Có tiền sinh con cũng chắc gì hạnh phúc

Có tiền sinh con cũng chắc gì hạnh phúc

Câu nói gây tranh cãi về việc nghèo không nên sinh con
“Cha tôi có nhược điểm của mình. Đó là điều mà mẹ tốt bụng của chúng tôi luôn nói với chúng tôi. Cha có nhược điểm, nhưng không có ý ác. Mẹ tôi hiền nên nói như thế, nhưng ông ta thực sự gây ra tổn thương.”
― Gillian Flynn, Gone Girl
Gia đình tôi là gia đình bình thường. Bố mẹ tôi làm cán bộ công nhân viên chức, sinh ra tôi, một đứa 26 tuổi, du học sinh Sài Gòn, cựu học sinh Trần Đại Nghĩa, Phổ Thông Năng Khiếu, đại học Ngoại Thương, IELTS 7.5 hết hạn, thất nghiệp, ngày nốc bốn loại thuốc an thần, luôn có người yêu. Và chị ruột tôi, 34 tuổi, cựu du học sinh Nhật, cựu sinh viên trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, công viên ổn định lương ổn nhưng rất có khả năng đang làm phù thủy.

Nói ít hiểu nhiều nha mọi người. Nguồn: Youtuber Review BL

Nói ít hiểu nhiều nha mọi người. Nguồn: Youtuber Review BL

Bữa trước tôi và mẹ tôi cãi nhau, tiện thể, mẹ chửi cả mèo sao mà quậy thế, chửi bố tôi suốt ngày hút thuốc, chửi cả hai chị em tôi: “Đứa nào đến tuổi lấy chồng thì lấy chồng đi, đứa nào đến tuổi đi làm thì đi làm đi, đừng để mẹ phải nói nhiều!”

Rồi hôm sau mẹ lại chửi cả mèo cả người như ngày trước.

Vậy nếu tôi – khoản đầu tư lỗ nhất của bố mẹ, sự thất bại của giáo dục EQ của ba ngôi trường danh tiếng nhất cấp hai, cấp ba và đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, có nên được sinh ra hay không?

Câu trả lời là: có đẻ xong mới biết được chứ. Ai xem được trước tương lai bây giờ tôi lại phế như vậy. Mà giờ tôi như thế chắc gì tôi là phế nhân cả đời?

(Để rồi xem, biết đâu tôi cố gắng xong rồi lại lên báo giật tít: tàn nhưng không phế. Xong tôi nổi được 1 ngày, những ngày sau lại ngồi hát this is me trying của Taylor Swift.)

Chỉ biết là, bố mẹ tôi có chị tôi khá sớm, và lúc đó, có lẽ cảm nhận được chi phí nuôi con quá lớn, 8 năm sau bố mẹ mới có tôi.

Mình biết do mẹ tôi từng pro choice. Trước tôi hai năm là một người anh nhưng không được ra đời, lý do không ra đời là vì mẹ tôi thấy gia đình không đủ tài chính.

Chi phí nuôi một đứa con là bao nhiêu?

Báo VNexpress năm 2023 nói rằng: nuôi con đến 22 tuổi mỗi tháng tốn 15 triệu đồng, vậy 22 năm tốn 3.960.000.000 đồng, gần 4 tỷ. (1)

Theo AIA năm 2023, chi phí này khoảng 1 tỷ – 1 tỷ 4 trăm triệu. (2)

Nói chung là không rẻ.

“Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện” – MC Đức Bảo.

(Hoặc là admin page MC Đức Bảo, theo lời anh ấy nói.)

Nói ngắn gọn là “Nghèo thì không nên đẻ.”

Về việc này, chatGPT “phán” như sau:

“Câu nói “nghèo thì không nên đẻ” được sử dụng để bày tỏ quan điểm rằng người nghèo nên hạn chế việc sinh đẻ để tránh tình trạng khó khăn kinh tế gia đình trở nên nặng nề hơn. Tuy nhiên, câu này cũng gặp phải nhiều ý kiến tranh cãi vì nó có thể được coi là giới hạn quyền tự do sinh sản và tạo ra sự phân biệt đối xử.

Dưới đây là một số quan điểm khác về câu hỏi này:

1. Quan điểm ủng hộ:

Tài chính: Sinh đẻ trong tình trạng nghèo có thể tạo ra thách thức lớn trong việc nuôi dưỡng con cái. Người ta có thể đề xuất việc lên kế hoạch sinh đẻ khi có đủ điều kiện tài chính để cung cấp cho con cái một cuộc sống tốt hơn.

Giáo dục: Môi trường giáo dục là quan trọng để phát triển tiềm năng cá nhân. Sinh đẻ khi gia đình đang nghèo có thể làm giảm khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng.

2. Quan điểm phản đối:

Quyền tự do sinh sản: Một số người cho rằng mọi người đều có quyền tự do sinh sản và quyết định số lượng con cái mà họ muốn sinh ra.

Phân biệt đối xử: Cấm đoán người nghèo sinh con có thể dẫn đến phân biệt đối xử và xâm phạm quyền con người.

Trong khi một số người ủng hộ quan điểm này với lý do tình trạng kinh tế gia đình cần được xem xét, nhưng quan điểm chung là cần phải xem xét nhiều yếu tố khác nhau và đối xử công bằng với mọi người. Quan trọng nhất là tạo điều kiện cho mọi người có thể có quyền lựa chọn và hỗ trợ để cải thiện tình hình kinh tế và giáo dục.”

ChatGPT cũng được việc phết.

Theo báo Tiền Phong, “một số người cho rằng quan điểm này có phần chính xác, không nên sinh con khi chưa đủ điều kiện lo lắng tốt nhất cho con. “Để con mình chịu thiệt khi sinh ra là điều không thể”, “Đừng để trẻ con sinh ra trong điều kiện thiếu thốn”, “Mình thấy quan điểm này cũng đúng, nhìn vậy thôi chứ thời buổi này không đủ điều kiện kinh tế là không thể nuôi con”” (3)

Vậy bao nhiêu tiền là đủ?

Theo afamily, “Linh Trần (30 tuổi, Hà Nội) đã chi khoảng 40 triệu tiền viện phí sinh con, và khoảng 100 triệu mua sắm bao gồm cũi, tủ, các loại máy móc (máy giặt, máy sấy riêng, máy hút bụi, máy lọc không khí, máy sưởi, máy hút sữa, bình sữa, quần áo, bảo hiểm nhân thọ,…).

“Vì trong quá trình mang thai và sau sinh con, gia đình sẽ cần chi tiêu rất nhiều khoản ngoài dự kiến, nhất là khi con còn nhỏ, việc ốm đau đi viện là rất khó tránh khỏi”. Nếu muốn cuộc sống sau khi có con không quá vất vả, vợ chồng nên tiết kiệm được khoảng 200 triệu. Tổng lương của 2 vợ chồng khoảng 30 triệu trở lên. “Vợ chồng nên có công việc ổn định và có tích luỹ trước khi có con. Mình nghĩ không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của ông bà và càng không nên có tư tưởng ‘cứ đẻ ra rồi tính’. Bởi vì như vậy, vợ chồng sẽ rất dễ rơi vào cảnh phụ thuộc cũng như áp lực tài chính”.” (4)

Nói về sự không hạnh phúc để hiểu về hạnh phúc

Nếu anh Tornad đã nói lên ý rằng: “Không chuẩn bị trước được những gì khiến con cái hạnh phúc, thì đừng đẻ” (5), vậy như thế nào mới hạnh phúc?

Tại sao có những đứa được bố mẹ lo tận mông như tôi vẫn còn bị bệnh tâm thần?

Do bố mẹ tôi chỉ lo cho tôi về vật chất, chứ không lo cho tôi về mặt tinh thần.

Cụ thể, lúc nhập viện tâm thần, vị bác sĩ nổi tiếng trên tiktok hỏi tôi buồn cái gì. Mình nói rất nhiều nhưng tóm gọn ở hai câu: “Lúc con ngã cầu thang bố mẹ hỏi cầu thang có làm sao không, lúc con rửa chén làm bể bát, họ hỏi bát đĩa có làm sao không.” Cả xã hội chạy theo vật chất và thành tích khiến bố mẹ tôi bấn loạn lên vì đồng tiền. Hơi khó để họ không như vậy. Đã thế họ còn là cung Kim Ngưu. Mình từng quen một người cung Kim Ngưu và chúng tôi chia tay vì anh ta không cho tôi 100.000 VND đi xem Taylor Swift The Eras Tour Movie.

Do bố mẹ tôi xem tôi là một khoản đầu tư, để về già có người chăm nom.

Với bố mẹ, tôi là một khoản đầu tư kỳ vọng sinh lời sau 22 năm. Có lẽ hiện tại bố mẹ đã xác định là khoản đầu tư này có vẻ còn lâu lắm mới có lãi, vì mai tôi đi khám bác sĩ mới để tìm cách chữa bệnh, mà chữa bệnh thì cần tiền. Còn chị tôi thì khoản đầu tư này đã có lãi vì chị tôi là người trả một phần các sinh hoạt phí hiện tại của gia đình.

Do bố mẹ tôi là người Việt kiểu cũ.

Theo VNexpress, với thế hệ cha mẹ, ông bà thuần Việt, có con là một kết quả đương nhiên của hôn nhân nên câu hỏi “tại sao” ở trên trở nên thật lố bịch và kệch cỡm. Với họ, có con là để có đứa chống gậy lúc về già, để được làm cha mẹ, cho vui nhà vui cửa, để dòng họ phát triển, để gia đình đông anh em, để giữ tình cảm vợ chồng, để có người thờ phụng…(6)

Do bố mẹ thấy cuộc đời mưu sinh khổ quá nên cố hết sức để cho tôi một cuộc sống tốt nhất

Bố mẹ tôi đầu tư cho tôi học trường chuyên lớp chọn, học tiếng Anh từ bé, chuyển nhà hết nơi này sang nơi khác, cho chị tôi đi du học Nhật, để rồi, khi bố cố hết sức xách từng bao cà phê trên rẫy đem đi bán, mẹ tôi phát hoảng vì số tiền bay theo học phí ILA của tôi quá cao, thì nhà tôi luôn có tiếng cãi nhau. Mẹ từng cản bố dùng nạng phang vào đầu tôi. Mình trừng mắt nhìn xem bố có dám làm vậy với tôi thật không. Chị tôi khôn, thấy bố mẹ đánh là chạy. Mình bướng bỉnh ở lại chịu trận. Mình không gọi chị tôi là “chị” vì tôi không nể bả. Chị tôi bảo: “Nếu không là chị em chắc tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với bạn.” Mình thức đêm thức hôm xem Shaun the Sheep trên Disney channel đến 4 giờ sáng mới đi ngủ vì không có ai quan tâm đến lời tôi nói. Mình có đủ những bằng cấp ở Việt Nam, nếu bằng cấp đem lại niềm vui thì có lẽ bây giờ tôi phải bay chín tầng mây không cần 420 nữa rồi. Mình luôn là niềm tự hào cho bố mẹ cho đến khi không kiếm được việc.

Nói tóm lại, bố mẹ tôi cố cho tôi những gì tốt nhất để tôi thành đạt – thước đo của xã hội cho sự hạnh phúc, nhưng trong quá trình đó, đã đánh mất sự hạnh phúc của tôi. 

Bởi vậy, sinh con thì mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.

Có sản sinh ra đời F2 thì đời F1 mới biết cách làm F1.

Anh Tornad nói rằng: “Nhưng ngay cả vậy, mệnh đề “Không chuẩn bị trước được những gì khiến con cái hạnh phúc, thì đừng đẻ” mà tôi đưa ra vẫn đúng. Nó không mang mục đích thiết lập một tiêu chuẩn cho việc đẻ, mà mang mục đích xây dựng một hệ tư tưởng mới, đối lập với hệ tư tưởng độc hại cũ “Con cái là lộc trời” với “Đẻ cho vui nhà” với “Đẻ để nối dõi”.

Hệ tư tưởng mới của nó đơn giản là trước khi đẻ, phải nghĩ về hạnh phúc của đứa con, chứ không phải nghĩ về bản thân, về đạo hiếu, về nối dõi, hay về những thứ rác rưởi tương tự của quá khứ.

Và hệ tư tưởng này, tôi nghĩ nó đã được kích hoạt ở các bạn thế hệ trẻ rồi.”

Tuy nhiên tôi lại thấy thế hệ trẻ không dám sinh con vì sợ quá nhiều trách nhiệm – vẫn lý do ích kỷ là nghĩ cho bản thân.

Chứng sợ gánh trách nhiệm sinh con của giới trẻ

Như tôi, chắc chắn không muốn sinh. Vì tôi làm quái gì có sức khỏe đâu, lo thân tôi còn không xong, huống chi lo thân người khác. Nhưng nếu có tài chính thì muốn xin con nuôi, vì tôi cũng muốn cảm giác được nuôi dạy một đứa trẻ nên người. Tuy vậy, đó là lựa chọn khi tôi có tài chính và sức khỏe, và, vẫn là một sự ích kỷ.

Bạn tôi, là nữ, có việc làm ở công ty lớn, không muốn sinh con vì quá đắt đỏ và không muốn hi sinh thân thể cùng sự nghiệp, là nghĩ cho bản thân mình.

Theo kênh 14, “vài năm trở lại đây, trào lưu về việc không muốn có con ngày càng lan rộng tại khu vực Đông Nam Á. Điển hình có thể gọi tên, đó là trào lưu “DINK” (Dual Income, No Kids – Thu nhập nhân đôi, không có con cái). Khi chủ đề này được đưa lên bàn cân tính toán, nhiều người cho rằng, những người phụ nữ lựa chọn việc “không có con” trở nên ích kỷ hơn bao giờ hết, chỉ biết nghĩ cho mình mà không quan tâm đến gia đình, xã hội, bị phán xét là thiếu trách nhiệm.

Thu Phương (30 tuổi, bác sĩ) cho biết: “Mình đã có gia đình, tuy nhiên đến hiện tại chúng mình vẫn chưa quyết định có con. Trước đây vợ chồng mình cũng có thời gian đi khám, và thuộc trường hợp hiếm muộn khó có con. Vì thế đâm ra chúng mình cũng không lên kế hoạch sinh đẻ gì hết. Hồi đầu cũng mong lắm, nhưng đến bây giờ thì mình lại quyết định không sinh con nữa. Một phần là do công việc của mình quá bận, không có thời gian chăm con, mình lại là nguồn thu chính trong nhà, nên nếu nghỉ để chăm con thì lại không có thu nhập ổn định. Phần còn lại, là do sợ không đủ tài chính và sự kiên trì để chăm sóc con 1 cách chu toàn.

Ba mẹ mình thì hay bảo, sinh đi rồi đưa con để ông bà chăm giùm. Nhưng mình không muốn nuôi con theo cách thức ông bà hồi xưa. Với mình, sinh con ra thì phải nhận chăm sóc từ những năm tháng đầu đời, chứ làm gì có ai tự nhiên sinh ra rồi để con tự lớn được đâu.”” (7)

Đọc xong câu chuyện này thì tôi thấy ông bà mới là người ích kỷ khi áp lực chị Phương và chồng phải có con để “ông bà có cháu bồng” trong khi người ta đã là bác sĩ, tức là biết được giới hạn sinh học của mình và khả năng của ngành y tế.

“Vì chưa có gia đình, nên Kiều Trang (28 tuổi) không gặp phải những băn khoăn giống Thu Phương. Thay vào đó, Trang lại có những quan điểm khá tương đồng với một số bạn trẻ bây giờ.

“Không phải ai cũng sẵn sàng đánh đổi những điều mình đang có để có con. Ví dụ: Chênh lệch trong công việc giữa nam và nữ vốn dĩ đã rất lớn. Nếu bây giờ, bạn lựa chọn sinh con, thì đồng nghĩa khoảng thời gian sinh con ít nhất sẽ kéo dài 2 năm, đợi đến lúc con qua giai đoạn sơ sinh. Khoảng cách 2 năm là quá nhiều đối với những người đang phấn đấu vì sự nghiệp – như mình chẳng hạn.

Hành trình sinh đẻ gần như gánh nặng sẽ nghiêng về người mẹ, cần phải hy sinh vì con nếu muốn cho con được môi trường giáo dục tốt từ khi mới lọt lòng. Nhiều người lựa chọn đánh đổi tất cả vì con, nhưng mình thì không lựa chọn như thế.

Chính những suy nghĩ đấy, khi mình chia sẻ liền bị nói rằng bản thân ích kỷ. Không đẻ con thì ích kỷ với xã hội. Khi đang theo đuổi đam mê, thì việc có con thật sự làm mình cảm thấy gò bó, mệt mỏi và rất nhiều áp lực. Nếu nói như vậy là ích kỷ, thì ích kỷ với ai?”.”(7)

Chị Phương nói đúng. Ích kỷ với xã hội, với gia đình, nhưng nếu không ích kỷ, ai sẽ nghĩ cho mình?

Giới phân tích cho rằng văn hóa doanh nghiệp tại nhiều nền kinh tế châu Á không mang tính hỗ trợ và ảnh hưởng mong muốn có con của phụ nữ. (8)

Dân số thế giới hiện nay đã là 8 tỷ người. Dân số hiện tại của Việt Nam là 99.206.141 người vào ngày 15/01/2024 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc. (9) Đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết theo số liệu ước tính, tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Mức sinh thấp hôm nay sẽ trở thành gánh nặng trách nhiệm cho thế hệ những đứa trẻ là “con một” trong tương lai, khi phải gánh vác an sinh cho một xã hội già, siêu già, đồng nghĩa thiếu hụt nguồn lao động.

Do đó, theo đại diện Cục Dân số, với vùng mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con; Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng…

Việc hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai và sinh con; hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con cũng là nội dung cần thí điểm, theo Cục Dân số. (10)

Cái vấn đề cốt lõi là tăng lương thì không chịu tăng, vậy còn lâu người ta mới sinh tiếp. Tăng lương và bớt bớt việc làm khó phụ nữ sau sinh xin việc, các anh chị HR ạ.

Tại sao giới trẻ lười sinh con?

Do lười cưới. Vì sao lười cưới? “Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thành Nam có thể thấy 3 lý do chính dẫn đến việc người trẻ ngày nay lười yêu, ngại cưới đó là do người trẻ tập trung cho việc xây dựng sự nghiệp và tài chính cá nhân. Bên cạnh đó, sự phát triển của các phong trào bình đẳng giới cũng khiến cho người trẻ ưu tiên việc thực hiện ước mơ bản thân hơn là lập gia đình. Ngoài ra, sự phát triển như vũ bão của internet, của mạng xã hội cũng khiến người trẻ thu mình, ngại các mối quan hệ xã hội.”  (11)

Ý cuối không sai, khi mà tôi quẹt 600 quẹt mới ra anh người yêu 100.000 VND, và thêm 50 quẹt nữa ra anh người yêu hiện tại.

Mà vì sao tôi rảnh như vậy? Do tôi thất nghiệp, chứ tôi mà đi làm chắc cũng không có thời gian ngồi tiếp chuyện cả 650 người.

Mà tôi là đã tiếp thu tư tưởng muốn có con trước 35 để trứng chưa kịp hết thì phải có chồng năm 30, mà muốn có chồng năm 30 tuổi thì phải lo đi kiếm chồng năm 25 tuổi rồi đấy.

Còn bạn bè tôi hiện tại chắc lên senior, lên leader hết rồi.

Âu cũng là từ một xu hướng: Thất tình không sao, thất nghiệp mới có sao.

Nói cách khác, tuổi trẻ chỉ được có một thôi, sự nghiệp hoặc tình yêu. Tôi có tình yêu, chị tôi có sự nghiệp.

(Bạn trai tôi có cả hai, haha)

Hôm bữa, tôi nói nhỏ nhẹ với mẹ rằng mẹ than phiền quá nhiều về tôi làm tôi nản. Cách chị tôi nói chuyện với tôi làm tôi nản. Mẹ bảo, để mẹ nói chuyện lại với chị.

Hôm sau, tôi nói giữa mâm cơm: “Có ông MC phát ngôn mắc cười: nghèo thì không nên đẻ.”

Chị tôi nói: “Để ý ba chuyện đó thì hay lắm.”

Lúc tôi bảo tôi định ứng tuyển công ty kia, chị tôi hỏi: “Bạn mà cũng có portfolio viết hả? Bạn nghĩ bạn đậu nổi công ty đó hả?”

Vậy nên lúc mẹ tôi đi cắt duyên âm cho chị tôi, tôi bảo: “Vấn đề không phải duyên âm, vấn đề là ở cái nết không ra gì thì có.”

Vì chị tôi quá giỏi tập trung sự nghiệp nên tính cách với trong tình yêu của bả không ra gì, còn tôi quá giỏi yêu đương nên tính cách trong sự nghiệp của tôi không ra gì.

Kế thừa sự nghèo khó và vất vả

Bàn xa quá rồi, quay lại vế “kế thừa sự nghèo khó và vất vả” là không nên. Có những người xuất phát điểm thấp, họ có nhiều động lực vươn lên trong cuộc sống như những tấm gương vượt khó nhan nhản trên báo chí. Nhưng cũng có người sinh ra trong gia đình nghèo khó, môi trường toàn kim tiêm, họ trở thành con nghiện, ăn cướp và dùng bạo lực sống qua ngày.

Có hộ nghèo nhưng được phổ cập kế hoạch hóa gia đình, và cũng có người cha rớt mùng tơi nhưng không chịu dùng bao cao su vì nó “cảm giác kì kì”, và đó là người cha của 13 người con, sống bằng tiền ủng hộ của những người xung quanh.

Có bố mẹ trung lưu sinh ra con học 3 trường đỉnh nhưng bị tâm thần, nhưng chị nó làm HR lương ổn, nuôi một bé mèo cho vui nhà vui cửa vì ế.

Có gia đình giàu, con cái xa cách, nhưng lại có đủ tiền để cho con học nước ngoài, và cha, mẹ và con của họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau, chỉ là không ở bên nhau.

Vậy tiền có mua được hạnh phúc không?

 “Nghiên cứu mới từ một nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel và các nhà nghiên cứu đồng nghiệp cung cấp một câu trả lời mới. Tiền dường như thúc đẩy hạnh phúc – ít nhất là đối với hầu hết mọi người – lên tới 500.000 đô la, theo bài báo mới được công bố trong tháng này trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Điều đó mâu thuẫn với nghiên cứu trước đó của một trong những nhà kinh tế học tham gia vào nghiên cứu mới, Daniel Kahneman, người vào năm 2010 đã công bố một nghiên cứu có ảnh hưởng với người đồng nghiệp đoạt giải Nobel Angus Deaton. Nghiên cứu năm 2010 cho thấy tiền bạc chỉ có thể thúc đẩy hạnh phúc đến một mức độ – khoảng 75.000 đô la thu nhập hàng năm. Ngoài con số đó, các nhà nghiên cứu kết luận, tiền bạc có ít tác động.

Tuy nhiên, Killingsworth đã nói trong tuyên bố, “Nếu bạn giàu có và khốn khổ, nhiều tiền hơn sẽ không giúp được gì.” Và thực sự, một nghiên cứu khác về khoa học hạnh phúc đã phát hiện ra rằng các khía cạnh khác của cuộc sống, từ cộng đồng đến sở thích, có tác động có thể đo lường được đối với sự hài lòng. Nhưng tiền có thể góp phần vào một cuộc sống hạnh phúc hơn, ông nói thêm. “Tiền chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định hạnh phúc”, ông nói trong tuyên bố. “Tiền không phải là bí mật của hạnh phúc, nhưng có lẽ nó có thể giúp ích một chút.” “(12)

Điều gì làm nên sự hạnh phúc?

Trích quyển sách mà người đã đưa tôi đến bác sĩ tâm thần đã mua tặng tôi:

“Những điều quan trọng nhất trong tất cả để sống hạnh phúc là quan hệ của chúng ta với người khác… Lựa chọn phải là của bạn… Tất cả chúng ta sẽ tìm ra đáp án cho riêng tôi. Chúng ta có sáu tỷ người, nên có sáu tỷ con đường dẫn đến hạnh phúc.” (13)

“Sáu tỷ đường đến hạnh phúc” – Stefan Klein

Hạnh phúc của một quốc gia phụ thuộc vào sức khỏe thể chất và tinh thần, các mối quan hệ con người (trong gia đình, tại nơi làm việc và trong cộng đồng), thu nhập và việc làm, phẩm chất (bao gồm sự ủng hộ xã hội và niềm tin xã hội), hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân, thiếu tham nhũng và việc chính phủ làm việc hiệu quả. (14)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) VnExpress. (2023, June 5). “Nuôi con đến 22 tuổi mỗi tháng tốn 15 triệu đồng.” vnexpress.net. https://vnexpress.net/nuoi-con-den-22-tuoi-moi-thang-ton-15-trieu-dong-4613708.html
(2) Dự trù và chuẩn bị chi phí nuôi con A – Z cho bố mẹ trẻ. (n.d.). AIA Việt Nam. https://www.aia.com.vn/vi/song-khoe/loi-khuyen/tai-chinh/chi-phi-nuoi-con.html
(3) Dương T. (2024, January 14). MC Đức Bảo xin lỗi vì phát ngôn “không nên sinh con ra để kế thừa sự nghèo khó của bố mẹ.” Báo Điện Tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/mc-duc-bao-xin-loi-vi-phat-ngon-khong-nen-sinh-con-ra-de-ke-thua-su-ngheo-kho-cua-bo-me-post1604267.tpo
(4) Diệp T. (2023, June 29). Chuẩn bị tiền bạc thế nào để tính tới chuyện sinh con? Copyright (C) by Công Ty Cổ Phần VCCorp. https://afamily.vn/chuan-bi-tien-bac-the-nao-de-tinh-toi-chuyen-sinh-con-20230629103515277.chn
(5) Linh Nguyen, Facebook Nguyễn Tuấn Linh, (16 June, 2023), https://www.facebook.com/photo/?fbid=24509915725322132&set=a.401172679956440
(6) VnExpress. (2022, January 20). Tại sao sinh con? vnexpress.net. https://vnexpress.net/tai-sao-sinh-con-4418839.html
(7) Ht H. D. (2022, August 25). Người trẻ không muốn có con lập tức bị gắn mác ích kỷ Công Ty Cổ Phần Vccorp. https://kenh14.vn/nguoi-tre-khong-muon-co-con-lap-tuc-bi-gan-mac-ich-ky-20220825195818724.chn
(8) An K. (2023, July 14). Chật vật giải bài toán lười kết hôn, sinh con. thanhnien.vn. https://thanhnien.vn/chat-vat-giai-bai-toan-luoi-ket-hon-sinh-con-185230713203336008.htm
(9) Admin. (2018, July 16). Dân số Việt Nam mới nhất (2024) – cập nhật hằng ngày  https://danso.org/viet-nam/
(10) VnExpress. (2023b, December 26). Mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm. vnexpress.net. https://vnexpress.net/muc-sinh-cua-viet-nam-tiep-tuc-giam-4693626.html
(11) VietNamNet News. (n.d.). Khi người trẻ mắc hội chứng “lười yêu, ngại cưới.” VietNamNet News. https://vietnamnet.vn/khi-nguoi-tre-mac-hoi-chung-luoi-yeu-ngai-cuoi-2143423.html
(12) Picchi, A. (2023, March 10). One study said happiness peaked at $75,000 in income. Now, economists say it’s higher — by a lot. CBS News. https://www.cbsnews.com/news/money-happiness-study-daniel-kahneman-500000-versus-75000/
(13) Klein, S. (2015). The science of happiness: How Our Brains Make Us Happy and what We Can Do to Get Happier.
(14) The importance of these variables appears both in cross-country context, as in Table 2.1 of Chapter 2 in World Happiness Report 2023, and in analysis of individual responses, as shown, for example in Table 2.4 of World Happiness Report 2022, or in Clark et al. (2018)

Đọc phần tiếp theo: Về việc tập thể dục, khám bệnh, thất nghiệp, trầm cảm, vô sinh, u não trong căn nhà 10 tỷ

Nếu bài viết giúp bạn hiểu những góc nhìn của cha mẹ độc hại, xin hãy ủng hộ cho tôi tại đây

Love Yourself, despite your parents,
NARCY NGUYỄN


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Narcy Nguyen