Hành trình sống chung với bệnh trầm cảm của cô gái đôi mươi
Nguồn: Unplash Volkan Olmez
Đọc phần trước: Hạn sử dụng của tình bạn
Cảnh báo: Bài viết có nội dung nặng nề về tâm lý, có nhắc tới bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực và rối loạn phân liệt, nhắc đến ý nghĩ tự tử và hành vi tự hại. Độc giả nên lưu tâm đến trạng thái tâm lý của mình trước khi đọc tiếp, hoặc chuyển đến một bài viết tích cực hơn : Những điều giữ tôi còn sống
“Hãy nhớ rằng, mỗi người bạn gặp đều sợ một điều gì đó, yêu một thứ gì đó và đã mất một điều gì đó. – H. Jackson Brown
Bài hát gợi ý: Would anyone care – Citizen Soldier
Đây là câu chuyện của tôi, hành trình tôi chìm sâu vào trong căn bệnh tâm thần và hành trình sống chung với bệnh.
1. Một đứa trẻ 10 tuổi thì trầm cảm vì điều gì?
Lần tự tử đầu tiên của tôi bắt đầu khá sớm, vào khoảng lớp 5. Lớp 5 lên lớp 6 là một giai đoạn cực kỳ căng thẳng với tôi vì tôi phải ôn thi vào lớp 6 trường chuyên cấp hai danh giá nhất ở Hồ Chí Minh. Bố tôi là một người đầu tư giáo dục cho con khá sớm nên đã hướng tôi vào ngôi trường này. Một chút về bố tôi thì hiện tại bố mẹ tôi đối xử với tôi tốt rồi nhưng hồi tôi còn nhỏ thì bố tôi khá là bạo lực, nóng tính, gia trưởng, bệnh thành tích và không quan tâm đến cảm xúc của tôi. Tôi còn nhớ có một ký ức là khi bố mẹ tôi có khách đến thăm, bố mẹ tôi luôn khoe rằng tôi học giỏi như thế nào còn lúc đó suy nghĩ của tôi là: “Sao bố mẹ không nói điều đó với con mà lại nói với người khác?”. Là một đứa trẻ, tôi chỉ mong bố mẹ khen tôi với tôi chứ chưa hiểu được sự tự hào của bậc làm cha làm mẹ châu Á cần phải giữ trước mặt mọi người, vậy nên tôi khá là ức chế. Để chịu đựng với sự căng thẳng này thì tôi nhớ là tôi đã phát hiện ra bộ phim “Cardcaptor Sakura” của Clamp. Mỗi giây phút xem Sakura thu phục thẻ bài là một lần tôi được trốn thoát khỏi thực tại nghiệt ngã.
Hôm mọi chuyện xảy ra, chỉ là cả nhà đang ngồi ăn thì tôi vẫn đang ngồi xem tập áp chót của Sakura (tôi vẫn còn nhớ đó là tập áp chót), bố tôi la toáng lên là tôi phải ngồi ăn cùng với gia đình (mọi người biết bữa ăn gia đình với gia đình châu Á quan trọng cỡ nào mà, nhưng tôi thì quá nhỏ nên không biết) và không được coi phim nữa. Giằng co một hồi thì tôi phải ngồi ăn với gia đình trong ấm ức, thế là tối hôm đó tôi bỏ vào cặp sách một gói dầu gội Clear mát lạnh bạc hà. Hôm sau lên trường vào giờ ra chơi, tôi đem gói dầu gội ấy vào nhà vệ sinh nuốt gọn. Đột nhiên lúc đó có người bước vào nhà vệ sinh với tôi, là người lạ, thế là tôi bị nhột, cùng lúc thì cơ thể phản ứng kịp thời với đồ có vị đắng, ép tôi nôn ra. Tôi nôn ra gần hết, miệng thì toàn xà phòng nổi bọt lại đắng ngắt. Kỉ niệm nhớ đời cho lần tự tử đầu tiên của một đứa trẻ 10 tuổi.
2. Lần mém tự tử thứ 2 khi học tiểu học
Gia đình tôi từng không hạnh phúc vì sự bạo lực của bố tôi. Có lần bố quăng rổ bún vào mẹ làm nó ụp vào tóc mẹ. Hình ảnh tôi nhớ rõ nhất là đầu mẹ sợi tóc đen lẫn vào sợi bún trắng. Và khoảnh khắc tiếp theo là chị tôi hét lên câu gì đó tương tự như là: “Tại sao bố mẹ lại cãi nhau đến mức này? Bố mẹ tin con lấy dao tự đâm mình chết ngay lập tức không?” Có lẽ hình ảnh ấy là gợi ý cho lần tự tử tiếp theo của tôi.
Vào tuần đó, theo tôi nhớ tôi bị chị la khá là nhiều. Mối quan hệ hai chị em vốn khắc nhau, tôi còn hay bị chị chì chiết – điều mà tôi nhận ra có lẽ chị tôi là tsundere, có cách yêu thương người khác hơi bị lạ lùng. Tôi còn nhớ trong lúc uất ức đầu óc tôi trống rỗng, tôi xuống bếp lấy con dao gọt trái cây xong cứ chĩa vào bụng tôi, dứ dứ như thể chực chờ đâm thẳng vào trước con mắt hoảng hốt của mẹ tôi.
Chị tôi lôi tôi vào giường ngồi nói chuyện. Chị hét lên hỏi tại sao lại hành xử như vậy. Tôi trả lời do chị và mẹ đối xử với tôi quá tệ. Chị đã nói một câu làm tôi nhớ suốt đời: “Tại sao mẹ cho cơm ăn áo mặc, cho mái ấm cho nhà cửa không biết ơn mà chỉ nhớ những lần bị đối xử tệ?”
Tôi đi tìm câu trả lời đó suốt một chặng đường dài. Tôi mãi tự dằn vặt bản thân tôi là kẻ bất hiếu khi thấy uất ức vì bị đối xử, mắng nhiếc tệ hại theo cái kiểu yêu thương cứng nhắc, thương cho roi cho vọt của ba mẹ châu Á. Mãi những năm gần đây tôi mới tìm được câu trả lời để xác nhận lại nỗi bức xúc của bản thân là chính đáng: Bản năng sinh tồn dạy cho não bộ con người luôn nhớ lâu những cảm xúc tiêu cực. Một con người có hai mặt: thể chất và tinh thần. Cha mẹ cho cơm ăn áo mặc, cho ăn học, cho mái ấm là lo cho thể xác, để hoàn thiện cần chăm lo cho tinh thần của con cái nữa mới toàn vẹn.
3. Đó chỉ là một thằng con trai thôi mà!
Thời gian qua đi, tôi vào cấp 3. Mãi cho đến bây giờ, đôi khi tôi không tưởng tượng được vì sao chỉ một thằng con trai lại có thể đem lại cho tôi nhiều vấn đề như vậy. Đó là câu chuyện giữa tôi và Xe Tải. Tôi cảm thấy bị lừa dối, không tôn trọng, bị lợi dụng cả về thân xác lẫn tinh thần. Lúc gõ những dòng này tôi đã Google “làm sao để vượt qua người yêu cũ độc hại” và tất cả những lí do vì sao để vượt qua một người yêu cũ độc hại lại khó như vậy tôi đều có cả.
- Mối quan hệ độc hại làm loạn đầu óc và trực giác của người trong cuộc.
- Chúng ta dễ dàng nhầm lẫn drama và tình yêu. Tôi cứ tưởng mối quan hệ này nhiều kịch tính như vậy là do Tải yêu tôi lắm và tôi không nên bỏ qua một người yêu tôi nhiều như vậy, vì chắc gì đã có người thứ hai yêu tôi nhiều như thế. Lúc đầu khi chia tay Tải tôi còn nói dối bạn bè rằng tụi tôi vẫn còn quen như để chối bỏ thực tại nghiệt ngã rằng khi chia tay một người như vậy mọi thứ sẽ tệ lắm. Ừ, khá tệ, nhưng chỉ là nỗi đau tạm thời so với việc ở lại trong mối quan hệ ấy.
- Rất khó khăn để buông bỏ hình tượng của một người. Có lẽ cái tôi yêu là hình tượng Tải trong trí tưởng tượng của tôi chứ con người thật của Tải tôi không ngửi nổi.
- Bạn mất đi một phần của bản thân trong mối quan hệ, cứ như một phần danh tính của bạn bị mất đi. Tôi đã mất rất lâu mới có thể thôi yêu Tải, vậy mà năm ngoái, 8 năm trôi qua, những tưởng mọi thứ yên rồi, tôi lại đọc lại được tin nhắn cũ của Tải trong page của tôi. Không hiểu lý do vì sao Tải có thể mặt dày nhắn tin rằng chúc tôi thành công nhé. Tôi còn thấy avatar và ảnh bìa của Tải lúc này, sau nhiều năm trôi qua, là với bạn gái mới. Tôi không hiểu sao một người từng làm tổn thương tôi như vậy lại có thể có bạn gái mới, một cuộc sống mới và hạnh phúc mới như vậy. Đáng lẽ anh ta phải độc thân, hằng ngày hối cải về những gì anh ta đã làm. Nhưng cuộc sống là thế đấy. Và số phận quyết định rằng tôi phải nhìn cái ava ấy vào cái ngày mà tôi đã không được uống thuốc trầm cảm đã một tuần, vì giãn cách nên tôi không đi lấy thuốc được và bị mất ngủ, khi sự bình yên của tôi mỏng manh như sợi tóc bị căng sắp đứt đến nơi.
Đôi khi tôi nghĩ về lý do vì sao Tải lại đối xử với tôi như vậy. Tôi tìm được năm lý do:
- Một người con trai 17 tuổi thì không đủ khôn khéo và trưởng thành để đối xử tốt với bạn gái.
- Một người con gái 15 tuổi như tôi lúc ấy thì cũng không đủ khôn khéo và trưởng thành để biết như thế nào là một mối quan hệ tốt nên tôi cứ chịu đựng như vậy thôi mà không phản bác lại điều gì, cũng không đặt ra ranh giới rõ ràng về việc gì có thể chịu đựng, việc gì không
- Anh ta là người xấu.
- Đối xử tệ với người khác và Friends with benefits dường như là hai cái xu hướng mà ai cũng tưởng là hay lắm và muốn trải qua ít nhất một lần.
- Tôi và Tải không hợp
Nhưng dường như chừng này lý do này là không đủ để bù đắp sự giận dữ anh ta để lại trong tôi.
4. Học cách nhìn người từ việc bị đối xử thậm tệ
Tôi đã miêu tả mối quan hệ giữa tôi và Vô Lượng ở phần “Kẻ bám đuôi trong Vô Lượng kiếp”, tôi sẽ tóm tắt cho những ai không nhớ: tôi gặp và từ chối tình cảm của Vô Lượng. Hắn ta sau đó bắt đầu theo dõi, quấy rối và bôi nhọ tôi trên mạng xã hội và trong đời sống thực. Hành vi này gây ra việc tôi bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Cuối cùng, tôi đối mặt và yêu cầu Vô Lượng chấm dứt hành vi quấy rối và nhận được đề xuất trả tiền để chuộc lỗi.
Đáng lẽ tôi nên thấy thoả mãn, nhưng không, vấn đề không phải là tiền. Không phải cứ trả tiền thuốc là xong. Cần rất nhiều nỗ lực từ tôi để tiến trình suy nghĩ, đi điều trị tâm lý để tha thứ cho Vô Lượng để được thanh thản. Mãi cho đến khi tôi nghe được bài Clean từ album “1989” của Taylor Swift, khi đọc lời tôi cho rằng đây là một trong những bài hát hay nhất của Taylor. Lời bài hát như sau: “Mưa rơi nặng hạt/ Khi em đuối nước, đó là khi em cuối cùng cũng thở được/ Và khi trời rạng sáng, những dấu vết về anh cũng trôi mất, đó là lúc em nghĩ cuối cùng mình cũng được thanh tẩy […] Mười tháng sau, tôi sẽ không dừng lại/ Bây giờ khi tôi đã thanh tẩy, tôi sẽ không bao giờ mạo hiểm nữa.” Về ca khúc Clean, Taylor chia sẻ: “Bạn biết đấy, khi ai đó chỉ trích bạn, hoặc nói điều gì đó sau lưng bạn – những từ ngữ mà họ nói, giống như những từ ấy được viết lên khắp khuôn mặt, khắp thân thể bạn. Và rồi, những từ ngữ ấy trở thành những tiếng vang trong trí óc bạn. Và có rủi ro thật sự rằng những từ ngữ ấy có thể trở thành một cách bạn nhìn nhận chính bản thân tôi. Và khoảnh khắc bạn nhận ra rằng bạn không phải là ý kiến của một người không biết về bạn hoặc quan tâm đến bạn, khoảnh khắc ấy, khi bạn nhận ra điều ấy, giống như bạn được thanh tẩy vậy.”[1]
Sau bao nỗ lực, có những lúc tôi mất ngủ vì tức giận vì sao lại bị đối xử như vậy. Lý do có lẽ là vì một chàng trai 17 tuổi thì chưa đủ tinh tế để đối xử tốt với một người con gái mình thích. Hoặc đơn giản, Vô Lượng là người không tốt và tôi giống như phí đi đường mà Vô Lượng phải trả để đối xử với người khác tốt hơn và Vô Lượng cũng là cái giá tôi phải trả để biết nhìn người tốt hơn, cho dù cái giá có vẻ quá đắt. Mối nghiệt duyên giữa tôi và Vô Lượng là mình chứng cho việc bạn hoàn toàn có thể có vấn đề với một người mà bạn chưa hề hôn, rằng một người vẫn có thể để lại những ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc đời dù bạn đã đẩy người đó ra xa, và rằng lời nói, câu chữ có sức mạnh ghê gớm như thế nào.
5. Áp lực đồng trang lứa khiến tôi gục ngã
Từ cấp 2 tôi đã học trường chuyên lớp chọn. Cấp 3 và đại học cũng vậy. Môi trường học tập rất tốt và tôi được cọ xát với những người giỏi như tôi và rất nhiều người giỏi hơn tôi. Lúc đó chính kiến bản thân chưa đủ mạnh nên thấy mọi người làm gì thì tôi làm theo thôi. Thấy mọi người tham dự hoạt động ngoại khóa thì tôi cũng tham dự kiểu như bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông ấy. Cái cảm giác tôi không đủ tốt ấy lần đầu tiên đến với tôi khi tôi thấy mọi người chuẩn bị đi du học. Kiểu như FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ) ấy. Tuy cảm giác ấy có từ cấp 3 nhưng khi chuẩn bị thi đại học tôi đã nghĩ là ở Việt Nam vừa rẻ hơn, vừa có lắm thứ để học hơn thì tôi cứ học ở Việt Nam và làm những thứ tôi có thể ở Việt Nam xem sao đã. Thế nhưng, lên đại học, sau khi thi trượt hàng loạt câu lạc bộ và làm những hoạt động mà tôi không hẳn đã hài lòng, có một thời gian dài tôi đã cảm thấy tôi không bằng những du học sinh ở nước ngoài. Cùng lúc đó là áp lực đồng trang lứa trong trường Ngoại Thương. Có rất nhiều người giỏi, học giỏi mà làm cũng giỏi, có người bỏ học đi khởi nghiệp, có người mới ra trường đã kiếm được lương nghìn đô, trong khi đó tôi vào trường với hi vọng kiếm được học bổng và ước mơ đó đã tan tành ngay học kỳ đầu khi tôi học hết sức, ngoài học không làm việc gì bên ngoài nữa vậy mà cũng không đạt được học bổng, vậy thì ra trường tôi sẽ làm sao? Đặc biệt là mức lương nghìn đô khi mới ra trường đã làm tôi lạc lối một khoảng thời gian, cảm thấy bản thân chưa đủ tốt khi mới ra trường, thu nhập tôi được có 5-7 triệu/tháng.
Những cảm xúc, những âu lo ấy theo tôi một thời gian dài, cho đến năm học thứ 3, năm tôi 21 tuổi, tôi bắt đầu có những triệu chứng về mặt thể chất về rối loạn lo âu vì tôi bắt đầu bị nôn khan mỗi sáng khi đánh răng, nôn không kiểm soát mà lúc đó trong bụng không có gì ấy. Tôi đi khám thì được chẩn đoán là bị nhiễm vi khuẩn HP. Thế là bắt đầu khoảng thời gian đi bệnh viện và uống thuốc kéo dài đến mấy tháng. Sau đó vì lờn thuốc nên tôi bắt đầu đi khám ở một bác sĩ chuyên khoa đầu ngành bệnh viện đại học Y Dược và phải uống thuốc khá nặng đô. Tác dụng phụ của thuốc mạnh khiến tôi cả ngày chỉ nằm bẹp ở nhà, ăn không ngon ngủ không yên, thất nghiệp. Thế là tất cả những suy nghĩ về việc bản thân tôi không đủ tốt, không còn chút giá trị để tồn tại trong thế giới này bắt đầu bám lấy tôi và nhấn chìm tôi xuống vũng bùn của trầm cảm. May phước lúc đó, Phần Lan, bạn trai cũ của tôi đã đưa tôi đến phòng khám tâm thần. Thế là tôi bắt đầu uống thuốc và điều trị tâm lý từ năm 21 tuổi. Cuộc đời tôi thay đổi từ đó.
Nếu bạn hỏi tôi những bí kíp để chống lại áp lực đồng trang lứa thì tôi có những bài học cốt lõi như thế này:
- Nhận ra bạn là phiên bản đặc biệt và duy nhất của chính mình.
- Bất cứ điều gì bạn đều có thể học được và cải thiện từ từ. Nhận được mức lương khởi đầu thấp không sao, nó sẽ tương ứng với trách nhiệm vào thời điểm đó của bạn. Dần dần bạn sẽ có kinh nghiệm để được nâng lương hoặc tìm được công việc khác lương cao hơn.
- Thành quả dù lớn hay nhỏ của bạn đều xứng đáng được công nhận.
- Nhận ra rằng rất nhiều post khoe lương chỉ nhằm mục đích khoe mẽ, bán khóa học hoặc lùa gà. Bạn nên hạn chế xem nếu nó ảnh hưởng xấu đến nhận thức và cảm xúc của tôi.
- Mọi so sánh đều là khập khiễng vì mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau, thế mạnh và điểm yếu khác nhau, background khác nhau, khả năng khác nhau, vì vậy, cách duy nhất để so sánh một cách công bằng đó chính là không so sánh với ai cả.
- Mỗi người có một timeline khác nhau trong cuộc đời, bởi vậy người duy nhất chúng ta nên để tâm chính là bản thân ta.
- Google thêm về Sự nghiệp của bạn đang phát triển theo hướng dọc hay ngang.
6. Một người trẻ 24 tuổi uống thuốc trầm cảm hằng ngày
Cột mốc quan trọng trong Covid là khoảng thời gian khoảng hơn một tuần tôi phải dừng uống thuốc vì thành phố siết chặt, đóng cửa, hạn chế người dân ra đường. Các ứng dụng giao hàng cũng không hoạt động. Chỗ tôi lấy thuốc lại cách nhà tôi 15km. Đúng lúc đó, tôi nghĩ rằng đây có thể là dịp cho tôi dần bỏ thuốc, không phụ thuộc vào thuốc nữa. Bạn tôi một người mới uống thuốc trầm cảm 1 tháng cũng bỏ thuốc và một người quen của tôi bị tâm thần phân liệt cũng đã bỏ thuốc thành công cho nên càng truyền cảm hứng cho tôi bỏ thuốc. Thế là tôi uống viên thuốc cuối cùng rồi ngồi chờ đợi withdrawal symptoms. Thế nhưng, có lẽ, tôi, một người đã uống thuốc trầm cảm 3 năm đã xem nhẹ việc này. Tôi bị rối loạn giấc ngủ, đầu thì ong ong, người thì nhạy cảm, dễ cáu gắt. Trong đầu tôi bỗng xuất hiện lại nhiều suy nghĩ về bản thân không còn chút giá trị nào, rồi tôi là kẻ thất bại, nên chết đi cho xong. Chuyện kéo dài 3,4 ngày mà tôi thì may mắn được công ty cho nghỉ ở nhà. Đến ngày cuối cùng thì tôi còn vô tình vào lại Facebook của Xe Tải làm tôi bị sang chấn tâm lý. Sau đó thì may mắn thành phố mở cửa cho các ứng dụng giao hàng hoạt động trở lại nên tôi mới có thể đặt được thuốc uống. Từ trải nghiệm này tôi rút ra được một số điều sau:
- Điều mọi người hay làm chưa chắc là điều đúng. Việc giảm dần và bỏ thuốc trầm cảm nên được trao đổi với bác sĩ vì nó là một quá trình dài, có tác dụng phụ và ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não.
- Tôi có thể phải uống thuốc trầm cảm thêm một thời gian nữa, có thể là cả đời. Nhưng nếu điều đó làm tôi vui vẻ thì tôi sẵn sàng trả cái giá này.
- Tôi biết trầm cảm không đơn thuần do rối loạn những chất dẫn truyền thần kinh, nó do gene + môi trường + chính bản thân tôi. Uống thuốc mà bản thân mình không cố gắng thì uống bao nhiêu cũng vậy.
7. Gặp được bác sĩ tốt là do duyên
Tôi nhận chẩn đoán trầm cảm và rối loạn lo âu từ bác sĩ A vào năm 2019, tôi dùng thuốc và điều trị tâm lý ở đây khoảng một năm, tiền thuốc khoảng 1.200.000 VND/ tháng, chủ yếu do tôi tự chi trả. Sau đó bố mẹ giới thiệu cho tôi một người họ hàng làm bác sĩ tâm thần, tiền thuốc rẻ hơn, nhưng uống thuốc ở đây thì tôi không có kinh. Bác sĩ này lấp liếm bằng cách ngụy biện: “Đây chỉ là tác dụng phụ của thuốc. Có những người một năm chi có kinh 2 lần vẫn có con như bình thường.” Vậy nên hai năm này, cũng là hai năm Covid, tôi rất hiền, vì hormone của tôi không dao động.
Đến tháng 4/2022, mẹ tôi quá lo lắng nên dẫn tôi đi siêu âm tử cung. Tôi nhận kết quả là teo tử cung, không có con được và một khối u lành ở tuyến yên (trong não) Lúc đó tôi tức điên lên, nói rằng: “Tại sao bác sĩ tâm thần không nhắc mình đi khám?!” Bác sĩ phụ khoa của tôi nói rằng: “Mỗi người một chuyên môn chứ con. Sức khỏe của mình, mình phải tự lo.”
Bài học cuộc sống trị giá một cái tử cung teo.
Tôi quay lại uống thuốc ở bác sĩ cũ thì đến tháng, tử cung và tuyến yên trở lại như bình thường. Cùng lúc, tôi làm việc ở vị trí Trợ lý cửa hàng tại cửa hàng tiện lợi. Mức độ stress của tôi tăng cao.
Tháng 7/2022, tôi nghỉ ngang vì không thể chịu được nữa.
Tháng 10/2022, tôi chia tay Thẻ Xanh.
Từ tháng 11 đến tháng 12/2022 tôi gần như hóa Ddiene.
Cái vấn đề là từ tháng 4 đến tháng 11 tôi vẫn đang điều trị ở bác sĩ ban đầu nhưng bệnh tiến triển ngày càng nặng dù có tăng thuốc. Tôi đổi sang một bác sĩ khác, nhận chẩn đoán rối loạn lưỡng cực. Thêm 1,2 ngày nữa, tôi có suy nghĩ tự hại vì cảm thấy có phát điên cỡ nào cũng không ai nghĩ tôi bị bệnh cả, cảm thấy tất cả mọi thứ tôi làm đều vô nghĩa.
Tôi nhập viện bệnh viện Hoàn Mỹ trong 2 ngày đầu năm 2023 và điều trị ngoại trú ở đây khoảng 2,3 tháng. Tiền thuốc tầm 3-4 triệu/ tháng.
Vì quá đắt nên bạn của tôi giới thiệu cho thầy của bạn, tiền thuốc tầm 500.000 VND/tháng. Tôi nhận chẩn đoán rối loạn phân liệt. Nhưng uống thuốc làm tôi bị Parkinson là tác dụng phụ cũng như không rụng dâu. Và khi tôi bảo rằng tôi không có động lực đi làm, bác sĩ bảo: “Lười biếng là triệu chứng âm tính của bệnh.”
Vì tự ái và cũng vì bạn tôi giới thiệu cho bác sĩ của bạn ấy là bác sĩ Nguyễn Thị Giang ở quận 7, thuốc tốt và không có tác dụng phụ nặng nên tôi duy trì uống đến hiện tại.
Như vậy, tốn mấy 4 năm, trải qua 6 bác sĩ, tôi mới tìm được loại thuốc và liều thuốc phù hợp với tôi.
Bởi vậy, gặp được bác sĩ tốt là một duyên lành.
Đọc phần tiếp theo: Một ngày, một tháng, một năm của người bị trầm cảm
Nếu bài viết giúp bạn hiểu rằng nên coi trọng sức khỏe tinh thần của mình, xin hãy ủng hộ cho tôi tại đây.
Love Yourself,
NARCY NGUYỄN