Về việc tập thể dục, khám bệnh, thất nghiệp, trầm cảm, vô sinh, u não trong căn nhà 10 tỷ

Tập thể dục khi bị bệnh

Hiện tại cuốn ebook “Góc Khuất Người Con Gái” đã ra mắt. Bạn có thể tải ebook cuốn tiểu thuyết này MIỄN PHÍ qua link này.

Tôi cũng ước gì tôi nói dối, nhưng bài viết này, trong 5435 chữ, tích cực hơn bạn nghĩ.

 

“Sức khỏe không luôn đến từ viên thuốc, sức khỏe đến từ việc chú ý đến bản thân.

Viên thuốc chỉ giúp làm giảm các rào cản, gây cản trở cho cơ thể bằng quái ác gây tử thần.

Sức khỏe không phải là sự thiếu vắng bệnh tật, mà là khả năng vượt qua bệnh tật.

Một số bệnh tật là bình thường của tự nhiên, còn một số khác là sản phẩm của sự ngu ngốc của chúng ta.

Ngược lại của bệnh tật không phải là sự vắng mặt của nó, ngược lại của bệnh tật là sự nhận thức về nó.

Để điều trị bệnh tật, chúng ta phải nhận thức về nó trước, bệnh tật được nhận thức là bệnh tật đã được điều trị một nửa.

Cuối cùng, sức khỏe ưa thích những người yêu sự khiêm tốn, bền vững ưa thích những người chuộng sự đơn giản.” – Abhijit Naskar

Bài hát gợi ý: Recovery – James Arthur

Sáng 4h30 dậy, tôi uống vội ly cafe gói Nescafe cho nhanh. Thói quen vội vàng này: từ ăn vội, tới uống vội, tới việc bấm còi xe ngay lúc giây đèn đỏ chuyển về 0 là do Sài Gòn trui rèn tôi. Tôi lên thay đồ để đi tập thể dục với mẹ. Ngày đầu năm ở Sài Gòn vào lúc 5h30, 6h sáng thường se se lạnh, nên tôi khoác thêm chiếc áo khoác thun bình dân màu xanh lá, mặc chiếc áo màu đỏ DBSK đã cũ sờn và một chiếc quần đùi màu đen. Vì giờ này còn sương, mẹ bảo là để ngấm vào đầu không tốt nên tôi đội thêm chiếc mũ “Make money not friends” của brand Smaker mà founder là anh rapper Andree Right Hand. Một combo không đâu vào đâu, tôi biết. Nhưng 5h sáng thì ai ngắm nhìn? Có những người mà việc outfit đi tập thể dục của người ta đẹp và là một động lực lớn để họ đi tập gym. Tôi thất nghiệp nên chỉ có thế, còn không có cả kem chống nắng để bôi như Haruki Murakami [1] trước khi chạy bộ dù ông là một người đàn ông nhưng vẫn trang bị đủ kiến thức rằng ánh nắng mặt trời chính là tác nhân gây lão hóa mạnh nhất. Thì tại công ty tôi làm lâu nhất là chỉ có tám tháng (vâng, tôi biết, một con số vô cùng nhỏ. Triệu chứng âm tính của bệnh rối loạn phân liệt của tôi chính là không giữ được bạn và không giữ được việc lâu, tôi cũng cố lắm rồi). Vậy nên, tôi không có chi phí để mua kem chống nắng bôi hằng ngày, hoặc nước hoa để xịt trước mỗi khi đi làm như bạn trai tôi, hoặc skincare để giữ cho da khỏe đẹp kiểu clean girl như bạn tôi Bình Yên làm bác sĩ da liễu. Bảng phấn mắt tôi xài là từ năm cấp 3, tức khoảng mười năm trước. Có thể nó đã biến thành những chất gây ung thư, nhưng thôi, nghèo thì chịu. Xem như không biết, để ngu si hưởng thái bình.

Tôi bắt đầu ý thức được việc tập thể dục khi nghe podcast của thầy Minh Niệm về trầm cảm.
“Ta phải có niềm tin. Đầu tiên là đấm boxing chừng năm phút thôi rồi bạn nghỉ, sau đó là mười phút, mười lăm phút. Đấm boxing cho đến khi nào mà tháo hết mồ hôi ra đó, con chó trầm cảm nó kiệt quệ, nó không có làm gì được bạn hết. Và như vậy đó, một giờ đấm boxing, nó nuôi bạn cả nửa ngày, mà hai giờ đấm boxing là nuôi cả ngày. Thật đó! Tại vì bạn nâng cái thể chất, cái lực tinh thần của bạn lên thì con chó trầm cảm nó không tấn công được. Thường con chó trầm cảm nó chỉ canh khi nào mình yếu đuối từ thể lực cho tới tinh thần, thành ra là bạn rất là khó để nâng cái sức bật tinh thần lên liền, mà sức mạnh thể lực thì mình có thể nâng lên được, cho nên là bạn hãy cố gắng siêng năng, kiên trì tập thể lực. Buổi sáng hai tiếng, nãy thầy nói là một, hai tiếng nhưng bây giờ thầy phải nhấn mạnh là hai tiếng, buổi chiều hai tiếng. Tất nhiên không phải là đấm boxing không, minh kết hợp chạy bộ, đi bộ, thậm chí là tập yoga, các môn khác để nó có sự quân bình. Và ngoài ra thì bạn ở Vũng Tàu thì nên thường xuyên ra biển, để được tiếp xúc với sóng biển, với các âm thanh tự nhiên, với thiên nhiên, với đất trời, càng nhiều càng tốt.”[2]
Với mức lương làm nhân viên kho của cửa hàng thời trang nữ lúc ấy là năm triệu năm một tháng, tôi mua thẻ gym mười lăm triệu, chia làm bốn năm, mỗi tháng là 300.000. Với tôi vậy là rẻ. Hoặc do tôi bị truyền thông dụ.
(Ít nhất tôi không vay tiền hay nợ ai ngay cả là ứng dụng cho vay hay là tín dụng ngân hàng, ví trả sau Momo các thứ.)
Như phần lớn giới trẻ Sài Thành khi mua thẻ gym, tôi không duy trì thói quen được lâu. Vì phòng gym cách tôi mấy quận, và được một thời gian thì mẹ tôi không cho tôi tiền đổ xăng nữa nên tôi dừng đi, và cũng vì ngại ngần khi tập gym nên tôi dần từ người tập ba buổi một tuần, tập cả mông cả chạy bộ, sang việc dính với máy đi bộ, sang việc không đi nữa.
Tôi chuyển sang việc đi bộ hằng ngày với mẹ ở khu gần nhà.
Mẹ tôi lo cho cả nhà những bữa ăn. Tôi lúc đó mới xuất viện Hoàn Mỹ. Mẹ tôi thường rủ tôi đi bộ mỗi sáng. 4h30, bà dậy chuẩn bị bữa ăn sáng. 5h tôi xuống, ăn rồi thay đồ và đi cùng bà. Cả năm 2023 tôi dành để đi bộ mỗi sáng với mẹ. Tiền thuốc của tôi là hai triệu mỗi tháng, quá mắc, nên tôi chuyển sang một bác sĩ là thầy của các bác sĩ ở Gò Vấp, tiền thuốc tầm 500.000 mỗi tháng, rẻ hơn nhiều nhưng tôi bị tác dụng phụ là run chân, run tay. Lúc đi bộ với mẹ, tôi, năm 2023 là 25 tuổi bẻ gãy bánh sừng bò croissant, thường xuyên phải bảo mẹ tôi, người phụ nữ đã nghỉ hưu, rằng bà đi chậm lại cho tôi theo với. Tôi than phiền điều đó với bác sĩ. Sau khi ông giảm thuốc bốn lần, mỗi lần nửa viên, cộng với việc ông nói rằng “Lười biếng là triệu chứng âm tính của bệnh”, tổng hòa với việc tôi không rụng dâu và cơn ám ảnh bị teo tử cung, tôi đổi bác sĩ sang một bác sĩ đã chữa cho bạn tôi từ việc rối loạn lưỡng cực đến việc bây giờ đang học Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh nên tôi khá tin tưởng.
Và công nhận bác sĩ ấy tốt nhất. Bác sĩ tên Nguyễn Thị Giang, ở quận 7, với hơn 25 năm kinh nghiệm về tư vấn tâm lý và điều trị các bệnh tâm thần kinh. Hiện bà là Nguyên Trưởng khoa Tâm lý – tâm thần trẻ em trực thuộc bệnh viện Tâm thần TPHCM, tốt nghiệp chuyên khoa 1 ngành Tâm thần tại Đại học y dược TPHCM. Bác sĩ khám rất chỉn chu và bài bản. Ban đầu tôi bảo tôi bị rối loạn phân liệt do một vị bác sĩ tâm thần nổi tiếng trên tiktok chẩn đoán, bác sĩ Giang bảo: “Con cứ nói con như thế nào đã, việc chẩn bệnh là của bác.” Việc nghi ngờ chẩn đoán của những bác sĩ trước như thế này tôi đã gặp nhiều ở những bác sĩ giỏi. Tháng 4/2022, người bác sĩ Phụ khoa phát hiện tôi teo tử cung đã không chấp nhận những chỉ số sinh hóa của tôi bất thường “chỉ vì tác dụng phụ của thuốc trầm cảm” nên hướng dẫn tôi nên đi khám Ngoại thần kinh ở Chợ Rẫy, vì prolactin của tôi cao, có liên quan đến tuyến yên trong não. Tôi qua bệnh viện Hòa Hảo ở quận 10 chụp MRI não, ra một cái phim và một bảng chẩn đoán viết bằng chữ. Tôi chủ quan nên chỉ đem tờ giấy chẩn đoán qua Chợ Rẫy, khám chuyên gia, tức là người mắc nhất, tốn 500.000/lần khám. Tôi đưa tờ chẩn đoán bằng chữ cho bác sĩ, bác ấy bảo bác không tin vì mỗi người sẽ diễn giải hình theo một cách khác nhau. Và đó là thời điểm các bệnh viện đã chấp nhận những kết quả xét nghiệm và cận lâm sàng của những bệnh viện khác chứ nếu không tôi lại phải tốn hai triệu mấy đi MRI lại. Tôi cảm thấy nể phục nên phải quay lại chỗ chụp phim để lấy phim về đưa cho bác. Bác phát hiện tôi có khối u nhỏ trong tuyến yên, trấn an tôi rằng u tuyến yên thường là u lành. Bây giờ tôi có hai lựa chọn, một là phẫu thuật, nhưng không nên, vì chi phí cao và tôi còn trẻ. Hai là sáu tháng sau tái khám và sống chung với nó.
Lúc đó tôi đang quen Thẻ Xanh. Chúng tôi có một cuộc nói chuyện, anh ấy ổn với việc xin con nuôi.
Tôi quay trở lại đi khám ở vị bác sĩ tâm thần cũ, là vị ban đầu chữa cho tôi.
Gần đây, tôi nghe tin ông bị phạt 90 triệu vị khám bệnh vượt quá chuyên môn cho phép. Bạn tôi, tâm lý gia chuyên nghiệp, nói rằng tôi đáng lẽ ra đã có thể khỏi bệnh nếu tôi gặp người bác sĩ tốt hơn. Trong khi người này là người nằm trong top 10 bác sĩ tâm thần giỏi của thành phố.
Đó cũng là lúc tôi nhận ra có lẽ thuốc và điều trị tâm lý là không đủ. Và rằng, gặp được bác sĩ tốt là do duyên.
Bác sĩ đã về hưu lâu rồi nên có lẽ ông không có thời gian cập nhật kiến thức mới nhất về bệnh. Ông có công cứu sống tôi khỏi cơn trầm cảm năm 2018 và kê thuốc giúp tôi đến tháng bình thường và thuốc của ông giúp hồi phục tử cung của tôi sau sự kiện tôi bị teo tử cung và u tuyến yên tháng 4/2022, nhưng “có tội” khi không nhận ra sự trầm cảm của tôi chuyển sang rối loạn lưỡng cực nửa cuối năm 2022. Nên bị phạt 90 triệu cũng là quả báo của ông ấy.
Thế là vào tháng 4/2022 thì tôi phát hiện ra mình trầm cảm, vô sinh và u não. Nói đúng hơn là trầm cảm, vô sinh và u lành tuyến yên trong não. Er, cũng chẳng tốt đẹp gì cho cam. Mức độ stress của tôi lên cao, và sau khi bị sếp ở FamilyMart đì tôi thì đến tháng bảy tôi nghỉ ngang. Lúc đó tôi chính thức thất nghiệp, trầm cảm, vô sinh, u não trong căn nhà 10 tỷ.
Chuyện thật như đùa.
Khi tôi gặp bố của Borack, một thẩm phán để chuẩn bị cho vụ kiện, tôi cũng nói thế. Và bác nói rằng:
“Nhưng mà cái nhà của con chưa bán được đúng không?”
Tôi bị cảm động vì không phải ai cũng nhìn thấu được sự ra vẻ của tôi. Ừ, có căn nhà 10 tỷ nhưng để có tiền thì cả nhà tôi ra đường ở à? Thêm vào đó, bố mẹ tôi hiện tại sống bằng lương hưu và rẫy nông nghiệp nên cũng không dư giả gì.
Tôi đã nghi ngờ, nhưng ở bệnh viện Hoàn Mỹ thì tôi biết chắc là do cái bà bác sĩ họ hàng của tôi kê thuốc vớ vẩn làm ảnh hưởng đến sinh sản và não khi mà xét nghiệm máu prolactin của tôi trở lại bình thường và MRI não không còn thấy khối u nữa. Và bả ấy bảo thuốc đó của Mỹ.
Mỹ cũng có Mỹ này Mỹ kia. Đừng nghe thuốc Mỹ, hay thuốc thảo dược, thực vật các thứ mà tưởng là tốt.
Sau khi uống thuốc ở bệnh viện Hoàn Mỹ, tôi vui vẻ hơn, ăn ngon hơn, thèm ngọt hơn. Mỗi bữa ăn tôi đều độn một ly chè. Cái cân điện tử nhích dần thêm 10kg.
Taylor bên trái leo lên bàn cân, Taylor bên phải nhìn rồi lắc đầu. BÉO. Bạn chưa đủ hoàn hảo. Nguồn: MV Anti-hero - Taylor Swift
Taylor bên trái leo lân bàn cân, Taylor bên phải nhìn rồi lắc đầu. BÉO. Bạn chưa đủ hoàn hảo. Nguồn: MV Anti-hero – Taylor Swift
Tôi bắt đầu chiến dịch giảm cân bởi bọn con gái luôn bị ám ảnh bởi cân nặng. Tôi đi bộ được mấy tháng thì tôi cảm thấy việc giảm cân không hiệu  quả. Cùng lúc, tôi đọc “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Haruki Murakami và có cảm hứng chạy bộ. Thế là từ đi tôi chuyển sang chạy. Và thấy nó khó ơi là khó. Bởi trầm cảm làm tôi thui chột về ý chí. Vả lại, với một người ngại đau đến nỗi không dám nội soi dạ dày bình thường 800.000 mà nhất quyết đòi nội soi gây mê hai triệu/lần thì tôi không ép bản thân vượt qua nỗi đau được.
Mẹ tôi gợi ý tôi nên đi xe đạp để đi được xa hơn. Cung đường tôi hay đi là qua rừng thông đến bờ sông rồi men theo bờ sông qua khu nhà siêu giàu, đến bến du thuyền, rồi về trường Emasi, rồi về lại nhà.
Nguồn: https://www.labirint.ru/
Nguồn: https://www.labirint.ru/
Nếu Murakami liên hệ việc chạy bộ với việc viết thì tôi liên hệ việc viết với việc đi xe đạp. Ông trả lời, trong một bài phỏng vấn, rằng “Những người quá đàng hoàng thì không thể là một người viết tiểu thuyết giỏi được.”[3] Tôi thấy rất hay, bởi vì nếu chỉ toàn đức tính tốt thì đó là thần thánh, mà con người còn có phần chìm, tức “shadow” theo Carl Jung, là những mảng tối bên trong mình. Ngay cả Stan Lee đã chuyển từ việc sáng tác những nhân vật quá hoàn hảo, những Mary Sue, những Gary Stu, sang việc xuất bản những câu chuyện về những siêu anh hùng nhưng mang bản chất con người, có niềm vui nỗi buồn, có thiện có ác, có phẩm chất có mặt xấu, có thành công có sai lầm. Về phần mình, Murakami viết trong cuốn sách phi hư cấu về chạy bộ rằng viết là việc lấy chất độc từ sâu trong tiềm thức đem lên trang giấy, và một người viết tốt thì phải viết hằng ngày, vậy nên, để có đủ sức khỏe để trích xuất chất độc ra ngòi bút, hoặc là bàn phím vì đây là thời hiện đại thì người viết cần một sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Chạy bộ giúp ông có được sức khỏe ấy [4]
Tôi thấy ông nói không sai một chữ.
Về những bài viết kể lại những sang chấn của mình, trong lúc thu thập tài liệu, tôi khóc và đốt thuốc khá nhiều. Hôm sau tôi ngừng khóc và đốt ít thuốc hơn hôm qua nhưng vẫn là nhiều, đủ để kích động bản năng bảo vệ trong người bạn trai tôi dù anh ấy cũng đốt thuốc nhiều không kém. Hôm sau đó nữa mới là lúc tôi đủ can đảm để viết.
Viết là một hoạt động tốt năng lượng trí não. Tôi viết về những nỗi buồn nên nó còn tốn neuron thần kinh hơn bình thường và nó kéo tâm trạng tôi xuống. Thế nhưng, vào những ngày tôi tập thể dục thì đỡ hơn. Hôm qua tôi đạp được hai mươi phút, không nhiều, tôi biết, nhưng tôi chỉ mới tập lại. Hôm nay, tôi đặt chuông mười lăm phút để biết lúc nào nên quay đầu về, thế là đi mười lăm phút về mười lăm phút, tổng là ba mươi phút. Chỉ cần dừng xe trước nhà là tôi đã cảm thấy tỉnh hơn cả ly cà phê gói lúc nãy. Tôi phấn chấn mở cửa, một cái đầu mèo ló ra, tôi bảo: “Em bé mèo đừng ra nhé.” Thế là nó nằm im và dừng cái ý nghĩ chạy ra thật. Tôi pha một ít hồng trà Gia Thịnh Phát, lấy cái ống hút kim loại rồi ôm cả bình trà lẫn em bé mèo lên trên nhà.
Tôi tắm rửa trong lúc đeo tai nghe về Podcast của anh The Tri Way với chị Thư Vũ – Coco Chà Bông [5]. Lúc đó tình cờ (hoặc do vũ trụ sắp đặt), chị Thư Vũ nói về việc tập thể dục buổi sáng giúp chị có năng lượng cho cả ngày, và rằng chị sắp xếp những nhiệm vụ trong ngày xung quanh lịch tập của chị ấy.
Rồi tôi bật laptop lên viết một mạch ngay cả khi hôm nay cần phải chuẩn bị phỏng vấn cho vị trí thực tập sinh. Nhưng phỏng vấn thì có thể rớt có thể đậu, viết là việc tôi muốn làm hằng ngày. Nói như cuốn sách “Make time: How to Focus on What Matters Every Day” của hai tác giả John Zeratsky và Jake Knapp thì đó là highlight – điểm sáng của ngày, là thứ quan trọng nhất.[6]
Tôi viết, và viết, và viết. Tôi lôi chất độc từ sâu trong tiềm thức để nó tuôn chảy ra mười đầu ngón tay (sáu đến tám đầu thì đúng hơn vì tôi không gõ mười ngón và cũng không có ý định học). Nếu không tập thể dục thì làm gì có endorphin tiết ra, viết xong tôi bị ảnh hưởng bởi chính những thứ mình viết và thế là tôi mất năng lượng. Nhưng hôm nay thì khác, tôi bắt đầu viết bằng sự phấn chấn, endorphin nhỏ từng giọt từng giọt trong não, đến khi viết xong những điều đa số là buồn bã, tôi lại thấy bình thường. Bình thường tôi sẽ gục ngã. Đó là vẻ đẹp của việc tập thể dục.
Endorphin, hormone giảm đau tự nhiên do cơ thể tự sản sinh ra, cũng là tên danh bạ mà tôi đặt cho Thiên Lượng, bạn trai hiện tại. Công nhận cái tên gắn với định mệnh. Tôi đặt tên trong điện thoại cho Trăm Nghìn là Dopamine, kết quả, mối tình kết thúc sau một tháng rưỡi, nhanh như một luồng dopamine chảy rần rần trong não khi bạn coi tiktok. Còn Thẻ Xanh được tôi đặt tên là Bromalex, loại thuốc trầm cảm tôi uống lúc ấy. Để rồi khi chia tay và mãi cho đến khi Billie Eilish ngân nga trong bài “What was I made for?”:
“I’m sad again, don’t tell my boyfriend. It’s not what he’s made for/ Tôi lại buồn nữa rồi, đừng nói cho bạn trai tôi biết. Đó không phải nhiệm vụ của anh ấy.”[7]
Nhờ đó, tôi mới nhận ra rằng: Người yêu chỉ là người chỗ dựa tinh thần cho mình chứ không thể chữa căn bệnh trầm cảm của mình được. Anh ta làm không được và đó cũng không phải nhiệm vụ của anh ta. Một bác sĩ tâm thần và một tâm lý gia chưa chắc gì đã làm được thì tại sao một người bình thường không có chuyên môn sẽ giúp cậu khỏi bệnh? Làm sao mà tất cả những sang chấn trong cuộc đời khiến bạn cảm thấy mình vô dụng có thể được chữa trị bằng một người đàn ông cơ chứ, khi mà anh ấy cũng đầy trên vai những sang chấn cuộc đời của anh ta (và rất có thể anh ta cũng cảm thấy mình vô dụng ở một khía cạnh nào đó)? Mình phải tự cứu mình thôi.
Tác giả Rừng Na Uy cũng từng nhắc sơ qua một căn bệnh của nhà văn đó chính là nghiện thuốc lá. Nhưng tôi nghĩ nếu ông viết “Tôi nói gì khi nói về thuốc lá” thì nó có khi lại chẳng được xuất bản. Vậy nên ông viết về chạy bộ để làm gương và cổ động cho giới trẻ có thói quen lành mạnh.
Anh Đức Nhân, một người viết thú vị, nói với tôi rằng:
“Viết là một cách để chết.”
Thiên Lượng cũng nói anh chạy marathon trong lúc thất nghiệp để tìm lối thoát khỏi gia đình. Tôi thì đạp xe để tìm lối thoát khỏi cơn trầm cảm của mình, tìm một khắc chế mạnh cho nó.
Đạp xe làm tôi tỉnh.
Nếu cái tỉnh của trà Gia Thịnh Phát nó êm, nó đằm; cái tỉnh của cafe gói Nescafe là một cái tỉnh cưỡng ép, phải tỉnh vì cần tỉnh, lên rồi lại xuống dần theo thời gian; cái tỉnh của cafe muối Chú Long là một cái tỉnh mạnh và ngon, đem lại cảm giác vừa ngon vừa tỉnh, vừa sảng khoái thì cái tỉnh của endorphin nhờ đạp xe là một cái tỉnh rất tự nhiên, nó từ từ và nó mạnh vừa đủ. Đó là cái cảm giác lúc chạy xe, bạn có thể vui và tỉnh táo một chút, nhưng rồi bạn dừng lại trước cửa nhà thì tất cả những giọt endorphin, dopamine và serotonin tiết ra thong thả và chậm rãi, tức là đang có sẵn tốc độ, chúng “vấp” phải sự dừng lại đột ngột của bạn và tuôn chảy ào ào. Thế là bạn mỉm cười hạnh phúc.
Còn cái tỉnh của tâm thức là một cái tỉnh choáng váng.
Bố tôi, sau một năm thấy tôi chật vật với tâm bệnh, bảo tôi quy y vì con bệnh là do nghiệp.” Thật có ích, chẳng lẽ tôi lại chế máy thời gian như nhà khoa học điên Rick Sanchez trong show “Rick and Morty”. Nghiệp của tôi là làm đau tim bao chàng trai, họ tự thích, đâu phải lỗi tôi đâu. Hay do kỹ năng xã hội của tôi quá kém nên làm phật lòng nhiều người, tích tụ lại hết do nghiệp?
Tôi bảo tôi không tin đạo Phật.
Ngưu bảo rằng: không tin rồi sẽ tin.
Trong khi lần gần đây nhất có giỗ, biết rằng bố mẹ đọc kinh hết một giờ, được năm phút tôi đã kiếm cớ đi, vì tôi không thể đọc những gì quá khó hiểu như kinh Phật. Tôi nhắn Ngưu rằng kinh Phật quá khó hiểu, con không làm đâu. Tiền đình con cũng không tốt để mà lạy mấy chục cái trong cả tiếng đồng hồ như vậy (cháu họ tôi từng nôn trà sữa vì lạy cùng bố tôi và mẹ nó sau khi uống trà sữa). Nói chung, tôi lì, không muốn khuất phục đấng tối cao.
Sau đó tôi và mẹ lại cãi nhau về việc mẹ tưởng tôi xin tiền mẹ đi mua thuốc nhưng thật ra là đi chơi. Tôi về nhà, vất cho mẹ mấy cái hóa đơn và 1.000 đồng tiền thừa, chặn cả bố và mẹ trên Zalo. Thế là kế hoạch cải đạo Phật cho kẻ vô thần bay qua cửa sổ.
Nhưng tôi chọn tin vào vũ trụ. Tôi mua khóa học manifesting hết 399.000 đồng của chị Kathy (healingwithkathy trên instagram). Chị ấy chỉ dẫn cho tôi việc viết sổ biết ơn (gratitude journal) và đọc những câu khẳng định (affirmations). Tôi không quá tin vào việc manifesting sẽ giúp mình đạt tất cả những gì mình muốn, nhưng tôi cần thứ để tẩy não mình khỏi sự suy nghĩ tiêu cực một cách nghiền ngẫm (rumination), điều mà có tập thể dục bao nhiêu lần đi chăng nữa thì tôi vẫn làm.
Lý do vì sao khi chúng ta gặp một vấn đề khiến bản thân buồn bã, chúng ta đi xin lời khuyên, nhưng rồi vẫn không thoát khỏi vũng bùn của sự trầm cảm đó là vì trong đầu ta đã lặp lại một nghìn lần những nghiền ngẫm tư lự tiêu cực và vô ích. Nên một lời khuyên thì làm sao mà giúp dừng lại cỗ máy bi lụy đó, nếu ta không tỉnh thức?
Thế là tôi viết:

img_0

Chị Kathy hướng dẫn rằng tôi chuẩn bị những câu khẳng định và đọc nó vào những khung giờ có số thiên thần (angel numbers) là những số lặp lại. Ba khung giờ mạnh nhất là 11:11, 22:22 và 00:00, tuy nhiên, để tiện lợi cho cuộc sống thì chỉ cần lặp lại như 09:09 hoặc 21:21 cũng được.
Hôm nay tôi dậy lúc 4:30 và cần chuẩn bị phỏng vấn nên (bộ đếm từ báo tôi đã viết được 3.737 từ, số đẹp) tôi bỏ lỡ mốc 11:11. Đến 12:12, tôi lặp lại 11 lần bộ câu khẳng định sau:

img_1

Tôi liên hệ một nhà xuất bản sách và cho họ xem những gì tôi viết. Như tôi đã đoán được trước: họ từ chối xuất bản vì những nội dung của tôi quá tiêu cực và không phù hợp với thị hiếu sách của người Việt (cái này tôi phỏng đoán, vì câu từ chối này là câu thứ hai mà tôi nhận được trong hôm nay và lòng tôi chùng xuống nên không muốn hỏi họ lý do vì sao từ chối và họ có lời khuyên gì cho tôi không, vì tôi vẫn còn gắn giá trị bản thân lên series “Người con gái (không) Việt Nam” này lắm. Mặc dù tôi đã đọc được rằng khi bạn tung ra một sản phẩm thì nó thuộc về khán giả, vậy nên bạn nên buông bỏ (detach) việc gắn giá trị bản thân lên đứa con tinh thần của bạn.)
Tiếp theo, lúc tôi rửa chén buổi trưa, khoảnh khắc “eureka” ập đến khi tôi đang rửa chén. Nếu cứ giữ cái tên “Người con gái (không) Việt Nam” để mà xuất bản thì chắc những nhà “Việt Nam học” sẽ tức giận nhỉ.
Hai chữ “Tai tiếng” ập đến đầu tôi. Tôi có đọc ở đâu đó khi làm Marketing mà bạn muốn nảy ra ý tưởng mới thì bạn phải đọc rất nhiều nguồn khác nhau và cho não một khoảng thời gian nghỉ để nó tự sắp xếp những ý tưởng thành một ý tưởng mới và đột phá, nếu bạn may mắn. Giống như nhà hóa học Dmitri Mendeleev đã mơ thấy bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học sau một thời gian tìm tòi cách sắp xếp các nguyên tố [8], chữ “Tai tiếng” cũng đến với tôi như vậy.
Tôi Google từ “Tai tiếng” để kiếm hình minh họa cho series trên Spiderum thì phát hiện ra đã có một, hai cuốn sách có tựa đề đó rồi. Tôi đành đổi thành “Tai tiếng cũng là danh tiếng.”
Đột nhiên tôi nghĩ, nếu một người khác nghe về tôi, họ sẽ nghĩ gì.
Xong tôi bàng hoàng nhận ra:
“Mình sống lỗi vãi l*n.”
Đó là lần đầu tôi nhận ra điều đó. Tôi shock đến mức đang dùng laptop, tôi nằm ngửa ra giường vì sức nặng của sự nhận thức đó.
Trước giờ tôi luôn biết mình có những lý do để làm những chuyện không nên làm vì tôi là nhân vật chính, tôi luôn nghĩ cho tôi. Triệu Vũ hỏi tôi sao bây giờ mới nhận ra điều đó. Tôi đáp: “Trước giờ em luôn biết rằng em làm những chuyện đó vì những lý do gì. Bây giờ tự dưng em nghĩ ở một góc nhìn khác: Dù vì lý do gì thì em cũng đã làm những chuyện ấy.”
Triệu Vũ nói chúc mừng tôi bằng tiếng Anh. Anh luôn chọn lựa từ ngữ cẩn trọng như thế.
Tôi gọi cho Markie vì tôi cảm thấy tội lỗi đầy mình. Markie hỏi tôi làm những chuyện đó bao giờ, bảo rằng tôi vẫn còn là trẻ con, mà trẻ thì ngu thôi. Chỉ cần sau đó không lặp lại là được. Đó là một phần của sự trưởng thành.
Mark Manson nói rằng:
“Chúng ta có trách nhiệm với những trải nghiệm xảy ra không phải do lỗi của chúng ta. Nó là một phần của cuộc sống”
Nguồn: The subtle art of not giving a f*ck – Mark Manson
Khi bị bạn gái cắm sừng, Manson dần hiểu ra rằng mặc dù cô ấy làm điều tồi tệ với tôi và đó là lỗi của cô ta, nhưng bây giờ đó là trách nhiệm của anh để làm bản thân vui vẻ trở lại. Cô ấy sẽ chẳng bao giờ xuất hiện lại để sửa sang cuộc sống cho anh. Anh phải tự làm điều đó.[9]
Khoảnh khắc tôi nhận ra mình không còn là nạn nhân mà chính là người phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy đến với mình có lẽ là sự khai sáng. Immanuel Kant nói rằng:
“Khai sáng là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra. Vị thành niên là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng vị thành niên này là do tự mình gây ra một khi nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính cương quyết và lòng can đảm, dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác.” [10]
Còn Internet thời hiện đại nói No Nut November sẽ dẫn đến khai sáng.
Để ăn mừng, tôi quyết định tự yêu vì có lẽ hai tháng rồi tôi chưa nhận được cơn lốc oxytocin, endorphin, serotonin, andrenaline và prolactin không phải vì bạn trai tôi kỹ thuật kém hay hàng không khủng mà là do cơ thể tôi bị phụ thuộc vào đồ chơi tình dục vì tôi yêu xa hai người, mỗi người ba năm hơn. Cực khoái né tránh tôi thường ngày nhưng không né tránh tôi hôm đó. Chuyện đáng lẽ ra phải tốn hai tiếng thì chỉ cần mười lăm phút đã đạt được trên nền nhạc Cigarettes after sex.
Hôm sau, 26/1/2024, 8 giờ sáng tôi mới tỉnh thay vì 4 giờ 30 như tác dụng của bốn viên thuốc trầm cảm của mọi ngày. Tôi ngủ sâu và vui mừng khi nhận ra chuyện đó. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tôi bỏ lỡ cơ hội đạp xe và thức dậy cùng mặt trời. Tôi chuyển việc đạp xe xuống 16h30. Lúc ấy khu Vạn Phúc hơi đông nhưng không sao, tôi cần lượng hormone hạnh phúc nên đó là thứ phải làm.
Từ ngu si, thất nghiệp, trầm cảm, vô sinh, u não, bây giờ tôi chỉ còn đỡ ngu ngốc hơn một chút, thất nghiệp nhưng không NEET, trầm cảm nhưng đã tập thể dục cho cả trí óc lẫn thân thể, hết vô sinh nhưng lựa chọn xin con nuôi nếu đủ tài chính, khối u cũng tan.
Đó cũng là một loại chiến thắng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Murakami, H. (2023). Tôi nói gì khi nói về chạy bộ: Tự truyện.
[2] Minh Niệm. (2019, November 1). Thầy Minh Niệm | Nhìn khổ đau bằng con mắt tỉnh thức | Chùa Minh Đạo – 27.10.2019 [Video]. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=zQpfv4h3Rn4
[3] Lent, C. (2022, October 24). Haruki Murakami on Cold Beer, Nothingness, and F. Scott Fitzgerald. Interview Magazine. https://www.interviewmagazine.com/art/haruki-murakami
[4] Murakami, H. (2023). Tôi nói gì khi nói về chạy bộ: Tự truyện.
[5] The Tri Way. (2023, April 1). #47 – với Thư Vũ: trải nghiệm Nepal, xây dựng hình ảnh, sắp xếp cuộc sống [Video]. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=i6e3Ydua308
[6] Knapp, J., & Zeratsky, J. (2018). Make time: How to focus on what matters every day. Random House.
[7] BillieEilishVEVO. (2023, July 13). Billie Eilish – What Was I Made For? (Official music Video) [Video]. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=cW8VLC9nnTo
[8] Thức B. K. (2021, October 20). Những phát minh vĩ đại nhất lịch sử ra đời lúc. . . nằm mơ. https://baomoi.com. https://baomoi.com/nhung-phat-minh-vi-dai-nhat-lich-su-ra-doi-luc-nam-mo-c40046431.epi
[9] Manson, M. (2023, February 8). The Responsibility/Fault fallacy. Mark Manson. https://markmanson.net/responsibility-fault-fallacy
[10] Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? (n.d.). https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tra_loi_cau_hoi_khai_sang_la_gi.html

Đọc phần tiếp theo: Những điều giữ tôi còn sống

Nếu bạn thấy trải nghiệm của tôi hay, xin hãy ủng hộ cho tôi tại đây.

Love Yourself,
NARCY NGUYỄN


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Narcy Nguyen