Năm 12 (phần 1): Kẻ bám đuôi trong Vô Lượng kiếp 

Kẻ bám đuôi theo dõi người ta ngay cả trong giấc ngủ.

Đọc phần trước: “Mày là đồ con gái hư hỏng” – trích bố tôi 

Cảnh báo: Bài viết tiếp theo có nội dung nặng nề về tâm lý, có nhắc tới bệnh OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế) và  thói stalking (bám đuôi). Độc giả nên lưu tâm đến trạng thái tâm lý của mình trước và trong khi đọc, hoặc chuyển đến một bài viết nhẹ nhàng hơn : Những giọt nước mắt từ nơi hạnh phúc nhất thế giới

“Có một thời điểm khi mong muốn của chúng ta đối với nhau có thể đã đưa chúng ta vào một viện tâm thần hoặc nhà tù, nếu không có sự đồng thuận.” –  Lawrence Krauser

Bài hát gợi ý: Animals – Maroon 5

Tôi đã phải đốt trọn mười một điếu Sài Gòn Bạc để có thể viết những dòng này.

Năm 12, tôi cảm thấy rằng chuyện tình cảm của tôi quá tồi tệ, tôi chọn cách tập trung vào việc học hành. Tuy nhiên, hẳn bạn còn nhớ, Cảm từng nói với tôi: “Nghe đồn lớp 11 Tin có đứa thích anh đấy, nhưng anh mới là người có được em bây giờ.”

Đến năm tôi học 12 và độc thân, con người 11 Tin, bây giờ là 12 Tin này quyết định cưa cẩm tôi.

Hãy gọi người này là Vô Lượng.

Vô Lượng học đội tuyển Tin, có giải quốc gia, hay thành phố gì đấy, tôi cũng không quan tâm lắm. Vì không như nhiều cô gái khác yêu cái thành tích của người ta và nói những câu như là: “Anh đậu đội tuyển/ anh đạt giải thành phố/ anh được [điền giùm tôi thành tích làm bạn hứng lên vô đây] thì em sẽ nhận lời hẹn hò với anh”, tôi thích một người vì con người của họ.

Cái vấn đề là cậu ta trông như không có vấn đề gì, gia đình hoàn hảo, học vấn hoàn hảo. Và thường những người hoàn hảo này sẽ cho ta cảm giác không ổn lắm, trực giác mách bảo tôi như vậy. Có một clip tiktok của ID “I like lavender” diễn tả chính xác cảm giác này của tôi: Chàng trai hỏi: “Tại sao em không cho anh một cơ hội? Anh đẹp trai, giàu có và đến từ một gia đình yêu thương. Anh đơn giản là hoàn hảo.” Cô nàng trả lời: “Anh làm em sợ.”

Bởi vì tôi biết rằng một con người, nhất là những người học trường chuyên, khi giỏi cái gì thì sẽ có vấn đề ở một cái khác. Người ta gọi là lắm tài nhiều tật. Tuy nhiên, tôi là con người học bằng cách trải nghiệm nên tôi phải thấy tận mắt tôi mới chịu tin.

Bài học 1: Không bao giờ nên lờ đi cái trực giác của mình.

Bọn tôi mập mờ một thời gian, nhưng tôi vẫn không cảm thấy thuyết phục cho lắm. Thật ra thì nhìn lại tôi cũng không biết tại sao tôi lại phải cho người này một cơ hội như vậy. Có lẽ là do bố mẹ tôi đối xử với tôi không đàng hoàng, quá xem trọng thành tích mà bỏ rơi tôi về mặt tinh thần, làm tôi hình thành kiểu gắn bó lo âu, và tôi phải dựa vào đàn ông để kiếm mạng lưới sự giúp đỡ. (từ khóa: sự công nhận từ đàn ông, gắn bó dạng lo âu, vết thương lòng từ bố)

Vậy nên tôi không biết cách từ chối người khác, bởi tán tỉnh là cách networking duy nhất mà tôi biết.

Mọi chuyện chỉ sáng tỏ khi trường tôi tổ chức đi Đà Lạt. Tối hôm ấy, Vô Lượng và tôi đạp xe đạp đôi vòng quanh Hồ Xuân Hương. Cả hai vẫn muốn giữ bí mật về mối quan hệ này vì tôi cảm thấy chưa đủ thuyết phục. Trong lúc đang đạp xe, cả hai nhìn sang đối diện thấy một nhóm mặc áo đen rất giống áo lớp của lớp Vô Lượng. Tụi tôi giật nảy tôi, đâm vào một xe máy đang đậu dọc đường. Hắn nhảy ra không hề hấn gì. Tôi bị chảy máu đầu gối.

Lúc đó tôi đã bực tôi rồi, nhưng tôi im lặng để xem hắn sẽ làm gì. Cậu ta quyết định nghỉ ở ghế đá dọc đường, nói tào lao cái gì đó. Rồi cả hai hì hục đạp xe về khu khách sạn trường thuê, Vô Lượng không có một động thái nào quan tâm đến vết thương trên đầu gối của tôi. Trên đường về, dường như cảm nhận được cơ hội hẹn hò sắp biến mất, hắn tỏ tình với tôi. Lúc đó, tôi nói ra bài học thứ hai: “Chẳng lẽ ai tốt với tôi tôi đều phải cặp với người đó hay sao?”

Đó là bài học thứ 2: năm 2024, thế giới có trên tám tỷ người, ai mà không tốt. Nếu phải cặp hết với người tốt thì ai chịu nổi?

Hai người về hai lối khác nhau.

Sau đó, tôi quyết định tập trung cho sự nghiệp học hành vì tôi không ở trong đội tuyển nên tương lai chẳng có gì chắc chắn. Vô Lượng thì có giải quốc gia gì gì đấy, nhưng có sẵn suất tuyển thẳng vào đại học rồi, chẳng cần lo gì. Tôi lao đầu vào học thêm. Nhưng Vô Lượng vẫn cứ lẽo đẽo theo tôi. Ích kỷ không chịu được. Lúc lớp tôi đang chụp kỷ yếu, tôi nhìn tầng bảy thấy Vô Lượng cùng một bạn nữa đang nhìn xuống. Không những thế, Vô Lượng còn lẽo đẽo theo tôi đến tận lớp học thêm Anh văn và ngồi đằng sau lưng tôi, còn theo tôi đến tận chỗ gửi xe gần đấy. Quả là trùng hợp. Lúc đó Vô Lượng có sẵn suất tuyển thẳng rồi, còn đi học thêm Anh văn làm cái gì? Mà tại sao trong bao nhiêu lớp lại chọn lớp tôi học làm cái gì? Lại còn ngồi sau lưng tôi làm cái gì? Thời gian đấy tôi cảm thấy rất may mắn là tôi học xa nhà và tôi đi về đường Xa lộ Hà Nội. Đường đó đông xe, nếu không có lẽ Vô Lượng theo tôi về tận nhà rồi.

Năm 12 cũng chính là thời điểm mẹ của tôi lên cơn. Bà bị bệnh tâm thần phân liệt. Lúc đó tôi ngủ trong phòng ngủ phía sau bàn thờ, phong thủy rất xấu đối với con gái. Bà liên tục rên rỉ rằng có ai đó sắp đến hại tôi, có ai đó sắp tung clip nóng của tôi lên mạng – đây là triệu chứng nghe ảo thanh của tâm thần phân liệt. Bệnh biến chuyển xấu đến mức có những hôm bà phải đứng nhìn tôi ngủ mới yên tâm. Thêm áp lực từ Vô Lượng nữa khiến tôi ngày càng stress và bực mình.

Một lần khác, tôi đang đi bộ trên đường từ địa điểm làm thủ tục thi Đại học về lại trường K, đang đi trên đường Nguyễn Chí Thanh. Về nhà, tôi nhận một tin nhắn từ Vô Lượng: “Sao đi bộ không đội mũ cho đỡ nắng?” Tôi sợ hãi đến mức tức giận.

Thói bám đuôi rình mò người khác là một tội ác nghiêm trọng ở nước ngoài, vi phạm không gian riêng tư của một người, làm người ta bất an, lo lắng, sợ sệt. Nhưng lúc đó, vì là năm 12, tôi ngồi ngoài cùng, Vẻ ngồi trong cùng – sự bất bình đẳng khi tôi lúc nào cũng là người phải chuyển chỗ khi làm kiểm tra ở trường K khiến  tôi phải chớp lấy mọi nguồn thông tin về điểm số để đạt được số điểm chấp nhận được trong năm 12. Vậy nên lúc đó tôi không block Vô Lượng. Nếu Vô Lượng nói chuyện điểm số, tôi sẽ trả lời, còn không thì tôi đã xem.

Cho nên, lúc nạn nhân vụ quấy rối tình dục của N.H.A nêu lên lý do vì sợ hắn ta network nhiều nên không block, tôi vô cùng hiểu. Trường cấp 3 là một xã hội nhỏ, network là một nguồn lực rất lớn phải biết tận dụng để đạt được những mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, tôi không phải là đứa hiền. Riêng vụ bám đuôi, tôi đã cảnh cáo Vô Lượng ngay cả trước khi thi Đại học. Thi xong, vào Ngoại Thương, tôi block không biết bao nhiêu lần. Tôi cho không biết bao nhiêu dấu hiệu vô cùng thẳng thừng, nói thẳng toẹt là dừng lại đi, tôi không thích Vô Lượng, tôi không muốn nói chuyện với Lượng, bớt vô duyên đi, nhưng bạn ấy vẫn kiếm cách hại tôi cho bằng được.

Năm 12, tôi deact Facebook, chỉ dùng Zalo để tập trung ôn thi. Ai đó, mua số điện thoại của tôi với giá 50 nghìn, nhắn tin ghẹo tôi, gây hiểu nhầm là Vô Lượng. Tôi không biết là Vô Lượng hay là ai đó giả danh, nhưng đùa cợt như vậy không vui một chút nào.

Có một lần, tôi đi du lịch Sapa về đăng một tấm ảnh lên Facebook.  Tôi thì ngực nhỏ đó giờ, không thích mặc áo độn nhưng hôm ấy mặc đồ ôm, muốn đẹp một xíu nên độn hơi dày. Đi du lịch về còn bị sốt xuất huyết. Lúc đó, hình như tôi block Vô Lượng rồi, tôi không nhớ. Bạn tôi gửi cho tôi tấm hình này về comment của Vô Lượng.

Đây là tấm hình lúc ấy của tôi:

Photographer: Phúc Triệu

Từ đó tôi thề không bao giờ mặc áo độn ngực nữa, không bao giờ thay đổi bộ ngực của tôi vì bất cứ ai không trân trọng nó. Tôi sẽ chỉ đi nâng ngực khi nào sau khi cho con bú, ngực tôi xệ đi đến nỗi tôi nhìn trong gương không chấp nhận nổi, hay bị ung thư vú cắt một bên ngực làm tôi căm ghét chính tôi, thì tôi may ra mới đi nâng ngực. Tôi từ chối thay đổi vì những người làm tôi căm ghét chính tôi. Tôi sẽ chỉ thay đổi khi bản thân tôi muốn.

(Sau này tôi tăng cân, ngực tôi to lên, thế là không phải đi sửa nữa. Nhưng cứ chờ đến sau khi có con xem sao).

Một dịp khác, khi tôi ngây thơ cho Vô Lượng một cơ hội khác, Vô Lượng nói chuyện với tôi như thế này:

Sau đó, Vô Lượng nói “Joke da đen”, tôi trả lời: “Bớt vô duyên kiểu đó đi Lượng.”

Một ngày khác, tôi nghe bạn tôi, người ta đã giúp Vô Lượng làm quen với tôi, nói rằng Vô Lượng bảo tôi trang điểm không đẹp. Lúc đó tôi không biết rằng Vô Lượng như vậy là do “ăn không được nên đạp đổ”.

Có những lúc, tôi nằm trên giường, khóc vì tủi nhục, tức giận và mệt mỏi. Tôi cảm thấy đó là lỗi của tôi khi để Vô Lượng bước vào cuộc sống của tôi. Tôi hẳn phải xấu xa, xấu xí, độc ác, không ra gì nên Vô Lượng mới hại tôi đến như vậy. Tôi nghĩ chắc kiếp trước tôi kiếm chuyện, nợ nần gì Vô Lượng nên kiếp này tôi bị phạt như vậy. Tôi bị ám ảnh bởi Vô Lượng. Tôi Google cách chữa OCD, ra một cách hiệu quả là desensitization (giải mẫn cảm). Tôi phải tưởng tượng rằng Vô Lượng đang đứng cạnh giường tôi hằng đêm, nhìn tôi ngủ. Ban đầu tôi khóc, rồi chai sạn dần. Tôi tập làm quen với điều đó.

Rồi mọi chuyện cũng đỡ hơn một chút.

Nhưng nó chỉ giúp tôi vượt qua được ở mức độ là làm quen dần với việc Vô Lượng nhìn tôi ngủ. Một khía cạnh khác, tôi có một cái khăn tắm có in hình mèo Hello Kitty. Có một thời gian Vô Lượng để avatar Facebook là mèo Hello Kitty. Và có một thời gian dài khi treo cái khăn tắm ấy lên móc, tôi phải lật mặt trái của nó ra hoặc xoay cái mặt có Hello Kitty đi, nhưng tôi không dám vứt cái khăn ấy đi, vì nhà tôi không có nhiều tiền và phải tiết kiệm từng thứ nhỏ như vậy.

Khăn tắm của tôi.

Rất nhiều người đã nói với Vô Lượng là chuyện tôi với Vô Lượng không có kết quả đâu, nhưng Vô Lượng không nghe.

Khi cả trường xem nỗi sợ hãi của bạn là trò hề

Năm 2019 là năm 3 Đại học Ngoại Thương, tôi bị HP. Tôi tìm đến tiến sĩ bác sĩ đầu ngành khoa tiêu hóa một bệnh viện lớn của thành phố để chữa. Thuốc tác dụng phụ rất nặng, tôi nằm bẹp trên giường, thất nghiệp, cùng với áp lực đồng trang lứa ở đại học, nghĩ bản thân không còn chút giá trị nào trên cuộc đời nữa, muốn chết đi cho xong. Lúc đó tôi lại còn ở phòng riêng ngay cạnh bàn thờ. Tôi đã ý thức từ lâu là sức khỏe yếu từ nhỏ, đầu óc không bình thường. Lúc đấy, người yêu cũ của tôi nhưng là người yêu lúc đó, Phần Lan, đích thân bay từ Phần Lan về, đến tận cửa nhà tôi đưa tôi đi bác sĩ tâm thần, trả tiền mặt cho tôi luôn. Tôi nhận chẩn đoán rối loạn lo âu và trầm cảm nặng. Từ đó đến giờ tôi đều đặn đi bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, uống thuốc đúng và đủ liều.

Tuy nhiên, mọi chuyện chưa kết thúc.

Một ngày nọ, khi tôi vẫn đang ở trong phòng kế bên bàn thờ, tâm trạng đang bất ổn, check xem story xem có ai xem. tôi kéo xuống cuối, thấy nick cũ của Vô Lượng. Tôi gần như phát điên lên muốn đập đầu vào tường. Tôi gọi cho người tôi tưởng là gần như là quan trọng nhất lúc ấy với tôi, anh ấy nhấc máy, bảo sẽ nói chuyện với Vô Lượng. Tôi dịu xuống. Rồi anh ấy (từ giờ tôi sẽ gọi là Cải Xoăn) nói vòng vo cái gì đó, tóm lại là không muốn làm, tôi cảm ơn rồi cúp máy. Từ đó tôi biết người này không tin tưởng được. Chính tôi sẽ phải đích thân nói chuyện với Vô Lượng thôi.

Tôi gỡ block Vô Lượng, gọi thẳng qua audio qua messenger, nói với Vô Lượng là hắn là hành hạ tôi như thế nào, bao lâu, biết bao nhiêu lần; hại tôi đến tâm thần như thế nào. Vô Lượng lắp bắp xin lỗi, giải thích nick đó là nick bạn ấy cho đàn anh mượn chứ không phải bạn ấy dùng để xem story tôi và gửi cho tôi một tháng tiền thuốc. Tôi dịu xuống.

Nhưng đương nhiên là làm sao mà xong được. Mỗi khi tôi lên cơn lên tôi đều gọi cho Vô Lượng để kể về nỗi đau của tôi vì tôi biết cách làm sao để làm người khác cảm thấy co rúm trong tội lỗi. Một ngày nọ, bạn gái Vô Lượng lúc đó (A), phát hiện lịch sử cuộc gọi trên Facebook của tụi tôi, A bảo block ngay lập tức. Vô Lượng gửi cho tôi thêm triệu mấy, tổng cộng hai lần đâu đó 3-5 triệu. Tôi thấy hợp lý, tôi để yên.

Nhìn lại thấy tôi hiền thật, chừng đó có là gì so với gần 67 triệu tiền thuốc và điều trị tâm lý của tôi trong 4 năm qua?

Vào tháng 7/2022 lúc tôi đi Phú Quốc với bạn trai lúc ấy, tôi nghe rất nhiều tin đồn về Vô Lượng bây giờ vẫn sống không ra hồn, vẫn khốn nạn như xưa, lại còn bắt nạt người khác. Điều đó làm tôi bị kích động, giống như, những gì tôi gánh chịu vẫn không khiến Vô Lượng sống đàng hoàng lên được.

Tôi không biết, phải làm cách nào để kẻ đi hại người khác có thể khá lên.

Vậy nên tôi đi kiện Vô Lượng.

Đó là câu chuyện cho một dịp khác.

Đọc phần tiếp theo: Năm 12 (phần 2): Nhà bạn có chuyện buồn là bạn có quyền đi kiếm chuyện làm người khác buồn à?

Nếu bạn có nhã ý, xin hãy ủng hộ cho tôi có động lực sản xuất nội dung bền vững tại đây.

Love Yourself,

NARCY NGUYỄN



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Narcy Nguyen