3 bẫy lừa đảo phổ biến nhất khi đi xin việc

Kể chuyện bị lừa khi đi xin việc và suýt nữa tôi đã lọt thêm một bẫy lừa đảo tinh vi

Lừa đảo

Nguồn: Duy Anh

Chia sẻ của một người “7 nghiệp” đang đói việc: Một số cụm từ “cờ đỏ” mà người tìm việc nên lưu ý khi đọc tin tuyển dụng: Telegram, freelance, job dịch thuật, đơn giản, không gò bó thời gian, trả tiền theo ngày, theo tuần,v.v…

Khoan hẵng mắng tôi ngu, mắng trong đầu thôi, tôi cũng tự thấy mình ngu rồi.

Cờ đỏ mức độ 1 – Nghiệp dư 

Trong các nhóm Facebook về content và dịch thuật freelance hiện nay rất thịnh motif tuyển dụng này. Đầu tiên, một nick clone sẽ đăng hoặc là một công việc không yêu cầu cao, hay là một công việc với mức lương hấp dẫn để nhận được sự chú ý, ví dụ như mẩu JD sau:

Nguồn: một group Facebook về freelancer dịch thuật 

Rất hấp dẫn đúng không? Sau khi đã thu hút được sự chú ý của bạn để bạn chủ động bình luận hoặc inbox xin JD và ứng tuyển, họ chỉ có một mẫu trả lời duy nhất, từa tựa nhau như thế này: 

Có một mẫu copy nhau hoài.

Nếu bạn đồng ý, họ sẽ hướng dẫn qua Telegram, bàn bạc một hồi, họ sẽ yêu cầu bạn đóng tiền khoảng 160.000 để kích hoạt tài khoản. Vậy nên bài học ở đây là: Không có công ty nào đàng hoàng bắt bạn đóng tiền mới được đi làm cả. Bạn đi làm để có tiền, chứ không phải đóng tiền để đi làm.

Cờ đỏ mức độ 2 – Có tổ chức 

Trong khoảng thời gian chờ việc và quá thất vọng về bản thân, tôi quyết định đi làm phục vụ quán cà phê. Và vì quá “vã”, tôi đang không check kĩ càng mặc dù tấm bằng đại học Ngoại Thương sắp sửa lấy làm lót chuột máy tính được rồi. Tấm hình tuyển dụng của họ nhìn “phèn” kinh khủng bởi phối màu nổi và chói, không được thẩm mỹ nếu là của một công ty có quy mô, tổ chức đàng hoàng. Họ hẹn tôi phỏng vấn, yêu cầu mang theo CV, hồ sơ xin việc. “Red flag” đầu tiên chính là việc họ nói rằng tôi không cần đem công chứng, chính họ sẽ công chứng giúp tôi, tôi chỉ việc đóng 30.000 đồng.

Bởi vậy, cái gì tốt quá thì nên nghi ngờ nhé các bạn. Bụt chỉ có trong truyện cổ tích chứ ở đời không ai cho không ai cái gì cả.

Quá hấp dẫn nhưng cũng thấy cấn cấn, tôi tạm chấp nhận chỉ vì mong có được việc dễ dàng. “Red flag” thứ hai là họ yêu cầu tôi đóng 600.000 đồng tiền đồng phục và chỉ cần tiền thôi tôi sẽ có được việc. Cộng thêm một số khoản nữa là 1 triệu 2. Trong cái guồng gấp gáp mà họ tạo ra, cộng thêm việc tôi “vã” việc, tôi hấp tấp gọi điện xin mẹ. Mẹ tôi thắc mắc tiền đồng phục gì mà mắc vậy, nhưng vì thương con, mẹ tôi cũng đồng ý. “Red flag” cuối cùng là 300.000 tiền khám sức khỏe.

Tôi biết bạn cũng nghĩ tôi khờ rồi nhưng đóng xong xuôi tôi mới thấy lạ. Tôi về nhà, gọi điện cho trụ sở công ty hỏi họ có tuyển dụng ở địa chỉ tôi vừa phỏng vấn không. Họ bảo không. Thế là hôm sau tôi lên đường đòi lại công lý.

Xui xẻo thay, tôi chỉ đòi lại được 450.000 vì họ gài điều khoản nếu đòi lại tiền sau 6 tiếng thì chỉ được đền bù 50% tiền hợp đồng, mà chỉ 900.000 là có hóa đơn, còn 300.000 tiền khám sức khỏe là không có hóa đơn do “họ đã gửi cho bên bệnh viện.” Đương nhiên là đã lừa thì họ sẽ cố lừa cho trót và không có cái bệnh viện nào ở đây cả. Cả ngày tôi bị lừa lẫn ngày tôi bị đòi tiền, trung tâm này đều rất đông sinh viên ra vào tấp nập. Tôi đã gọi công an thành phố, họ bình tĩnh bảo rằng tôi bị lừa bao nhiêu, tôi bảo 1 triệu 2, họ bảo rằng dưới 4 triệu thì họ không thể làm gì được.  Tôi tự hỏi 1 triệu 2 nhân với số sinh viên một ngày, không biết họ sẽ kiếm được bao nhiêu lần bốn triệu trong một ngày như vậy. 

À, tôi xông xồng xộc vào trụ sở lừa đảo và được “đặc cách” lên phòng cao nhất, lầu 9. Chị ta hỏi tôi vì sao đòi tiền, muốn giải thích rằng The Coffee House có nhiều chi nhánh và họ nhượng quyền, tôi bảo em không muốn nghe, chị đừng có lươn lẹo. Chị ta nổi điên lên bảo chị không có lươn lẹo.

Ăn cướp còn la làng, chị diễn giỏi thật đấy,

Tôi đi xin việc ở một cửa hàng tiện lợi nọ ở trụ sở chính, có cửa hàng đàng hoàng, nhân viên mặc đồng phục có logo tên công ty thì họ cũng yêu cầu đóng tiền đồng phục, tuy nhiên, số tiền này chỉ là 200.000 và họ yêu cầu đóng tiền bởi vì thất thoát đồng phục quá nhiều chứ không phải vì lừa đảo. Một cửa hàng tiện lợi khác tôi từng làm thì miễn phí tiền đồng phục. Nói chung, tiền đồng phục không thể nào lên đến 600.000 đồng.

Tôi quyết tâm ra đòi công lý ở công an phường. Chú bảo vệ hỏi tôi tại sao học đại học mà để bị lừa. Tôi tự hỏi tại sao nạn nhân là tôi mà tôi lại bị trách. Anh công an ngồi thản nhiên bảo tôi tự đòi lấy tiền. Tôi tự hỏi vì sao chỗ lừa tôi và đồn công an chỉ cách nhau 1km.

Cờ đỏ mức độ 3 – Chuyên nghiệp

Sau khi chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, tôi nhận được một cuộc gọi từ một công ty lớn đã nhận được CV của tôi, thông báo tôi trúng tuyển vị trí Content Marketing với mức lương 14-17 triệu/tháng và mời tôi tham dự buổi sơ tuyển. Tôi ngạc nhiên nhưng rồi cũng tìm hiểu một chút. Email có tên công ty, có logo của công ty, cùng ba file pdf có quy trình tuyển dụng, mô tả công việc, dấu mộc đỏ kèm mã số thuế, chữ ký của giám đốc, dấu in chìm tên công ty trên các file, nói chung là chuyên nghiệp.

JD coi bộ rất đầy đủ và hấp dẫn

Nhìn lại mới thấy tên hiển thị trên Gmail là “Công” thay vì nguyên tên công ty

Điều đó làm tôi quên đi mất là tôi không nộp công ty này ở đâu cả. Vậy nên bài học tiếp theo là nên lập một danh sách các công ty mình ứng tuyển để dễ dàng theo dõi.

Tôi liên hệ chị “nhân sự” qua Telegram (vâng, lại Telegram), chị ấy gửi cho tôi tin nhắn như sau: 

“Vòng sơ tuyển sẽ diễn ra vào ngày mai lúc 08h00′ em online sớm 5-10′ chị sẽ trực tiếp thêm em vào vào phòng làm việc trên ứng dụng Telegram luôn em nhé. Mình chỉ cần tham gia nhóm chat không yêu cầu gọi video.

Nội dung vòng sơ tuyển sẽ chia làm 2 phần như sau:

*Phần 1: Hoàn thành bài thi IQ

*Phần 2: Hỗ trợ dự án an sinh 

Phòng nhân sự kết hợp cùng phòng kinh doanh đưa dự án an sinh của công ty vào trong bài thi của các ứng viên. Khi các ứng viên tham gia hỗ trợ dự án an sinh sẽ giúp công ty có thể nắm bắt về ứng viên một số thông tin cần thiết như trách nhiệm, thái độ, tư duy, tinh thần làm việc trong thời gian tham gia hỗ trợ dự án an sinh. Dự án an sinh là một trong những dự án lớn đem đến sự nhân văn dành cho tất cả mọi người, công ty mong muốn các bạn sẽ thể hiện thật tốt, sẽ có nhân viên hướng dẫn và hỗ trợ các ứng viên hoàn thành công việc trong toàn bộ quá trình hoàn thành vòng sơ tuyển.

Lưu ý: Vòng sơ tuyển sẽ đánh giá về tác phong làm việc, trách nhiệm và thái độ của ứng viên. Không đánh giá năng lực nghiệp vụ và kinh nghiệm làm việc. Vòng thi viết sẽ quyết định lịch phỏng vấn của ứng viên.

Em nắm rõ thông tin giúp chị để vòng sơ tuyển ngày mai được diễn ra thuận lợi nhé.”

Tin nhắn của tôi với “nhân sự” bài bản chuyên nghiệp

Bài học kế tiếp là tôi đã quên khuấy đi mất ứng dụng màu xanh này là một cờ đỏ lớn trong tuyển dụng vì nó có chức năng xóa hết tin nhắn từ hai phía chỉ bằng một cú click, những bên lừa đảo hoàn toàn có thể hủy bằng chứng nếu bị điều tra.

Tôi hào hứng tìm hiểu về công ty, fanpage Facebook và trang web. Một điều nhỏ là tôi không thấy vị trí này đang tuyển dụng trên web của công ty. Đây chính là một bài học nữa mà đáng lẽ tôi phải học, nhưng sự hứng thú của tôi đang dâng cao nên tôi không “tỉnh ngộ” được trong giây phút đó.

Tìm kiếm được khoảng một tiếng đồng hồ thì đến giờ ăn trưa, bạn trai tôi gọi tôi. Tôi kể anh nghe, anh nhắc lại: “Trên Telegram à? Nếu nó bắt em đóng tiền thì out đi nhé.”

Đến tận lúc này tôi mới nhớ ra rằng hình như tôi không apply công ty này. Và giả sử CV của tôi lọt vô một cái pool của app tuyển dụng thì họ sẽ nhắn tôi qua email của app đấy chứ không dùng số cá nhân để gọi cho tôi làm gì cả.

Không muốn phạm phải sai lầm để quá trễ mới xác minh, tôi search số điện thoại hotline của công ty. Một người đàn ông nhấc máy, tôi hỏi đây có phải số điện thoại của công ty không, ông bảo đúng, tôi hỏi email tuyendung@[tên công ty]-vietnam.com có phải email của công ty không, ông ấy bảo không.

Nói như Taylor Swift thì tôi đã né hẳn được một viên đạn nhưng nhầm tưởng là “công ty” mà tôi sẽ gắn bó “cả đời” (Wondering if I dodged a bullet or just lost the love of my life), tất cả chỉ bằng một cú điện thoại 20 giây, dưới 5.000 đồng.

Cập nhật 13/03/2024

VTV24 đã lên một bài về việc “Là nạn nhân những vụ lừa đảo, nhưng lại trở thành đối tượng chửi rủa, chỉ trích“. Mời bạn đọc thử để bớt đổ lỗi cho nạn nhân, kẻ sai ở đây là kẻ lừa đảo, lợi dụng sự cả tin, ngây ngô của những người yếu thế.

Tuy nhiên, những kẻ Machiavellian sẽ dẫn đến những kẻ ranh ma hơn, vậy nên, hãy lao động chân chính, bạn làm gì lừa đảo, nói dối và ăn cắp cả đời được? Lừa vụ nhỏ được sẽ dẫn đến những vụ lớn hơn, rồi lọt vào vòng lao lí, lúc đó thì trách ai vào đây?

Kết luận

Tôi xin tóm lại tất cả những bài học mà bản thân đã phải bỏ tiền ra để hiểu, mong rằng sẽ không ai bị lừa như tôi:

  1. Kiếm tiền không dễ. Nếu công việc nào đó trông có vẻ dễ dàng, 99% là bạn sắp sửa bị lừa.
  2. Facebook không phải là kênh chính thống để xin việc. Hãy thử LinkedIn, Vietnamwork, TopCV, Jobsgo và trang web chính thức của công ty để có được thông tin chính thức và đọc review công ty trước khi ứng tuyển.
  3. Công ty có đạo đức sẽ không yêu cầu bạn đóng tiền rồi mới được làm. Nếu bản thân cả tin, chỉ nên dằn túi 100.000 đồng đổ xăng chứ không nên nộp cho ai đồng tiền nào cả.
  4. Trực giác bản thân luôn đúng. 
  5. Tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè khi apply các công ty. 
  6. Các việc freelancer đào thải người rất nhanh, hãy chuẩn bị tinh thần thép.

Mời bạn đọc các bài viết khác về chuyện đi làm của tôi.

Be Real in a Fake World,

NARCY NGUYỄN



Chuyên mục:
Chuyện Đi Làm

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Narcy Nguyen