20 điều mình đọc được từ trường Ngoại Thương (phần 1)

20 điều mình đọc được từ trường Ngoại Thương (phần 1)

Trường Ngoại Thương nhìn trên cao

Nguồn ảnh: afamily.vn

Dưới đây là 5 bài học đầu tiên trong 20 bài học mà mình rút ra được trong quá trình học tập ở trường Đại học Ngoại Thương sơ sở 2 Hồ Chí Minh. Bài viết được viết khi mình học năm 2, 2017 và cập nhật thêm tính đúng sai khi mình ra trường 4 năm, 2024.

Có một lưu ý nho nhỏ rằng đây không phải là những gì Ngoại Thương dạy mình có chủ đích mà chỉ là những gì mình tự rút ra được, điều này cũng có nghĩa là những gì mình viết ra dưới đây không có ý nghĩa đại diện cho toàn bộ sinh viên Ngoại Thương mà chỉ là cảm nhận riêng của cá nhân mình mà thôi.

Bài học thứ nhất: Tầm quan trọng của chuyên môn

Mình nghiệm ra được rằng: điểm không quan trọng, điểm rèn luyện càng không quan trọng (vì mình có muốn giành học bổng đâu) nhưng nếu không có chuyên môn, bạn nói chuyện không ai tin. 

Vì sao mình nói được rằng điểm không quan trọng, ít nhất là với khối ngành kinh tế (còn ngành y và ngành kĩ thuật thì sẽ khác)? Bởi vì khi đi làm chẳng ai xét điểm của bạn cao hay thấp cả (Trừ các tập đoàn đa quốc gia, họ yêu cầu GPA trên 7 hoặc trên 7.5, điều này mình cho rằng không quá khó), thậm chí bằng tốt nghiệp của bạn cũng không quá quan trọng, tuy nhiên nếu không được việc thì rất khó để họ giữ bạn lại. Điểm số cao chỉ chứng tỏ bạn biết được trả lời những câu hỏi có đáp án chắc chắn, còn khi ra đời, phần lớn câu hỏi sẽ đều có mức độ bất định (uncertainty) cao. Những gì mình được học trong trường là chủ nghĩa Mác là gì, lập bảng cân đối kế toán như thế nào, lợi thế cạnh tranh quốc gia là gì, mình thấy những điều đó không trả lời cho mình được những câu hỏi khi đi làm như là: sản phẩm của công ty bị mất thị phần do đâu, làm sao để trả lời khách hàng khéo léo,… Những cái đó, có lẽ chỉ có chuyên môn mới giúp mình được. Điều đó cũng lí giải vì sao học Đại học xong nhiều người phải học các lớp đào tạo thêm và các chứng chỉ CFA các kiểu: bởi vì học trong trường là không đủ.

Cập nhật 2024: Điểm quan trọng ở một mức độ nào đó vì nó giúp bạn có được học bổng, giúp bạn có kiến thức, giúp bạn tìm cách làm việc tốt với giáo viên và ra trường thì biết đâu bạn lại muốn đi du học thạc sĩ để thương lượng lương tốt hơn. Một người bạn của mình, đang có công việc tốt ở ngân hàng, nói rằng ước gì hồi đó học tập trung hơn vì GPA bạn không quá cao nhưng bạn vẫn muốn đi du học bậc thạc sĩ. Vậy nên mọi người cũng đừng vì cái sướng trước mắt mà lơ đi cái có lợi lâu dài là kiến thức.

Nhưng mình phải công nhận là không phải ai cũng có thể đạt điểm cao và tập trung học vì không phải thầy cô nào dạy cũng hay, không phải môn nào cũng hay và không phải ai cũng có đủ hứng thú, comprehension (sự lĩnh hội) để hiểu và làm tốt tất cả những gì được giao.

Như vậy, mình khuyên rằng, hãy cố hết sức để không nuối tiếc, nhưng nếu kết quả không khả quan thì cũng đừng trách bản thân quá. Trong một khoảng thời gian nhất định chúng ta chỉ có thể có một nguồn năng lượng và nguồn lực nhất định, vậy nên hãy nghĩ rằng chúng ta đã làm tốt nhất có thể với nguồn thông tin có được lúc đó, bạn nhé.

Bài học thứ 2: Tuy vậy, con người vẫn là quan trọng nhất. Liệu có một công thức cho thành công?

Có một lần, mình và bạn mình ngồi phân tích ba đứa bạn thân của chúng mình đều là Phó chủ tịch/ Vice President/VP của một câu lạc bộ. Người là VP AIESEC FTU2, người là VP đối nội của 1 trong những câu lạc bộ đình đám của FTU2, người là VP AIESEC FTU1. Tụi mình đã rút ra được một điểm chung từ họ chính là khả năng thấu hiểu con người, khả năng tạo ảnh hưởng và tiếp lửa cho những người khác của họ, chứ không hẳn là chuyên môn. Thực ra chuyên môn cũng rất quan trọng và họ cũng rất giỏi chuyên môn đấy, tuy nhiên khả năng đắc nhân tâm của những người đó mới là điểm mạnh nhất của họ. Và họ cũng đều nhất trí một quan điểm rằng: con người mới là điều quan trọng nhất của một tổ chức. Từ sự phân tích này, mình và bạn mình lờ mờ hiểu ra rằng: có khi, thành công cũng có một công thức chung nào đó, bất kể ngành nghề, bất kể vùng miền.

Cập nhật 2024: Một trong những yếu tố của thành công, theo tác giả Outliers – Những kẻ xuất chúng – Malcolm Gladwell, chính là nền tảng gia đình. “Điều này đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của một cá nhân. Christopher Langan là người đàn ông thông minh nhất từ trước đến nay vẫn còn sống, với chỉ số IQ là 195 đến 215 tùy vào những lần đánh giá khác nhau. Để so sánh, IQ của nhà bác học Albert Einstein là 150 và IQ trung bình của chúng ta là 100. Thế nhưng Christopher Langan với IQ vượt cả Einstein đã dành phần lớn cuộc đời của mình để làm nhân viên phục vụ trong một quán bar (1) Một thiên tài như Chris Langan lẽ ra phải phát triển mạnh mẽ trong khuôn viên trường đại học thì anh lại bỏ học. Langan không đấu tranh với học thuật mà với thủ tục giấy tờ, thủ tục và môi trường. …. Câu chuyện của Langan thật mỉa mai. Trí óc thông minh của anh ấy sẽ thúc đẩy anh ấy đến thành công. Tuy nhiên, câu chuyện của ông cũng chứng minh một cách hoàn hảo quan điểm của Gladwell rằng chỉ trí tuệ thôi thì không thể dẫn đến thành công. Tác giả đi sâu hơn vào hoàn cảnh trớ trêu của Langan bằng cách so sánh anh với Robert Oppenheimer, người nghiên cứu về bom hạt nhân trong Thế chiến thứ hai. Giống như Langan, Oppenheimer sở hữu trí thông minh tuyệt vời. Không giống như Langan, Oppenheimer có sự hiểu biết cho phép anh điều hướng thế giới một cách hiệu quả. Oppenheimer biết cách đương đầu với những thử thách, trong đó Langan bị đánh bại bởi vấn đề hỗ trợ tài chính và lịch học. Nền tảng gia đình của Oppenheimer đã mang lại cho ông sự tự tin để đối phó với chính quyền trong khi quá trình nuôi dạy của Langan đã tạo ra sự ngờ vực về chính quyền. Nếu không có nền tảng gia đình khuyến khích thành công thì trí thông minh thôi là chưa đủ.

Sức mạnh thuyết phục là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Gladwell lưu ý rằng sức mạnh thuyết phục là trí thông minh thực tế. Ông đối lập trí thông minh thực tế với khả năng phân tích, lưu ý rằng chỉ vì một người thông minh không có nghĩa là họ có trí thông minh thực tế. Hai loại kiến thức này không nhất thiết phải cùng tồn tại. Ông củng cố quan điểm này bằng việc quay lại so sánh Langan và Oppenheimer. Cả hai người đàn ông đều cực kỳ thông minh, nhưng Langan thiếu hiểu biết xã hội về trí thông minh thực tế. Gladwell gợi ý rằng các cá nhân có được kỹ năng trí thông minh thực tế từ gia đình của họ, thảo luận về một nghiên cứu của nhà xã hội học Annette Lareau để chứng minh quan điểm của mình. Trẻ em từ các gia đình giàu có học cách tương tác với xã hội theo cách thúc đẩy thành tích. Những người thành công có khả năng thuyết phục và có thể thuyết phục người khác nhìn nhận mọi việc theo quan điểm của họ.

Thành công, sau đó, phụ thuộc vào nhiều thứ hơn là nỗ lực của cá nhân. Gladwell xây dựng lập luận này bằng cách trình bày chi tiết những khác biệt giữa quá trình trưởng thành của Oppenheimer và của Langan. Oppenheimer sống trong một khu dân cư thượng lưu với vô số lợi thế. Anh ấy đã học được cách đàm phán và đứng lên bảo vệ chính mình. Gia đình Langan chuyển từ nơi này sang nơi khác, chật vật kiếm việc làm, tiền bạc, thức ăn và quần áo, và Langan nhận ra rằng anh không thể dựa dẫm vào người khác. Việc Gladwell xem xét sự thành công hay những khó khăn của Nhóm Mối khi trưởng thành ủng hộ khẳng định của ông rằng thành công không chỉ là nỗ lực của cá nhân; Gladwell nói, “Cuối cùng, chỉ có một điều quan trọng: nền tảng gia đình.” Những phát hiện của Terman và kết luận của Gladwell không có nghĩa là những cá nhân tài năng thuộc tầng lớp kinh tế và xã hội thấp hơn không thể có được tương lai thành công. Để thành công, mọi người đều cần sự giúp đỡ trên đường đi, nếu không phải từ gia đình thì từ một cộng đồng hỗ trợ. Mỗi cá nhân không đạt được thành công một mình.” (2)

Điều này cũng đúng với mình và ba người bạn VP.  Nhà mình toàn tiếng la mắng, nhà bạn VP AIESEC FTU2 toàn tiếng nhạc và mọi người rất ôn hòa. Bạn VP CLB FTU2 thì có vẻ như là bạn ấy nhận được nhiều sự quan tâm từ anh trai và trợ giúp từ gia đình, và bạn ấy hiểu con người do tiếp xúc với nhiều người từ nhỏ. Bạn VP AIESEC FTU1 được bố, dân kinh doanh, thường xuyên dẫn đi các buổi tiệc với quan chức cấp cao. 2023, mình, học Trần Đại Nghĩa, Phổ Thông Năng Khiếu, Ngoại Thương, IELTS 7.5, hiện thất nghiệp với bệnh rối loạn phân liệt. Bạn VP AIESEC FTU2, hiện làm một chức rất cao của AIESEC quốc tế, bay như chim giữa các nước. Bạn VP CLB AIESEC FTU2, hiện làm ở một trong những FMCG nổi nhất. Bạn VP AIESEC FTU1, đã có bằng thạc sĩ NUS ngành Chính sách công, mới tuyển được hai bạn trợ lý với mức lương tầm 15 triệu mỗi tháng mỗi bạn.

Theo mình Google thì cách để mình thoát ra khỏi tình trạng này chính là sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng và bản thân phải trau dồi trí thông minh thực tế.

Mình vẫn đang cố gắng. Trời cho bao nhiêu lá bài mình chơi bấy nhiêu.

Nhưng đó vẫn là một chặng đường khó.

Bài học thứ 3: Danh tiếng của Ngoại Thương

Vào năm ngoái, có một bảng xếp hạng Đại học Việt Nam gây tranh cãi, sinh viên trường mình cũng xôn xao khi Ngoại Thương chỉ xếp hạng 23 trong danh sách này. Vậy mà trường đã có một phản hồi với mình là rất “chill” như sau: “Nhà trường không buồn vì đứng thứ 23, quan trọng là nhìn nhận của xã hội” (3). Từ đấy mới thấy, uy tín của trường quan trọng và có lợi như thế nào.

Vào năm nhất mình đã từng đặt câu hỏi: “Trường Y Dược và Ngoại Thương đều là những trường lấy điểm cao nhất trong ngành, vì sao chỉ có Ngoại Thương bị mang tiếng “chảnh”?” Bạn mình, một du học sinh đã trả lời rằng: “Mày nghe mấy đứa lớp mình vào Y Dược nói rồi đấy thôi, lúc mới vô sinh viên Y Dược cũng chảnh đấy. Nhưng rồi vì thực tế nghề nghiệp và chương trình học quá nặng thì tụi nó cũng phải chúi đầu vào học tập. Còn sinh viên Ngoại Thương làm đủ thứ nghề, mà toàn là truyền thông, danh tiếng khắp nơi thì tai tiếng cũng lan rộng thôi.”

Cá nhân mình cảm thấy danh tiếng của Ngoại Thương là một trong những điều sinh viên được hưởng lợi nhiều nhất từ trường. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là thách thức. Mình vào được trường, mình được hưởng danh tiếng ấy thì mình cũng nhận một áp lực rất lớn là khi ra khỏi trường phải có một vị thế xứng đáng với cái mác Ngoại Thương.

Cập nhật 2024:

Mình nhớ rồi,  Ngoại Thương mang mác chảnh do một thanh niên thương lượng lương 1000$/tháng. Dù đã xin lỗi nhưng phát ngôn ấy cũng ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau này (4)

Mình đã phải đi khám bác sĩ tâm thần vì áp lực đồng trang lứa vào năm 3, do xung quanh quá nhiều người giỏi, còn bản thân đã cố gắng rồi nhưng vẫn không đạt được điều như ý.

Vậy nên, hãy lo cho sức khỏe tinh thần của bản thân nhé.

Bài học thứ 4: Con người Ngoại Thương

Có vào Ngoại Thương mới biết, đặc sản của Ngoại Thương là những sinh viên năng động tài giỏi chứ không hẳn là ở chương trình học. Tuy nhiên, phải mất một thời gian mình mới hiểu được: đâu phải mọi sinh viên đều như thế, và rằng việc lấy danh tiếng Ngoại Thương để đánh giá toàn bộ sinh viên Ngoại Thương là thật sự khập khiễng. Ngoại Thương có người giỏi người dở, có người tốt người xấu, có người chăm chỉ có người lười biếng, có người giúp đỡ có người lừa đảo, chứ đâu phải ai cũng là MC, là hoa hậu, là GPA 4.0, là đạt giải mọi cuộc thi, là đi làm lương nghìn đô?

Tuy vậy, mình thấy môi trường Ngoại Thương thực sự là phù hợp và có ích cho mình, bởi vì ở đây, ai cũng đang làm một điều gì đó: Nếu không học, họ sẽ đi làm hoạt động ngoại khóa, nếu không hoạt động ngoại khóa, họ sẽ đi làm (đa phần sẽ cố vào làm một công ti đa quốc gia), nếu không đi làm họ cũng sẽ đi thi một cuộc thi, nếu không đi thì họ cũng sẽ đang vươn đến một chân trời mới bằng con đường du học, mà nếu không đi du học thì rất có thể họ đang muốn vào showbiz. Hoặc có thể họ làm cả 6 điều đó. Bởi vậy nên sự cạnh tranh rất lớn, đi kèm là động lực cũng rất lớn. Bởi vì nếu mọi người đều đang cố gắng mà mình đứng yên cũng kì, phải không? Mình cho rằng, nếu được lựa chon lại, nếu không vào Ngoại Thương, rất có thể mình sẽ vào RMIT vì môi trường ở RMIT thực sự rất tốt. Tuy nhiên có lẽ trong hai trường, Ngoại Thương phù hợp với tài chính của mình hơn và vẫn mang cho mình một môi trường năng động và đầy động lực như vậy.

Cập nhật 2024: giờ mình lại không thích trường lắm vì mình ngã tâm bệnh lúc đang học ở trường. Mình cũng không biết nếu mình vào RMIT, nơi “rớt một môn là một con Vision, rớt ba môn là một con SH”  thì có lẽ mình đã ngã bệnh vào năm nhất.

Bài học thứ 5: Năng động là gì?

Đến đây thì có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: Năng động là gì?

Câu trả lời chung chung của mình vào năm nhất sẽ là: Năng động là làm nhiều thứ. Tuy nhiên, lên năm hai rồi, mình cũng đã có những suy nghĩ lại về cụm từ “năng động”. Có phải làm nhiều thứ là năng động không, và quan trọng hơn là, có phải làm nhiều thứ là sẽ tốt không?

Để trả lời câu hỏi này, mình xin được miêu tả một tình trạng phổ biến như sau: Một trong những câu được hỏi nhiều nhất của sinh viên Ngoại Thương khi tham gia cuộc thi tuyển câu lạc bộ vào năm nhất là: “Em có được và em có nên tham gia hai đến ba câu lạc bộ cùng lúc không?”

Vào năm nhất thì mình đã nghĩ là không, nhưng chỉ cho đến năm hai mình mới thấy được rõ vì sao lại là không. Bởi vì, những đứa bạn mình, những người đang tham gia cùng lúc hai, ba câu lạc bộ, rốt cuộc lại là những người đang lạc lối nhất, đang không biết mình giỏi gì và nên làm gì nhất. 

Mình cũng thấy rằng, không phải cứ làm nhiều hoạt động là sẽ tốt. Làm bao nhiêu không bằng làm bao sâu. Có những thứ chỉ khi tiến lên cao trong công việc bạn mới biết được về tổ chức của mình. Bạn có làm cộng tác viên của cả trăm chương trình cũng không bằng bạn làm ban điều hành của một tổ chức. Vậy nên, kết luận của mình là, làm nhiều hoạt động sẽ rất tốt nếu bạn muốn tìm hiểu về bản thân mình, tuy nhiên, nếu đã tìm được rồi, hãy tìm cách đào sâu vào công việc, tiến sâu hơn vào tổ chức để tăng chuyên môn và tăng năng lực quản lý. 

Cập nhật 2023: Bài “Dọc hay ngang?” của Vương Quốc Bảy Bủm này nói rất hay và minh họa dễ hiểu về việc phát triển dọc hay ngang. (5)

Còn về sự lạc lối, mời bạn đọc cuốn sách Excellent sheep : the miseducation of the American elite and the way to a meaningful life/Những con cừu xuất chúng: sự phản giáo dục của giới thượng lưu Mỹ và con đường đến một cuộc sống ý nghĩa của tác giả William Deresiewicz. Mình xin trích dẫn một đoạn mào đầu: “Look beneath the facade of affable confidence and seamless well-adjustment that today’s elite students have learned to project, and what you often find are toxic levels of fear, anxiety and depression, of emptiness and aimlessness and isolation.” – “Nhìn bên dưới vẻ ngoài của sự tự tin niềm nở và khả năng thích ứng liền mạch mà các sinh viên ưu tú ngày nay đã học được để thể hiện, và những gì bạn thường thấy là mức độ độc hại của nỗi sợ hãi, lo lắng và trầm cảm, của sự trống rỗng, vô mục đích và cô lập.” (6)

Đây là một vấn đề có tính hệ thống. Cả xã hội chạy theo thành tích nên các tiêu chuẩn vào đại học ngày càng cao. Gia đình và nhà trường thay đổi cách dạy con, những đứa trẻ cố rướn lấy sự hoàn hảo, mong rằng lên đại học mọi chuyện sẽ đỡ hơn một khi đã đạt được thành tích, nhưng không. Ai cũng là chủ tịch câu lạc bộ, ai cũng toàn điểm A, GPA cao vút, SAT cao vút, IELTS cao vút như thể đó là chuyện dễ dàng nhất trên đời. Và khi vào được Ivy League, “những chú cừu” sẽ muốn đạt Return on investment cao nhất và ngành kiếm được tiền nhiều nhất chính là Consulting và Banking. Để rồi khi đi học, chúng hằng ngày tự hỏi: “Mình đến đây để làm gì? Rốt cuộc mình thích gì?”

Nguồn tham khảo.

  1. Chi C. (2023, May 2). Bi kịch của Christopher Langan – người đàn ông thông minh nhất thế giới. Công Ty Cổ Phần Vccorp. <https://kenh14.vn/vi-sao-nguoi-dan-ong-thong-minh-nhat-the-gioi-voi-iq-vuot-ca-einstein-lai-ca-doi-that-bai-phai-lam-bao-ve-phuc-vu-de-kiem-song-20230501224408936.chn>
  2. Outliers Chapter 4 Summary & Analysis | SparkNotes. (n.d.). SparkNotes. <https://www.sparknotes.com/lit/outliers/section4/>
  3. Định Nguyễn, “Tại sao Ngoại thương – lựa chọn hàng đầu của sinh viên – lại đứng thứ 23 trong BXH các trường ĐH tại Việt Nam?”, Kênh 14, 11/3/2018, <http://kenh14.vn/tai-sao-ngoai-thuong-lua-chon-hang-dau-cua-sinh-vien-lai-dung-thu-23-trong-bxh-cac-truong-dh-tai-viet-nam-20170907091133899.chn>
  4. Báo điện tử Tiền Phong. (2011, September 15). Sinh viên Ngoại thương xin lỗi vụ “lương 1000 USD.” Báo Điện Tử Tiền Phong. <https://tienphong.vn/sinh-vien-ngoai-thuong-xin-loi-vu-luong-1000-usd-post551690.tpo>
  5. Vương quốc Bảy Bủm (2017, March 18.). Dọc hay ngang. Facebook. <https://www.facebook.com/media/set/?set=a.238739456533995&type=3>
  6. Deresiewicz, W. (2014). Excellent sheep: the miseducation of the American elite and the way to a meaningful life. <https://ci.nii.ac.jp/ncid/BB16366206>

Mời bạn đọc tiếp các bài học từ 6 đến 10 ở phần 2.

Be Real in a Fake World,

NARCY NGUYỄN

 



Chuyên mục:
Chuyện Học Hành

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Narcy Nguyen