Past Lives/ Muôn Kiếp Nhân Duyên – Câu chuyện bất hủ về tình yêu và tham vọng của người phụ nữ Á Đông

Nam nu chinh cua phim Past Lives

Để nói về tình yêu, người ta thường nhắc đến hai chữ: duyên phận. Tiếng Hàn là “in-yun”, tiếng Trung là “yuanfen”, tiếng Việt là “nhân duyên”. Bộ phim “Past Lives” – tựa tiếng Việt là “Muôn kiếp nhân duyên” đã nói về “sợi chỉ đỏ” một cách đầy ý nhị qua câu chuyện kéo dài 24 năm về ba con người: Na Young (Nora) – nữ chính cùng Hae Sung (tình đầu) và Arthur (chồng Na Young). Câu chuyện đến từ hãng phim A24 đã để lại trong lòng độc giả biết bao nhiêu suy nghĩ về việc tình yêu là định mệnh hay lựa chọn của mỗi người.

“Bạch nguyệt quang” và “Nốt chu sa” của phái nữ

Người đời thường nói về đàn ông và “Bạch nguyệt quang” cùng “Nốt chu sa” của họ. Liệu với một phụ nữ, có thể có hai khái niệm: người tình – “Bạch nguyệt quang” và người chồng – “Nốt chu sa” không? Đạo diễn Celine Song đã cho chúng ta thấy điều này hoàn toàn có thể: Hae Sung chính là “Bạch nguyệt quang”, là người mà Na Young đem lòng mến mộ từ thuở niên thiếu, còn Arthur là “Nốt chu sa”, là người Na Young lấy làm chồng để bên nhau đến đầu bạc răng long.

Càng lớn, con người càng nhận ra: yêu không chỉ là yêu, yêu còn là tính toán. Ông trời se duyên cho Na Young và Hae Sung đến với nhau nhờ chung trường học, thuật toán của internet đã kéo họ lại gần, nhưng mối duyên đó không đủ địa vị (tấm thẻ xanh), sự dễ dàng (chung thành phố) và mối quan tâm chung (viết lách) như Na Young và Arthur nên nó thiếu in-yun.

Giống như Mia của “La La Land”, dù đã hứa yêu Sebastian mãi mãi, cô vẫn chọn người chồng hiện tại vì anh ở gần cô và giúp đỡ cô nhiều hơn về sự nghiệp. Mối tình “La la land” và “Muôn kiếp nhân duyên” càng củng cố thêm định luật: Tri kỷ rượt đuổi nhau khắp địa cầu vẫn không bằng tấm thẻ xanh lạ mặt cùng thành phố.

Na Young nói rằng:

“Sẽ là một in-yun nếu hai người lạ đi lướt ngang qua nhau trên một con phố, và quần áo họ vô tình va chạm nhẹ vào nhau. Nếu hai người kết hôn, họ tin rằng đã có 8.000 lớp nhân duyên trong 8.000 tiền kiếp ở giữa họ.”

Như vậy, với việc gặp nhau lần một tại Hàn của cặp nam nữ chính rồi lại chia xa, gặp nhau lần hai nhờ thuật toán mạng, gặp nhau lần ba ở Mỹ khi Na Young đã lấy chồng, có lẽ có xấp xỉ 7.999 lớp in-yun giữa Hae Sung và Na Young. Tuy vậy, điều đó vấn thấp hơn so với 8.000 lớp in-yun giữa Na Young và Arthur.

Điều này càng để lại cho khán giả thêm nhiều suy tư về số phận và lựa chọn của con người. Trời xanh cho 52 lá bài, thế nhưng việc làm gì với những lá bài nào hoàn toàn phụ thuộc vào từng người. Nếu bỏ lỡ in-yun này, lần sau muốn bồi đắp thêm in-yun có lẽ phải chờ ly hôn.

Định mệnh cho Na Young và Hae Sung gặp mặt, nhưng vì hai người không chịu hy sinh, đánh đổi nên không đến được với nhau. Liệu nếu không vì sự nghiệp và mấy chục nghìn kilomet thì có lẽ hai người có tiến triển thành một ngôi nhà nhỏ hai trái tim vàng? Mặt khác, liệu Na Young có thể nâng cao vị thế của mình trong xã hội nếu mãi ở lại Hàn Quốc, mãi bên cạnh Hae Sung? Nếu Arthur không có thẻ xanh, liệu anh có thành “nốt ruồi son” của Na Young hay “ánh trăng bạc” Hae Sung sẽ trở thành người chồng?

Và cuối cùng, nếu không trải qua những khó khăn trong tình yêu với “Bạch nguyệt quang” Hae Sung, liệu cô có trở thành nhà soạn kịch ở New York – tụ điểm của thế giới, có trân trọng những khoảnh khắc bên cạnh “Nốt chu sa” Arthur?

Tham vọng của người phụ nữ châu Á qua Past Lives

Đạo diễn Celine Song có lẽ cũng thông qua bộ phim này để kể câu chuyện của mình khi chính bà cũng là người Canada gốc Hàn, sinh sống ở Hoa Kỳ và cưới một nhà văn người da trắng gốc Do Thái. Nhờ thế, khi quay “Muôn kiếp nhân duyên”, cô dễ dàng khiến khán giả châu Á liên hệ bản thân qua Na Young khi cô ganh đua thành tích học tập với crush để rồi phấn đấu ra nước ngoài để thử sức mình, bởi vì không có nhiều người châu Á đạt giải Nobel, Pulitzer hay Tony.

Phim không nhắc đến Oscar bởi đạo diễn Song đã làm nên bộ phim này để tranh cử giải thưởng cao quý ấy, và phim đã được đề cử hạng mục “Phim xuất sắc nhất” cũng như “Kịch bản gốc”, thật đáng nể khi đây là bộ phim đầu tay của bà. Tuy nhiên, cách xây dựng nhân vật và diễn xuất của nữ diễn viên Greta Lee chưa được tinh tế như một nhà văn, thế nên cô chưa thể được đề cử giải Oscar “Nữ diễn viên xuất sắc” cho vai diễn này.

Đó là về sự nghiệp, còn tình yêu, người chủ động nói chia tay là Na Young. Vì Hae Sung không thể đến New York gặp cô như cô nghĩ. Vì Hae Sung muốn học tiếng Quan Thoại, chứ không phải tiếng Anh. Vì việc gặp lại chính là thứ giữ mọi mối yêu xa được dài lâu. Vì Na Young đã phải nhập cư hai lần để đến được bến bờ New York. Bao cực nhọc ấy, cô muốn đạt được một điều gì đó ở đây, để xứng với những công sức đã bỏ ra thay vì ngồi so sánh vé nào về Seoul rẻ nhất.

Khi gặp lại, Hae Sung có vẻ gì đó rất tự ti trước người đàn ông không đẹp trai bằng mình nhưng có quốc tịch Mỹ – Arthur. Hoặc có lẽ, văn hóa khiêm nhường của Hàn Quốc điều kiện hóa anh như vậy khi gặp người con của văn hóa cá nhân là chồng Na Young. Áp lực khi là con một, phải trở thành người thành công và giàu có hơn, trong khi anh vẫn sống với bố mẹ khiến anh tự ti, điều mà khán giả đã thấy khi anh nhìn cô bước lên bậc cầu thang rực rỡ, cũng là “bậc thang” xã hội khi cô xuất ngoại còn anh ở lại.

Vì tham vọng của cô lớn hơn anh, anh không thể nào bắt cô ở lại và dập tắt mong ước của mình được.

Vì lý do đấy, Na Young đã không lấy người đàn ông nam tính truyền thống làm chồng, mà chọn lấy một người nam tính bên ngoài nhưng nhạy cảm hơn về bên trong là Arthur. Có thẻ xanh nhưng cuộc sống của cô không hẳn giàu có; thế nhưng, người phụ nữ người Mỹ gốc Hàn này suy nghĩ tích cực và thực tế về hôn nhân hơn người đàn ông người Hàn gốc Hàn là Hae Sung.

Ba hạt “bụi vàng” của Past Lives

Cao trào của bộ phim dẫn đến câu hỏi: liệu ánh nhìn chằm chằm, tiếc nuối và có phần ám ảnh của Na Young dành cho Hae Sung có tiến triển thành nụ hôn tạm biệt? Và cuối cùng, bất ngờ thay, lạ lùng thay, không có nụ hôn nào cả, vì hai người đều đã trưởng thành, khác biệt về tư duy, tính cách, quốc tịch, địa vị và tình trạng hôn nhân. Hae Sung lên chiếc taxi đi về phía bên trái, tức là quá khứ. Na Young đi về phía bên phải, là hiện tại và tương lai của cô, về với Arthur. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, chỉ có ký ức là ở lại.

Nước mắt xuất hiện lần đầu khi Na Young xếp sau Hae Sung một bậc trong học tập, bây giờ lại xuất hiện trên gương mặt của cô khi cuối cùng, lý trí sụp đổ, chất “Hàn” xâm lấn, chất “Mỹ” không còn, cô nức nở trên vai của Arthur sau khi Hae Sung đi.

Trước khi ôm cô, Arthur dụi tắt điếu thuốc, thứ khán giả thấy lần đầu trên tay bố mẹ Na Young vì áp lực nhập cư; nó hiện hữu lần hai trên tay Hae Sung sau khi Na Young ngủ, không nghe anh gọi qua internet. Nó xuất hiện lần ba trên miệng của Hae Sung khi sắp gặp Na Young ở New York, và cuối cùng, nó hiện ra trên tay của Arthur, xoa dịu anh khi chờ vợ mình về sau khi ly biệt mối tình đầu. Nghệ thuật sắp đặt hoàn hảo, tạo nên ba “bụi vàng” của tác phẩm: nụ hôn không thành, giọt nước mắt và điếu thuốc.

Kết

Nếu Hae Sung biết tiếng Việt, có lẽ trong lúc đi taxi, anh sẽ bật bài “Bạn đời” của nam ca sĩ Karik feat với GDucky. MV bài hát có tone lạnh, mở đầu bằng một câu tóm gọn cả bộ phim: “Kiếp trước có lẽ đôi ta yêu nhau mà chẳng thể thành vợ chồng.” Trong “Muôn kiếp nhân duyên” cũng là những tone màu lạnh, lạnh như thực tế cuộc sống chứ không hồng như tình yêu, như nói lên chủ đề chính của bộ phim chính là những suy nghĩ tiếc nuối về mối tình không thành.

Số từ: 1622

Be Real,

Narcy Nguyen

Bạn có thể đọc các review phim khác ở đây.



Chuyên mục:
Review Phim

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Narcy Nguyen