của đời cha đã sản sinh ra một đời con cực trí thức, toàn bác sĩ, luật sư và nhà tâm lý học trong cuốn sách hay nhất về sự quan trọng của hệ thống với thành công của cá nhân do tác giả Malcolm Gladwell.: The Outliers – Những kẻ xuất chúng.
Đầu ra là bài viết thứ 5 được trên 1 nghìn view của tôi sau 4 tháng viết trên Spiderum. Tôi rất tự hào vì đã làm được công việc ý nghĩa như vậy.
Đầu ra của bài review TTPD của nữ hoàng rắn Taylor Swift là bài viết nhiều view nhất blog của tôi: Với mấy trăm view trong một blog mới và đã có thời điểm rank top 2 Google từ khóa “The Tortured Poets Department review” cho bài viết trên spiderum) (tôi nghĩ SEO Specialist của Spiderum nên được tăng lương vì những bài viết của các Nhện thường xuyên xuất hiện và rank cao trên trang 1 của Google).

4. Làm sao để tập trung

Sau khi viết Khủng hoảng tính nữ, tôi tự thưởng bản thân ngủ lăn lóc trong mấy ngày, để rồi phát hiện ra, nếu mình không lên kế hoạch cho việc viết vào ngày hôm sau và ghi nó trong cuốn sổ The Present Day Planner, hôm sau tôi sẽ ngủ 20 tiếng một ngày như con mèo lười chill ngay trước mặt.
Nó đây thưa quý vị.
Vậy nên điều đầu tiên là phải lên kế hoạch và nghiêm túc với việc viết.
Tiếp theo là tắt mạng xã hội đi. Điện thoại mà ting ting noti miết thì tập trung bằng niềm tin à?
Tôi quăng điện thoại lên giường làm con mèo đang ngủ giật mình mở mắt. Rồi tôi ngồi vào bàn.
Nếu thấy rào cản bắt đầu quá khó, bạn cần hạ kỳ vọng xuống, chỉ cần tự nhủ bản thân là viết trong 2 phút thôi. Kiểu gì sau khi vào trạng thái dòng chảy bạn cũng viết nhiều hơn hai phút,
(Như tôi khi viết bài này, chỉ định viết dưới 6 nghìn từ nhưng hiện tại đã viết được hơn 5 nghìn từ trong vài 2-3 tiếng)
Tiếp theo là bớt ố dề thinking, cứ làm đi rồi sẽ có cảm hứng, chứ chờ có cảm hứng mới viết thì đến tương lai xa mới bắt đầu được.
À, một cách khác để tập trung hơn khi viết là cứ viết, chỉnh sửa sau. Đến đoạn nào cần fact check (kiểm tra lại sự thật) thì viết chữ “X” để tiếp tục tận dụng nguồn cảm hứng dạt dào khiến chữ tuôn chảy ra mười đầu ngón tay. Viết xong thì sảng khoái cực kỳ, đi chơi đâu đó một chút, nói chuyện với những người cho mình nguồn cảm hứng, đi ngủ, như tôi hay tự thưởng cho mình một món ngon gì đấy sau khi viết được một bài chất lượng. Để hôm sau, với cái đầu tươi mát tươi mới, bạn có thể bấm Ctrl + F và bổ sung sự thật vào những chữ X, rồi đọc lại nguyên bài và tinh chỉnh những gì mình viết.

5. Sự nghỉ ngơi

“Cơ bản thì tôi đồng tình với ý kiến cho rằng viết tiểu thuyết là một loại công việc không lành mạnh. Khi ta bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết, khi ta dùng cách viết để kể một câu chuyện, dù muốn dù không thì một kiểu độc chất nằm sâu bên trong mỗi con người cũng bộc lộ ra. Tất cả các nhà văn đều phải trực diện với độc chất này và ý thức được mối hiểm họa bao hàm, tìm ra một cách thức để đối phó với nó, vì nếu không thì sẽ không có hoạt động sáng tạo đúng nghĩa nào diễn ra được. […] Những ai trong chúng ta hy vọng có một nghiệp văn chương lâu dài thì phải phát triển một hệ tự miễn nhiễm của riêng mình để có thể đề kháng lại chất độc nguy hiểm (trong một số trường hợp là chết người) bên trong.” – Murakami đã nói trong “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”.
Credit on pic.
Đây là một trong những câu “đinh” của cuốn sách ấy, tôi thấy còn hay hơn cả cuốn “Nghề tiểu thuyết gia” của ông, giống câu “I wouldn’t marry me either” của “You’re losing me” hay hơn cả album TTPD.
Viết là một loại lao lực trí óc, vậy nên viết xong cần nghỉ ngơi là đúng. Để tạo cảm giác viết là một món quà, viết xong tôi thường tự thưởng bản thân, để nó củng cố một cách tích cực (positive reinforcement) cho não tôi và con chữ.

6. Biên tập: frenemy của việc viết

Sau nghỉ ngơi, là đến phần biên tập. Nếu không có biên tập, bạn nên có một beta reader giúp bạn đọc lại bài. Họ có thể giúp sửa chính tả, dụng phần logic của não xem đoạn này nói về gì, có cần thiết không, làm sao để viết khá hơn.
Năm 20 tuổi, tôi cũng từng được một bên làm sách tiếp cận để viết một cuốn sách. Anh ấy bảo rằng: “Ban đầu, tác giả sẽ đưa cả một bản thảo để bên anh thẩm định rồi chỉnh sửa lại. Nhưng anh thấy điều đó không tối ưu bởi có khi sẽ phải viết lại nguyên cả tác phẩm. Em cứ đưa anh mục lục trước, anh chỉnh mục lục, rồi hẵng viết, như vậy đỡ tốn công của em hơn.”
Nếu chính bạn biên tập, nó không chỉ là một công việc logic mà còn đòi hỏi bạn “giết” những “người” yêu thương của mình.
Tôi từng có một cảm quan rất tiêu cực về việc chỉnh sửa sản phẩm của mình và so sánh nó với việc cắt đi một phần cái tôi. Tuy nhiên bây giờ tư duy tôi đã thay đổi, không rõ vì tôi đã phát triển hơn hay nồng độ những chất dẫn truyền thần kinh trong não đã ổn định nhờ thuốc an thần, tôi tự tin nói với bên tuyển dụng rằng: điểm mạnh của em là em rất nghe lời biên tập viên. Khi được sửa bài, em không lấy cái tôi ra làm lá chắn.
Nói một cách bỗ bã là em không nhảy sồn sồn lên để chống lại việc sửa bài. (Vì em đói lắm rồi) nên em muốn bài em được xuất bản.
Dẫu rằng có lần sau khi nộp bài, tôi đã không dám đọc tin nhắn của người em biên tập, từ sáng đến chiều không dám check, chỉ vì tôi sợ công sức của tôi bị dày xéo. Những thông báo chỉnh sửa file Google docs nhảy lên trong mail làm tôi sợ.
Nhưng rồi khi tôi nhờ bạn trai Thiên Lượng đọc những chỉnh sửa và gợi ý của editor thì tôi hiểu được câu nói của Seneca:

img_0

Em ấy chẳng nói gì nặng lời, thậm chí còn khen bài tôi, vậy mà tôi tự hành hạ mình bằng những lời chê tưởng tượng. Đến chịu cái não, nó sáng tạo giỏi, sáng tạo lời chê thì xuất sắc.

7. Như thế nào là “đủ” với một bài viết?

Hemingway đã viết một đoạn “đinh” về thói quen sau khi viết của ông như sau:
“Trong quá trình viết, mỗi khi xong việc, tôi cần đọc. Nếu cứ nghĩ mãi về những gì đang viết, ta sẽ làm tan biến hết những gì định viết ngày hôm sau. Cần phải tập thể dục, cần phải làm cho cơ thể nhừ tử, và sẽ rất tuyệt nếu được ngủ với người ta yêu. Được thế thì còn gì bằng. Nhưng sau đó, khi cả người trở nên trống rỗng, ta cần đọc để không phải nghĩ hay bận tâm về điều mình đang viết cho đến khi ngồi viết trở lại. Tôi học được một điều rằng chớ vét sạch cái giếng nguồn của sự viết mà phải biết chừa lại một ít ở đáy khi dừng lại, để mạch nguồn làm đầy giếng lại qua đêm. Để đầu óc rũ sạch khỏi chuyện viết lách sau khi làm việc, tôi thường đọc các tác giả thời ấy như Aldous Huxley, D.H.Lawrence hoặc bất cứ cuốn sách nào tôi kiếm được từ thư viện của Sylvia Beach hay dọc kè sông” –  Trích “Hội hè miên man”.
Một comment trong bài “Khủng hoảng tính nữ” nói rằng:

img_1

Đây là phản biện của tôi:
“Mình ghi nhận những góp ý của bạn và có 1 số phản hồi như sau.
Về việc khủng hoảng danh tính thì bên cạnh việc khủng hoảng về lý do nghề nghiệp (ví dụ về mình) như bao người khác thì một phần lớn phái nữ bị khủng hoảng do bị xã hội gán giá trị của họ vào khuôn mẫu với hôn nhân (như mình đã viết ở phần 2).
Nếu không bị áp đặt giá trị phải làm một người mẹ thì có lẽ coach Cát Thảo sẽ không bị ám ảnh bởi việc không thể làm mẹ, và khi Tết đến, phụ nữ sẽ không phải nhức đầu khi bị hỏi bao giờ lấy chồng, sinh con đẻ cái mỗi dịp tết đến. (Những điều này bắt nguồn từ việc chuyện sinh con đẻ cái ảnh hưởng đến phái nữ nhiều hơn nam, vì trước 35 tuổi là độ tuổi tốt nhất của trứng, so với tinh trùng thì sau 60 giảm nhiều.)
Trái lại, phái nam bị khủng hoảng do thiếu một khuôn mẫu hiện đại nhất định về sự nam tính. Cái này mình kết luận sau khi đọc file này. 
Hoặc bạn có thể chờ bài của spiderum về khủng hoảng tính nam, hoặc tham khảo bài này.
Vậy nên mình thấy việc bạn nói rằng: “Mà những cuộc khủng hoảng như vậy đều là những vấn đề cá nhân, có những đặc trưng riêng biệt của từng người, từng cá thể nên tóm lại là khủng hoảng tính nữ hay nam gì mình thấy là không phù hợp.” thì là do bạn nghĩ vậy, mình thì nghĩ khác và mình cũng đã đưa dẫn chứng ở trên đoạn này rồi.
“Nếu là một nam rapper khác hành xử tương tự thì mọi thứ sẽ còn tệ hơn, bởi sẽ không có ai đứng ra bảo vệ tính nam của người đó cả :)))” Có chắc là tệ hơn không, khi mà nếu các nam rapper đăng gì đấy sexual lên mạng, tất cả đều tung hô khen anh ta nam tính, còn với tlinh thì bị chửi nhiều? Họ không bảo vệ tính nam, họ tung hô vì như vậy mới là nam tính. Ít nhiều cũng có sự tiêu chuẩn kép ở đây.
Ngoài vụ tlinh đăng hình nhạy cảm còn có chuyện tlinh cảm thấy khó khăn với sự nữ tính, không đi giày cao gót được và khi làm tình cảm thấy bị cứng nhắc, như cô ấy đã nói trong Have A Sip.
Mình nói nữ giới khủng hoảng, mình không hề nói nam giới không khủng hoảng chút nào, hay là những khủng hoảng của nam giới không quan trọng, cái đó do người đọc tự nghĩ ra.
Về việc lấy dẫn chứng khủng hoảng danh tính để minh họa cho khủng hoảng tính nữ thì mình không thấy sai bởi vì nó vẫn phù hợp mà?
Nếu/Khi có những lỗi sai gì, thì thứ nhất, đây là một nền tảng đọc miễn phí. Thứ hai, mình đã cố hết sức. Quá trình mình viết bài này là 1 tháng hơn cho hơn 6k chữ, nếu bạn biết được mình nhận lại điều gì có lẽ bạn sẽ không quy chụp và lên án hành vi không đọc hết quyển sách hơn 300 trang pdf của Erikson vì mình cảm thấy chuyện đó khá là bình thường.
Hoàn thành tốt hơn hoàn hảo và cơm áo không đùa với khách thơ, mình nghĩ vậy.”
Tôi cho rằng: nếu cái tôi quá lớn, thì sẽ chẳng bao giờ biết như thế nào là đủ.
Giống như việc viết hơn 6 nghìn chữ cho bài Khủng hoảng tính nữ, tôi thấy vậy là đủ, người comment thấy như vậy không đủ, thì nếu chạy theo tiêu chuẩn của người ấy, sẽ chẳng bao giờ là đủ.
Giống như việc thời lượng cho Have A Sip là một đến hai tiếng, với khán thính giả của chương trình thì chị Chi Nguyễn sẽ nói chính về chủ đề “giáo dục là cách thoát nghèo” là đủ, còn để nói rộng ra thì cần bài viết của anh Lang Minh, chị Khải Đơn, bên Kulavietnam để người đọc hiểu về bức tranh lớn.
Tôi thấy tùy vào cá nhân người viết thấy như thế nào là đủ với thời lượng, đầu ra, phần thưởng và thời điểm.
Như những bài phản biện chị Chi Nguyễn, tôi thấy nó không phải là mối quan hệ đối nghịch, mà là bổ trợ cho chủ đề ấy.
Việc viết cũng giống việc kiếm tiền ở chỗ: Biết đủ là sẽ đủ.
Ngoài ra, deadline cũng là một thứ giúp tác giả biết thế nào là đủ. Đương nhiên bài viết sẽ phải chất lượng, nhưng đừng để nó cản trở bạn viết. Có viết mới có thứ để sửa, có sửa mới có hay. Chờ hoàn hảo thì đến bao giờ mới có thành phẩm?
Nhưng một khi đã viết thì chẳng ai dừng lại ở một bài viết cả.

8. Cái guồng nội dung chết tiệt khi phải chạy theo trend

Tôi đã từng từ bỏ việc làm cộng tác viên phim ảnh vì cho rằng mình cần xem tất cả các loại phim để có thể là một người review điện ảnh tốt. Nhưng giờ đây, tôi thoải mái hơn với bản thân, có sự giúp đỡ của rất nhiều synopsis (bản tóm tắt nội dung) trên wikipedia và các clip của Phê Phim, Way To Weird và The Reviewer thì việc xem phim đã nhẹ gánh hơn.
Nhưng nó chỉ giúp mình nhẹ gánh, chứ cái guồng nội dung chạy theo trend vẫn nặng lắm. Để tôi miêu tả cho bạn:
Ngày 12/4, tôi đăng tải bài Khủng hoảng tính nữ lên Spiderum, cũng ngày đó, tôi khóc lóc vật vã với bạn trai hiện tại vì đó là sinh nhật của Thẻ Xanh. Tôi cho bản thân mấy ngày nghỉ ngơi, nhưng nói như B-Wine thì “ngày nào chẳng có chuyện trên trang nhất.” Ngày 15/4, tiến sĩ Giang gây chú ý bằng việc thông báo ngừng hợp tác với Nhã Nam. Không cho ai ngủ, Giám đốc Nhã Nam làm quả động thái đi vào lòng đất khi lấy page Nhã Nam ra lươn lẹo về hành động q.u.ấ.y r.ố.i t.ì.n.h d.ụ.c của mình. Dân đọc sách được một phen xôn xao đòi tẩy chay Nhã Nam, nhân viên nhà xuất bản này hôm đó chắc là thức trắng. Cuối ngày 18/4, Phó Giám đốc Nhã Nam lên thông báo chính thức. Qua ngày 19/4, Taylor Swift ra album mới, làm ú òa bọn leak nhạc của chị bằng cách ra 31 bài, là một double album. Ngày 20/4, tiến sĩ Giang tiếp tục lên một status nữa cập nhật tình hình người bị hại là người nhà của tiến sĩ. Chị Trần Thu Hà cũng lên status ngừng hợp tác với Nhã Nam. Với một quan điểm “chuyện gì ra chuyện nấy”, bác sĩ Hùng Ngô cũng lên status. Cùng lúc, Swifties tự hào khi TTPD được nhiều lượt stream nhất và tiếp tục track stream ngày 2,3 trên Spotify. Càng không thể không nhắc đến beef giữa các rapper Việt. Báo chí là không ngừng nghỉ, fan Taylor chấn động khi Pitchfork chấm 6.6 cho TTPD và 6.0 cho phiên bản Anthology. Người viết bài đã khóa mạng xã hội vì sợ nhận những lời dọa giết. Tôi đã đọc bài ấy, cảm thấy không cãi được câu nào. Mọi người cũng lên kế hoạch cho dịp lễ 30/4, 1/5 và phàn nàn về việc vé máy bay trong nước lên giá quá là lên giá. Nhưng ai mà ngờ được 30/4 năm nay lại là ngày Thắng chiếm spotlight.
Nói tiếp về guồng content, bởi content không chỉ là content, content còn là miu dzick, à, ý tôi là nội dung. Nội dung cần hình ảnh cần tối ưu hóa theo từng nền tảng, Facebook là 940 x 788 pixel, Instagram là 1080 x 1080, Tiktok là ảnh cuộn hoặc video, mà nó còn cần caption và hashtag cùng ti tỉ thứ cần nhớ như phải tương tác với những kênh có liên quan đến nội dung của mình trước khi đăng bài 10-15 phút, phải checkin địa điểm, đăng bài có link thì để link trong comment cùng hàng loạt từ bị kiểm duyệt trên Facebook. À, để tuyển dụng thì phải lên Threads vì nó là thuật toán không tập trung và đẩy bài của người dùng mới khá mạnh nữa.
Nhiều thứ như vậy cho nên không ít người viết phải đấu tranh với động lực viết.

9. Sự trì hoãn và writer’s block

Writer’s block là cảm giác trống rỗng, bất lực khi nhìn vào màn hình trắng, không viết được chữ nào. Nhà văn Diane Nguyễn của series Bojack Horseman do writer’s block mà phải uống thuốc trầm cảm.
Nguồn ảnh: Series Bojack Horseman
Sau 66.666 nghìn chữ của “Góc Khuất Người Con Gái”, nguyên tháng 2 tôi “nghỉ” khỏi việc viết bài dài và chuyển sang viết CV. Tôi hẹn độc giả về phần tiếp theo của Góc Khuất với những nội dung thêm vào và đã trì hoãn việc đó được 3 tháng. Vì đầu tôi hết chữ, vì tôi mệt, và cũng vì cái thời gian từ việc viết đến việc ra tiền nó lâu quá.
Vì chúng ta luôn muốn sản phẩm mình hoàn hảo. Dẫu rằng, chủ nghĩa hoàn hảo làm con người dễ bị tổn thương trước trầm cảm [7].
Cái tôi muốn nói ở đây cũng là thứ tôi hay comment: Hoàn thành hơn hoàn hảo. Mà tôi thì chẳng là ai cả, để tôi trích dẫn một người uy tín hơn là E.B. White:
“Một người viết chờ đến điều kiện hoàn hảo mới làm việc thì sẽ chết trước khi viết được bất kỳ chữ nào trên giấy.”
Vậy nên, cứ mở Google Docs ra rồi gõ đi các đồng bút, đừng nghĩ nhiều làm gì. Nghĩ cũng không ra đâu, viết nó mới ra.
Phụ lục tham khảo
[1] Clear, James. “The Daily Routines of 12 Famous Writers.” James Clear, 29 July 2013, jamesclear.com/daily-routines-writers. Accessed 26 Apr. 2024.
[2] Interviewed by George Plimpton. “The Art of Fiction No. 21.” The Paris Review, 20 Feb. 2020, www.theparisreview.org/interviews/4825/the-art-of-fiction-no-21-ernest-hemingway. Accessed 26 Apr. 2024.
[3] Turner, N A. “Turner Stories.” Turner Stories, 20 July 2021, www.turnerstories.com/blog/2021/7/20/haruki-murakamis-writing-routine-and-running-habits. Accessed 25 Apr. 2024.
[4] Interviewed by John Wray. “The Art of Fiction No. 182.” The Paris Review, 23 Feb. 2024, www.theparisreview.org/interviews/2/the-art-of-fiction-no-182-haruki-murakami. Accessed 26 Apr. 2024.
[5] Samuelson, Arnold. With Hemingway. Random House (NY), 1984.‌
[6]  Erikson, Erik H. Identity: Youth and Crisis. New York, W.W. Norton & Co, 1968.
[7] Melrose, Sherri. “Perfectionism and Depression: Vulnerabilities Nurses Need to Understand.” Nursing Research and Practice, vol. 2011, 1 Jan. 2011, pp. 1–7, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3169326/, https://doi.org/10.1155/2011/858497. Accessed 12 May 2024.


Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Narcy Nguyen